Lo ngại gì trong lần đầu Chủ tịch Trung Quốc đến Triều Tiên sau 14 năm?

Hương Thảo (Theo AFP)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch Tập Cận Bình được thông báo đã rời Trung Quốc cho chuyến công du lịch sử tới Bình Nhưỡng vào hôm nay (20/6), dự báo khởi động lại một liên minh đang gặp nhiều thách thức khi ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đều đang phải đối mặt với những khác biệt của riêng mình với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ảnh lưu niệm của hai nhà lãnh đạo Trung - Triều trong một lần gặp mặt. 
Ông Tập là Chủ tịch Trung Quốc đầu tiên đến thăm Bắc Triều Tiên trong 14 năm sau khi mối quan hệ giữa các đồng minh thời Chiến tranh Lạnh xấu đi vì các hành động khiêu khích hạt nhân của Bình Nhưỡng, và sau đó là sự ủng hộ các lệnh trừng phạt của Liên Hợp quốc.
Hai nhà lãnh đạo Tập và Kim đã liên tục hành động để khắc phục mối quan hệ, với việc nhà lãnh đạo trẻ tuổi của Bắc Triều đến thăm Trung Quốc 4 lần trong năm qua và Bắc Kinh kêu gọi các biện pháp trừng phạt được nới lỏng.
Về phần mình, nhà lãnh đạo Trung Quốc được cho đã dành thời gian để xem xét các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Trump-Kim diễn ra như thế nào trước khi quyết định tới Bình Nhưỡng để đáp lại các chuyến thăm.
Trong một bài xã luận hiếm hoi được công bố trên tờ báo chính thức của Bắc Triều Tiên hôm 19/6, ông Tập đã ca ngợi tình bạn "không thể thay thế" của 2 quốc gia láng giềng và đưa ra một "kế hoạch lớn" để mang lại sự ổn định lâu dài cho Đông Á.
Ông cũng tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ đóng vai trò tích cực trong việc "tăng cường liên lạc và phối hợp với Triều Tiên và các bên liên quan khác" để thúc đẩy các cuộc đàm phán trên Bán đảo Triều Tiên.
Bài xã luận được xem như một lời nhắc nhở rằng Bắc Kinh vẫn là đồng minh thân cận nhất của Bình Nhưỡng, tuy nhiên theo Yongwook Ryu, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc gia Singapore, ông Tập có thể phạm sai lầm nghiêm trọng nếu cố gắng sử dụng Triều Tiên như một "con bài" để mặc cả với ông Trump trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, bởi Tổng thống Mỹ vốn là người luôn tách biệt các vấn đề an ninh khỏi lợi ích kinh tế.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã bác bỏ những lo ngại rằng mối quan hệ chặt chẽ của Bắc Kinh với Bình Nhưỡng có thể được sử dụng để gây áp lực với Mỹ, rằng "những người có ý tưởng như vậy chỉ là suy nghĩ quá mức".