Lo ngại... té nước theo mưa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi giá xăng, dầu giảm, giá hàng hóa vẫn "cố thủ", nay điện, xăng cùng lúc tăng giá người dân lại lo lắng hiện tượng "té nước theo mưa" dẫn đến nhiều mặt hàng được đà tăng giá theo.

Giá mặt hàng thiết yếu tăng nhẹ

Ghi nhận tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội ngày 12/3 cho thấy, giá nhiều loại thực phẩm đã có biến động: Rau có mức tăng nhẹ 1.000 - 2.000 đồng: rau muống ở mức 12.000 - 15.000 đồng/mớ, su hào 4.000 - 5.000 đồng/củ, cà chua 10.000 - 12.000 đồng/kg, cải thảo 15.000 đồng/kg. Các mặt hàng thịt lợn tăng nhẹ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Cụ thể, thịt ba chỉ ở mức 90.000 - 95.000 đồng/kg, thịt thăn 105.000 đồng/kg, sườn thăn 100.000 đồng/kg…; giá thịt  gà ta được bán ra ở mức 140.000 đồng/kg... Cá chép 110.000 đồng/kg loại to, cá trắm con to giá 100.000 đồng/kg: tăng 5.000 đồng/kg, cá quả cũng cao hơn 10.000 đồng/kg, ở mức 120.000 đồng/kg. Tôm sú có giá 350.000 đồng/kg tùy loại, ngao từ 20.000 đồng/kg, mực trứng 60.000 đồng/kg…
Người tiêu dùng chọn mua rau xanh tại chợ Thành Công. 	Ảnh: Chiến Công
Người tiêu dùng chọn mua rau xanh tại chợ Thành Công. Ảnh: Chiến Công
Theo các tiểu thương tại chợ đầu mối phía Nam (Tam Trinh), phần lớn các mặt hàng tăng giá cũng do yếu tố thời tiết, mưa nhiều nên rau quả bị dập nát, việc vận chuyển hàng hóa cũng gặp nhiều khó khăn hơn, tuy nhiên, giá cả các mặt hàng có mức biến động nhẹ một phần do thông tin tăng giá xăng và giá điện.

Chị Thanh Mai (Long Biên) lo lắng: "Trước Tết, khi giá xăng liên tục giảm thì không thấy giá thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu có động thái giảm giá, nhưng khi giá xăng vừa tăng là ngay hôm sau đi chợ đã thấy giá thực phẩm chênh nhẹ so với ngày hôm trước. Mấy hôm nữa lại thêm giá điện tăng, không biết giá cả còn tăng như thế nào nữa".

Theo đại diện Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, giá xăng, dầu cùng với giá điện tăng cao đang tác động mạnh tới đời sống và tâm lý người tiêu dùng. Các DN đã rất chậm chạp trong quá trình giảm giá cước mà Nhà nước chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, khi giá các nguyên liệu thiết yếu như điện, xăng dầu lại tăng mạnh sẽ khiến họ mất cơ sở để giảm giá, thậm chí có thể tăng giá trở lại.

Hiệu ứng dây chuyền

Trên thực tế, từ khi có thông tin giá điện tăng và sau đó là xăng tăng, nhiều ngành đã kêu khó. Điển hình là các DN về vật liệu xây dựng như thép, xi măng "vốn dĩ đang gặp rất nhiều khó khăn, giờ lại phải đối mặt với việc chi phí đầu vào tăng mạnh".

Ông Phạm Chí Cường - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết: Mức tiêu hao điện cho 1 tấn thép hiện khoảng 600kWh, tính ra tiền điện chiếm khoảng 7% giá thành sản xuất thép. Nếu điện tăng giá bình quân 7,5%, giá thành thép sẽ tăng khoảng 80.000 - 90.000 đồng/tấn, tương ứng 0,7% giá thép.

Giám đốc một DN ngành thực phẩm đông lạnh tại Hà Nội lo lắng, đối với ngành đông lạnh, sử dụng điện nhiều nên giá điện tăng, chi phí đội lên cả trăm triệu đồng/tháng, cả năm ngốn thêm 1,2 tỷ đồng. Chưa kể xăng vừa tăng, các vật tư, nguyên liệu khác sẽ tăng giá theo trong nay mai.
Các chuyên gia khẳng định, lương vừa tăng, giá các mặt hàng đã rục rịch lên. Hai tháng qua, sức mua của thị trường rất thấp, nên khi gas, xăng, dầu, điện - những thứ khó có thể tiết giảm và thay thế, đồng loạt tăng giá, người dân chỉ còn cách tiết kiệm chi tiêu.

Một nhóm ngành hàng khác là DN vận tải vốn dĩ giảm giá cước nhỏ giọt thời gian qua thì cho biết đang tiếp tục nghe ngóng. Theo ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội, đợt này giá xăng tăng khoảng 10%, giá dầu tăng ít hơn. Với mức tăng giá lần này, các đơn vị vận tải sẽ tiếp tục nghe ngóng tình hình thị trường xăng dầu thế giới.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, giá điện tăng 7,5% sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng năm 2015 khoảng 0,23 - 0,26%. Đồng thời, tiền điện tăng thêm, bình quân mỗi hộ tiêu thụ 50 kWh/tháng khoảng 4.800 đồng; tiền điện tăng thêm bình quân của mỗi hộ tiêu thụ 100 kWh/tháng khoảng 9.800 đồng. Tỷ lệ tăng giá thành sản xuất đối với một số sản phẩm có mức tiêu thụ điện cao như thép và xi măng khoảng 0,07  - 0,66%. Tuy nhiên, các chuyên gia lại khẳng định, chắc chắc CPI sẽ không chỉ dừng ở mức này. Thêm vào đó, "trong “rổ” tính CPI chỉ thống kê khoảng 500 mặt hàng, trong khi trong đời sống có tới hàng ngàn mặt hàng. Vì thế, trên thực tế, DN, người tiêu dùng sẽ phải đối mặt với khó khăn khi giá cả hàng hóa leo thang" - ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội nói. Cũng có ý kiến cho rằng, trước đây, mỗi đợt giá xăng tăng, lập tức các hàng hóa dịch vụ đều lấy làm căn cứ để tăng giá, tình trạng này không dễ đối phó.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần