Lo ngại dịch Covid-19 lan rộng

Hải Lý - Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau nhiều tháng chống chọi với làn sóng Covid-19 thứ 4, tình hình dịch tại Việt Nam có xu hướng giảm nhiệt.

Tuy nhiên, sau 10 ngày thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19”, nhiều địa phương ghi nhận số ca mắc Covid-19 cộng đồng tăng cao, có nguy cơ lây lan trên diện rộng nếu không kiểm soát chặt.

Xuất hiện nhiều ổ dịch mới

Những ngày gần đây, Hà Nội xuất hiện một số ổ dịch mới. Đáng chú ý, ngày 24/10, Hà Nội thêm 16 ca Covid-19, trong đó, 7 ca Covid-19 cộng đồng tại ổ dịch Quốc Oai. Tuy nhiên, tính đến sáng 25/10, ổ dịch này đã tăng lên 12 ca F0. Đáng lo ngại, trong số 12 F0 này, nhiều người có địa chỉ thường trú ở địa phương khác nên nguy cơ lây lan diện rộng rất cao.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, ổ dịch tại Quốc Oai diễn biến hết sức phức tạp, chưa rõ nguồn lây, chưa rõ F0, nhiều trường hợp F1. Do vậy, địa phương chỉ đạo hết sức khẩn trương, nhanh chóng xác định hết F1, không để bỏ sót F1, lấy mẫu xét nghiệm kịp thời. Đồng thời, huyện rà soát các trường hợp F2, bố trí cách ly tập trung trường hợp F1 khoa học, hợp lý tránh lây nhiễm chéo trong khu cách ly.
 Khu phong tỏa tại ổ dịch ở huyện Quốc Oai. Ảnh: Nguyễn Nga
TS Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định, ổ dịch tại Quốc Oai là ổ dịch khá phức tạp. Hơn nữa, biến chủng virus có khả năng lây lan nhanh nên tinh thần chỉ đạo phải có chiến lược đồng bộ từ điều tra truy vết, cách ly, khoanh vùng dập dịch đến tiêm chủng. Đặc biệt, dịch đến đâu dập đến đó, hạn chế tối đa trường hợp F1 trở thành F0. Sở Y tế đề nghị huyện tiếp tục triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian và tiêm mũi 1 cho các trường hợp trong quá trình di biến động dân cư chưa tiêm. Cùng với đó, tổ chức cách ly chặt chẽ, xét nghiệm diện rộng, phong tỏa hẹp và yêu cầu người dân phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp, phòng dịch theo quy định, phấn đấu đến cuối tháng 10/2021 có thể dập ổ dịch trên địa bàn huyện Quốc Oai.

Trước đó, từ ngày 23/10, Hà Nội cũng ghi nhận 6 ca F0 tại ổ dịch Trần Quang Diệu, Ô Chợ Dừa. Ngày 22/10, ghi nhận 10 ca dương tính gồm 8 ca đã cách ly, 2 ca cộng đồng phát hiện tại Bệnh viện 108, là vợ chồng, cùng ở Giáp Bát, Hoàng Mai.

Tại tỉnh Thanh Hóa, thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, ngày 24/10, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 38 bệnh nhân mắc Covid-19 mới, trong đó có 14 bệnh nhân từ các điểm dịch trong tỉnh, còn lại là công dân Thanh Hóa trở về từ các tỉnh, thành phía Nam. Tất cả bệnh nhân được ghi nhận tại các khu cách ly.

Tại Phú Thọ, thông tin từ Sở Y tế tỉnh cho biết, từ 18 giờ ngày 24/10 đến 6 giờ ngày 25/10, địa bàn tỉnh ghi nhận 19 ca dương tính mới. Cụ thể, tại TP Việt Trì 6 ca, Lâm Thao 6 ca, Phù Ninh 7 ca. Trong đó, có 18 ca mắc mới thuộc khu cách ly, khoanh vùng quản lý và các trường hợp F1 đã được theo dõi, cách ly; 1 ca mắc mới trong cộng đồng (tại xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao). Như vậy, kể từ khi phát hiện 2 ca bệnh không rõ nguồn lây đầu tiên tại huyện Lâm Thao, từ ngày 14/10 đến nay, toàn tỉnh Phú Thọ ghi nhận 395 ca mắc Covid-19.

Còn tại Hà Nam, Sở Y tế tỉnh công bố 6 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong ngày 24/10. Cụ thể, 3 trường hợp ở thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm và 3 trường hợp liên quan đến ổ dịch tại Tổ 2, phường Lê Hồng Phong, TP Phủ Lý. Như vậy, kể từ ca bệnh BN687.470, ở thôn Lê Lợi, xã Phù vân, TP Phủ Lý dương tính với SARS-CoV-2 vào chiều ngày 19/9 đến 17 giờ ngày 24/10, Hà Nam ghi nhận 842 ca bệnh đã được Bộ Y tế cấp mã.

Nguy cơ dịch lan rộng nếu không kiểm soát chặt

Tính đến nay, hầu hết các địa phương trên cả nước đều có người từ vùng dịch trở về địa phương, trong đó hơn 1.000 người xét nghiệm dương tính. Nhiều chuyên gia dịch tễ cảnh báo, nguy cơ bùng phát dịch từ người di cư về địa phương nếu không làm tốt công tác kiểm soát, cách ly. Chúng ta đã có nhiều bài học về lây lan dịch ra cộng đồng từ người về từ vùng dịch. Dự báo trong thời gian tới, các địa phương sẽ tiếp tục ghi nhận thêm ca nhiễm mới trong bối cảnh

vaccine chưa kịp phủ sâu rộng. Do đó, chuyên gia dịch tễ khuyến cáo, các tỉnh, thành có nguy cơ cao cần chủ động giám sát chặt chẽ người từ vùng dịch về bằng xét nghiệm, kể cả người đã tiêm đủ hai mũi vaccine. Đây là biện pháp thận trọng để ngăn dịch bùng phát.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, sau 10 ngày thực hiện Nghị quyết 128, về cơ bản hiện nay chúng ta đã kiểm soát được tình hình dịch tại các địa bàn trọng điểm. Tuy nhiên, sau khi nới lỏng giãn cách, lượng người đi lại từ vùng có dịch về các địa phương lớn và đã xuất hiện nhiều ổ dịch mà nguồn lây chủ yếu từ những người trở về từ vùng dịch. Hiện một số tỉnh như Phú Thọ, Thanh Hoá, Nam Định hay một số địa phương ở khu vực Tây Nam Bộ đã ghi nhận nhiều ca bệnh liên quan đến người trở về từ vùng dịch.

“Chúng tôi lo ngại nguy cơ bùng phát dịch rất lớn trong thời gian tới. Do đó, các địa phương phải nâng cao hơn mức độ cảnh giác với dịch” - Bộ trưởng Bộ Y tế nói. Đồng thời đề nghị các địa phương phải rà soát lại, kiểm soát người về từ 4 địa bàn TP Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương và Đồng Nai. Cùng với đó, giám sát chặt chẽ, tiến hành xét nghiệm, cách ly… theo đúng hướng dẫn.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 128 và Quyết định 4800 của Bộ Y tế, nếu các địa phương có vấn đề phát sinh thì cần liên hệ ngay với Bộ Y tế trao đổi để đạt được “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Quan trọng hơn cả là phải kiểm soát được tình hình dịch, tránh để xảy ra đợt dịch tiếp theo. Do đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương đã được phân bổ vaccine phải tăng tốc tiêm chủng. Một tiêu chí quan trọng khác là địa phương phải chuẩn bị đủ cơ sở vật chất, đặc biệt là hệ thống điều trị, đảm bảo giường bệnh cho tình huống có nhiều ca mắc để khi dịch xảy ra thì kiểm soát được, giảm tối đa số ca tử vong.

Liên quan đến vấn đề phong tỏa, Bộ Y tế cho rằng, các địa phương cần phong tỏa và cách ly nhỏ nhất có thể, chỉ vài nhà trong một ngõ hay vùng nhỏ trong một xã, phường. Trong vùng phong tỏa, cách ly nhỏ cần làm xét nghiệm nhiều vòng lặp lại. Bộ Y tế cũng nêu rõ, người đi từ vùng dịch về đã đủ điều kiện theo dõi sức khoẻ tại nhà nhưng không có nghĩa là “thả lỏng” mà phải dựa vào tổ Covid cộng đồng thường xuyên kiểm tra, giám sát.

"Cả nước đã xác định chung sống an toàn với dịch Covid-19 là điều cần thiết để chúng ta quay lại cuộc sống bình thường mới. Có nghĩa là trong trạng thái vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, mỗi cá nhân, tập thể đều phải làm tốt các biện pháp phòng, chống dịch; trong đó, phải nghiêm túc thực hiện thông điệp 5K, nhất là ở những nơi có mật độ dân tập trung cao." - PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế


"Việc Hà Nội xuất hiện một số ca bệnh trong cộng đồng hoàn toàn không bất ngờ. Để tránh nguy cơ lây lan dịch ra cộng đồng cần tinh thần tự giác phòng dịch và tuân thủ biện pháp 5K của mỗi người. Ngoài ra, những ngày qua, Hà Nội liên tiếp ghi nhận những ca mắc là trường hợp về từ vùng dịch. Do đó, để quản lý tốt những trường hợp này cần có sự phối hợp liên ngành thật chặt chẽ. Hiện nay, việc cung cấp danh sách những trường hợp trở về bằng đường hàng không tương đối đầy đủ nhưng với đường bộ và đường sắt thì việc cung cấp danh sách này còn nhiều khó khăn."- Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn