Lộ diện thành phố đắt đỏ nhất thế giới năm 2023

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Châu Á vẫn là khu vực có chi phí sinh hoạt cao nhất cho cuộc sống xa xỉ trong năm thứ 4 liên tiếp theo xếp hạng thường niên của Julius Baer.

Người dân dạo bộ qua các cửa hàng xa xỉ ở đường Orchard - trung tâm mua sắm nổi tiếng ở Singapore. Ảnh: Bloomberg
Người dân dạo bộ qua các cửa hàng xa xỉ ở đường Orchard - trung tâm mua sắm nổi tiếng ở Singapore. Ảnh: Bloomberg

Theo báo cáo "Lối sống và sự giàu có toàn cầu" của tập đoàn quản lý tài sản lâu đời Thụy Sĩ, Julius Baer, Singapore đã vượt lên xếp thứ nhất về chi phí sinh hoạt đắt đỏ của giới nhà giàu trong năm năm 2023, từ vị trí thứ 5 vào năm 2022. Thượng Hải và Hồng Kông (Trung Quốc) lần lượt vẫn xếp thứ 2 và thứ 3.

Singapore là một trong những nơi đầu tiên ở châu Á mở cửa biên giới trở lại trong thời kỳ đại dịch, và điều này làm cho TP trở nên hấp dẫn đối với những người có thu nhập cao. Tuy nhiên, điều đó cũng làm cho giá cả ở Singapore tăng lên, khiến cuộc sống của người dân địa phương không mấy dễ chịu.

Báo cáo cho biết, vào cuối năm ngoái, Singapore dự kiến có khoảng 1.500 văn phòng gia đình, gấp đôi so với năm trước đó. Đây cũng là TP có giá xe hơi cao nhất thế giới. Bất động sản nhà ở tại Singapore rất được săn đón, và xe hơi bị đánh thuế cao. Ngoài ra, bảo hiểm y tế thiết yếu ở Singapore cũng đắt hơn rất nhiều so với mức trung bình toàn cầu. Giá xe hơi tại đây đắt hơn 133% và bảo hiểm y tế đắt hơn 109%.

Ông Mark Matthews, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về châu Á - Thái Bình Dương tại Julius Baer, nhấn mạnh: "Hồng Kông và Singapore ở châu Á từ lâu đã được coi là những nơi đáng sống, ổn định và mang tính quốc tế".

Chỉ số của Julius Baer xếp hạng 25 TP đắt đỏ nhất thế giới bằng cách phân tích tài sản nhà ở, ô tô, chuyến bay hạng thương gia, kinh doanh, bữa tối sang trọng và những mặt hàng xa xỉ khác, của những người giàu có tài sản hộ gia đình gửi ngân hàng từ 1 triệu USD trở lên, trong khoảng thời gian từ tháng 2 - 3/2023.

Kết quả cũng cho thấy, châu Á vẫn là khu vực có chi phí sinh hoạt cao nhất cho cuộc sống xa xỉ trong năm thứ 4 liên tiếp.

Sau khi vượt qua đại dịch, những người được hỏi cho rằng sức khỏe gia đình là một trong những ưu tiên hàng đầu. Cải thiện dinh dưỡng, dành thời gian để phục hồi và tăng cường thể lực cũng được nhấn mạnh. Chi tiêu cho dịch vụ khách sạn, bao gồm cả các bữa ăn ngon và khách sạn 5 sao, đã tăng lên ở cả 5 khu vực được khảo sát trên toàn cầu. Điều này đặc biệt phù hợp ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC).

Những mặt hàng tăng giá mạnh khác bao gồm phòng khách sạn và chuyến bay hạng thương gia. Tuy nhiên, cũng có một số ngoại lệ. Giá xe đạp, từng vô cùng đắt đỏ trong đại dịch, hiện đã giảm 1,8%.

Lần đầu tiên kể từ khi xếp hạng Julius Baer ra đời, châu Âu, Trung Đông và châu Phi - gọi chung là EMEA - là khu vực có chi phí sinh hoạt hợp lý nhất. Đặc biệt là hầu hết các TP châu Âu đều tụt hạng trong bảng chỉ số đắt đỏ. Thủ đô London của Anh rơi xuống vị trí thứ 4 từ vị trí thứ 2, trong khi Zurich của Thụy Sĩ rơi xuống vị trí thứ 14.

London hiện đang phải cạnh tranh khốc liệt với các trung tâm tài chính mới nổi như Singapore hay Dubai của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Dubai lần đầu tiên vào top 10, trở thành thành phố đắt đỏ thứ 7 thế giới. Julius Baer nói rằng Dubai là một “ngôi sao nổi bật” trong chỉ số năm nay, và việc có nhiều người giàu chuyển đến đây đã tác động đến giá cũng như nhu cầu bất động sản.

Các TP ở các nền kinh tế phát triển như Tokyo của Nhật Bản hay Sydney của Australia tiếp tục tụt hạng trong chỉ số sinh hoạt đắt đỏ. Trong khi đó, các TP ở các nền kinh tế đang phát triển như Bangkok của Thái Lan, Jakarta của Indonesia và Mumbai của Ấn Độ lại tăng hạng chỉ số sống đắt đỏ với giới nhà giàu. Mumbai đã tăng từ hạng 24 lên 18 trong chỉ số lối sống năm nay.

TP New York của Mỹ leo lên vị trí thứ 5 từ vị trí thứ 11 vào năm 2022, do đồng USD mạnh lên và sự hồi phục sau đại dịch.