Lộ diện siêu dự án tỷ đô của Trung Quốc!

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án thành phố Khoa học và Công nghệ Mohammed VI Tangier sẽ giúp quốc gia tỷ dân dễ dàng kết nối với châu Âu.

Sau sáu năm trì hoãn, thành phố Khoa học và Công nghệ Mohammed VI Tangier – một dự án hợp tác giữa Maroc và Trung Quốc – đã cơ bản hình thành bên ngoài TP Tangier của nước này.

Dự án này là tiền đề để Trung Quốc có thể tiếp cận cả châu Âu và châu Phi khi Maroc nằm gần cửa ngõ của hai châu lục này. Trung tâm công nghệ trên chỉ cách mũi phía Nam của bờ biển Tây Ban Nha 27km qua eo biển Gibraltar nối liền Đại Tây Dương và Địa Trung Hải.

Thành phố Khoa học và Công nghệ Mohammed VI Tangier. Ảnh: SCMP
Thành phố Khoa học và Công nghệ Mohammed VI Tangier. Ảnh: SCMP

Được đề xuất lần đầu tiên vào năm 2016 trong cuộc gặp giữa Nhà vua Maroc Mohammed VI và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Dự án với nguồn vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD, là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường, khi hoàn thành có thể chào đón khoảng 200 công ty Trung Quốc muốn giao thương với châu Âu đến đầu tư.

Sau khi gặp khó khăn khi nhà tại trợ ban đầu là tập đoàn hàng không Trung Quốc Haite rút lui vào năm 2021 do các vấn đề về quy mô dự án và quyền sở hữu, kế hoạch này đã được tái khởi động vào năm ngoái, trên cơ sở thỏa thuận giữa Chính phủ Maroc và các công ty Trung Quốc.

Đại sứ Trung Quốc tại Maroc Li Changlin cho biết dự án này đã đạt được tiến độ đáng kể và hiện đã sẵn sàng nhận đầu tư từ Trung Quốc và các nước khác.

“Trung Quốc hy vọng sẽ trở thành thành viên quan trọng trong ngành xe điện của Maroc và hỗ trợ quá trình công nghiệp hóa của nước này” – Ông cho biết vào ngày 1/11.

Giới phân tích cho biết Maroc đặc biệt thu hút các công ty Trung Quốc do vị trí gần châu Âu, nguồn khoáng sản dồi dào, ưu đãi thuế cũng như các hiệp định thương mại tự do mà nước này đã ký kết với châu Âu và Mỹ. Điều này sẽ giúp các công ty Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực xe điện dễ dàng phát triển và tiếp cận những thị trường trọng điểm.

Abdelmonim Amahraa, chuyên gia Maroc về tính bền vững và chuỗi giá trị toàn cầu, cho biết châu Âu đang là thị trường quan trọng đối với xe điện của Trung Quốc, việc mở rộng chuỗi giá trị toàn cầu tại Maroc cũng như một số quốc gia khác sẽ giúp Bắc Kinh nhanh chóng tiếp cận với thị trường này, đồng thời giảm được các chi phí sản xuất xe điện.

Ông cũng nhấn mạnh rằng Maroc đang là mắc xích quan trọng để kết nối châu Âu và châu Phi cũng như các thị trường lớn khác, với việc Pháp, Đức cũng như một số công ty Mỹ đang hiện diện đáng kể tại đây.

Tiến sĩ John Calabrese, thành viên cấp cao tại Viện Trung Đông, Washington cho biết thỏa thuận Liên châu Âu-Địa Trung Hải (PEM) cho phép Maroc xuất khẩu vào Liên minh châu Âu mà được hưởng các ưu đãi về miễn thuế. Ông nhấn mạnh thêm rằng Maroc cũng đang có một hiệp định thương mại với Mỹ.

Zakia Subhan, người đứng đầu bộ phận Dự báo Trung Đông và châu Phi cho biết thỏa thuận thương mại tự do của Maroc với EU và Mỹ sẽ giúp các công ty Trung Quốc tạo ra được nhiều lợi thế trong cạnh tranh, hưởng lợi từ các khoản trợ cấp từ Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ cũng như các chính sách liên quan đến nguyên liệu thô quan trọng của châu Âu.

Tháng 9/2023, nhà sản xuất phụ tùng CNGR Advanced Material của Trung Quốc cho biết rằng công ty này đang hợp tác với quỹ đầu tư Maroc Al Mada để xây dựng một khu công nghiệp trị giá 2 tỷ USD.

Nhà sản xuất pin xe điện Trung Quốc Gotion High-Tech cũng đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất pin và hệ thống dự trữ năng lượng trị giá 6 tỷ USD tại Maroc.

Youshan – công ty con của tập đoàn lọc coban lớn nhất Trung Quốc Hanzou – cũng đang hợp tác với ông lớn LG Chem của Hàn Quốc để xây dựng nhà máy sản xuất pin Lithium sắt Photphat (LFP) tại Maroc để xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Trong đó, công ty Lốp xe Sentury Thanh Đảo đã bơm gần 300 triệu USD để xây dựng một nhà máy sản xuất tại quốc gia châu Phi này nhằm tìm cách đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các nhà sản xuất ô tô, cũng như tận dụng vị trí thuận lợi của Maroc để tiếp cận châu Âu.

Không chỉ các công ty Trung Quốc, Maroc cũng đặc biệt thu hút các gã khổng lồ ô tô châu Âu khi hai ông lớn là Stellantis và Renault đã sản xuất khoảng 1 triệu chiếc/năm tại quốc gia này.

Phần lớn các trung tâm sản xuất ô tô đều tập trung gần Rabat – thủ đô của Maroc. Khu vực này đang dần trở thành trung tâm sản xuất xe điện và là nơi Trung Quốc muốn hiện thực hóa những kế hoạch tham vọng của mình.