Diện mạo đổi thay ở vùng đồng bào dân tộc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay sau khi sáp nhập tỉnh Hà Tây và một số xã của Hòa Bình vào Thủ đô năm 2008, Thành ủy - HĐND - UBND TP đã đề ra nhiều cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ phát triển cho đồng bào dân tộc nơi đây.

Đặc biệt, Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về "Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô giai đoạn 2011 - 2015", qua đó góp phần thay đổi căn bản diện mạo khu vực miền núi còn nhiều khó khăn này.

Nhiều chuyển biến tích cực

Sau 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU đã tạo nên những bước phát triển vượt bậc cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng cho vùng đồng bào dân tộc của Thủ đô. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, kinh tế 14 xã vùng đồng bào dân tộc vẫn phát triển ổn định, tăng trưởng bình quân trên 10%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.
Công tác chăm sóc sức khỏe đồng bào vùng dân tộc luôn được quan tâm. 	Ảnh: Trọng Tùng
Công tác chăm sóc sức khỏe đồng bào vùng dân tộc luôn được quan tâm. Ảnh: Trọng Tùng
Nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao được hình thành, phát triển và nhân rộng, tiêu biểu như mô hình trồng hoa ly, chuối tiêu hồng, nuôi lợn rừng, gà đồi theo hướng VSATTP ở xã Yên Bình, Tiến Xuân (Thạch Thất); vùng sản xuất chè búp ở xã Ba Trại, Vân Hòa, Yên Bài (Ba Vì); vùng chăn nuôi bò sữa ở Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài (Ba Vì)… Hiệu quả từ các mô hình kinh tế giúp thu nhập của đồng bào tăng dần qua các năm. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc đã giảm từ 18,5% (năm 2011) xuống còn khoảng 5% (ước đến hết năm 2015); đặc biệt, 11/14 xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 8%, đạt mục tiêu chung của cả giai đoạn. Cùng với kinh tế, công tác y tế, giáo dục, văn hóa - xã hội vùng đồng bào tiếp tục được quan tâm, cải thiện. Đến nay, 100% các xã đã có điện lưới quốc gia sử dụng. 14/14 xã đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học và THCS. 100% số hộ nghèo, cận nghèo được cấp bảo hiểm y tế miễn phí. Dự kiến hết năm 2015, có 12/14 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế…

Hiệu quả từ nguồn đầu tư

Có được những kết quả tích cực trên, bên cạnh nỗ lực phát triển tự thân của các địa phương vùng đồng bào dân tộc, không thể không nhắc tới sự quan tâm, đầu tư lớn của TP. Cụ thể, giai đoạn 5 năm từ 2011 - 2015, TP đã đầu tư 1.276,5 tỷ đồng cho 202 dự án. Ngoài ra, còn kêu gọi các quận nội thành hỗ trợ đầu tư 46 nhà văn hóa thôn với tổng kinh phí 92 tỷ đồng và 5 dự án nâng cấp lưới điện với kinh phí 101 tỷ đồng bằng nguồn vốn của Tổng Công ty Điện lực Hà Nội. Đặc biệt, theo Kế hoạch số 166/KH-UBND, từ năm 2013 đến nay, TP đã bố trí 837,5 tỷ đồng cho 105 dự án, trong đó có 99 dự án đã và sẽ hoàn thành trong năm 2015, 6 dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2016.

Sự quan tâm bằng những đầu tư cụ thể đã thể hiện chính sách phát triển nhân văn của TP Hà Nội, qua đó góp phần đổi thay toàn diện đời sống vùng đồng bào dân tộc của Thủ đô. Dù vậy, để thu hẹp khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi của Thủ đô sẽ còn không ít việc cần làm. Ông Nguyễn Tất Vinh - Trưởng ban Dân tộc TP chia sẻ, theo Nghị quyết số 06-NQ/TU, hiện còn 3 tiêu chí chưa đạt so với chỉ tiêu. Đó là 85% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ THPT và tương đương, 100% đường liên thôn, bản mới được cứng hóa và 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh đó, thu nhập của đồng bào dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp. Tỷ lệ hộ nghèo một số xã còn cao, điển hình là 2 xã Ba Vì (Ba Vì) và An Phú (Mỹ Đức)…
Nhằm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc giai đoạn 2016 - 2020, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các sở, ban, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và Nhân dân về công tác dân tộc; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc, đặc biệt là chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn...