Lo ngại Mỹ, Trung Quốc "hạ giọng" về chiến dịch Made in China 2025

Lan Hương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bắc Kinh bắt đầu “hạ giọng” về chiến dịch Made in China 2025, chính sách được xem là nguyên nhân chính dẫn đến phản ứng gay gắt của Washington trong thương mại.

Sau một loạt lời đe dọa áp thuế lên 450 tỷ USD hàng nhập khẩu vào Mỹ, Bắc Kinh ngày càng thận trọng việc triển khai kế hoạch đầy tham vọng của nước này đã gây ra phản ứng dữ dội của Washington.
 Made in China 2025 là chính sách công nghiệp đầy tham vọng của Trung Quốc.
Một quan chức ngoại giao phương Tây cấp cao cho biết, trong cuộc họp các quan chức Trung Quốc đã bắt đầu “hạ tông” về chiến dịch Made in China 2025.
Cơ quan thông tấn nhà nước Tân Hoa xã đã nhắc đến cụm từ Made in China 2025 hơn 140 lần bằng tiếng Trung Quốc trong các mục tin tức 5 tháng đầu năm. Nhưng kể từ 5/6, việc này không còn diễn ra nữa, theo các kết quả tìm kiếm cơ sở dữ liệu công cộng.
“Trung Quốc dường như đã bắt đầu thừa nhận tác dụng phụ gây ra bởi việc tuyên truyền mạnh mẽ”, nhà ngoại giao phương Tây giấu tên cho biết.
Nhưng họ (Trung Quốc) sẽ không ngừng chiến dịch này. Họ chỉ thay đổi cách nói về nó, nhà ngoại giao này cho biết thêm.
3 cơ quan truyền thông nhà nước cho hãng Reuters biết, họ đã được hướng dẫn để không nhắc đến cụm từ Made in China 2025. 2 cơ quan khác cho biết họ không nhận được các hướng dẫn như vậy.
Ngày 28/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát biểu về sự đổi mới, phản ánh những ý tưởng chính của Made in China 2025 mà không nhắc đến tên của chính sách.
Bằng chiến dịch Made in China 2025, Trung Quốc muốn bắt kịp các đối thủ trong lĩnh vực ro-bot, không gian, xe năng lượng sạch và vật liệu cơ bản.
Chiến lược này là trọng tâm của những nỗ lực nhằm nâng cao chuỗi giá trị và đạt được tầm nhìn của Chủ tịch Tập Cận Bình về việc đưa quốc gia thành một siêu cường toàn cầu vào năm 2050.
Theo kế hoạch, Bắc Kinh muốn các nhà cung cấp trong nước chiếm 70% thị phần vào năm 2025 cho “các thành phần cốt lõi cơ bản và các vật liệu cơ bản quan trọng” trong các ngành chiến lược.
Các mục tiêu khác được xác nhận bởi các quan chức cấp cao của Trung Quốc bao gồm việc đảm bảo 40% chip điện thoại thông minh được sản xuất nội địa vào năm 2025.
Các mục tiêu này đã khiến các quan chức thương mại của Mỹ thêm lo ngại về việc bị "soán ngôi" trong lĩnh vực công nghệ. Đặc biệt, chính sách này càng khiến một số thành viên "diều hâu" trong nội các Tổng thống Trump bao gồm đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và cố vấn thương mại Peter Navarro càng thêm gay gắt với Trung Quốc.
Chính quyền Tổng thống Trump đang cân nhắc cấm các công ty có ít nhất 25% sở hữu của Trung Quốc mua lại các công ty Mỹ trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng, quan chức Mỹ cho biết.