Loạt lãnh đạo Techcombank hưởng ưu đãi cực hời

Diệu Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhóm ngân hàng gặp áp lực điều chỉnh khi nhiều cổ phiếu lọt top tác động tiêu cực lên thị trường.

Thị trường chứng khoán trong nước đối mặt với áp lực điều chỉnh sau nhiều phiên tăng. Đóng cửa phiên giao dịch chứng khoán ngày 10/8, VN-Index giảm 2,35 điểm (0,19%) về 1.256,5 điểm, HNX-Index tăng 2,13 điểm (0,71%) lên 303,54 điểm, UPCoM-Index tăng 0,25 điểm (0,27%) tăng 93,11 điểm.

Trong 6 tháng đầu năm, Techcombank có lợi nhuận trước thuế đạt 14.100 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, Techcombank có lợi nhuận trước thuế đạt 14.100 tỷ đồng.

Thanh khoản thị trường có sự sụt giảm nhẹ. Dòng tiền phiên này tập trung vào nhóm ngành đầu tư công, dầu khí, xây dựng. Còn lại các nhóm như thủy sản, phân bón, ngân hàng, chứng khoán, thép giao dịch chững lại sau những phiên tăng giá tốt.

Theo dự báo trước đó của công ty chứng khoán, với dòng tiền tỏ ra khá tốt ở thời điểm hiện tại thì nhịp điều chỉnh mạnh trong ngắn hạn chưa được đánh giá cao. Sắp tới thị trường có thể tiếp tục xuất hiện những nhịp rung lắc, điều chỉnh nhẹ, kịch bản được kỳ vọng nhất là thị trường sẽ sideway biên độ hẹp trong 1 tuần tới.

Trong phiên này, nhóm ngân hàng cũng gặp áp lực điều chỉnh khi nhiều cổ phiếu thuộc top tác động tiêu cực nhất lên thị trường như: CTG, VCB, BID, VPB, STB…

Trong đó, cổ phiếu TCB cũng thuộc nhóm này, và lấy đi của VN-Index hơn 0,3 điểm. Chốt phiên, TCB giảm 0,89% về mốc 38.800 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, tính chung qua 1 tháng TCB vẫn đang hồi phục mạnh khi tăng gần 9%.

Liên quan đến mã cổ phiếu này, mới đây Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank - TCB) đã công bố hàng loạt giao dịch của cổ đông nội bộ và người có liên quan, tham gia đợt phát hành cho người lao động theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty (ESOP) năm 2022. 

Cụ thể, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Phùng Quang Hưng đăng ký mua 350.000 cổ phiếu; ông Phan Thanh Sơn - Phó Tổng Giám đốc Techcombank cũng đăng ký mua 97.770 cổ phần. Số lượng cổ phiếu ông Sơn nắm giữ sau giao dịch dự kiến là 2,14 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 0,06%; hai Phó Tổng Giám đốc khác của ngân hàng là ông Phạm Quang Thắng và ông Kalyanaraman Sivaramakrishnan cũng đăng ký mua lần lượt 80.945 cổ phiếu và 42.118 cổ phiếu. 

Ngoài ra, người được ủy quyền công bố thông tin - bà Thái Hà Linh đăng ký mua hơn 111.000 cổ phiếu. Người có liên quan của Thành viên HĐQT độc lập - bà Nguyễn Thu Lan đăng ký hơn 100.000 cổ phiếu. Người phụ trách quản trị, ông Nguyễn Tuấn Minh và Kế toán trưởng, bà Bùi Thị Khánh Vân đăng ký mua lần lượt 55.764 cổ phiếu và 5.318 cổ phiếu.

Như vậy, 8 lãnh đạo của Techcombank đăng ký mua tổng cộng 843.340 cổ phiếu theo chương trình ESOP 2022. Thời gian thực hiện các giao dịch trên dự kiến từ ngày 12 - 26/8. 

Trước đó, Hội đồng quản trị Techcombank đã phê duyệt phương án phát hành 6,32 triệu cổ phiếu trong chương trình ESOP với giá phát hành là 10.000 đồng/cp, thấp hơn nhiều so với thị giá 38.000 đồng/cp hiện nay.

Được biết, trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 14.100 tỷ đồng, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu nhập hoạt động trong 6 tháng tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước, lên 21.100 tỷ đồng, nhờ sự tăng trưởng mạnh từ thu nhập lãi và hoạt động dịch vụ. Thu nhập từ lãi đạt 15.900 tỷ đồng, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ tăng trưởng danh mục tín dụng với biên lãi thuần (tính trong 12 tháng) ổn định tại 5,6%. Cùng với đó, thu nhập từ dịch vụ ngân hàng tăng 29,5% mang về 4.400 tỷ đồng 

Đáng chú ý, tổng tiền gửi tại ngày 30/6/2022 đạt 321.600 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ và tăng 2,2% kể từ đầu năm. Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn đạt 169.000 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cuối quý 2 năm 2021 và CASA đạt 152.700 tỷ đồng, tăng 14,4%. Dù CASA vẫn tích cực tuy nhiên so với một số ngân hàng khác như MB thì mục này của Techcombank lại giảm phong độ.

Theo lý giải của Techcombank, tỷ lệ CASA giảm xuống 47,5% so với mức 50,4% cuối quý 1/2022, do khách hàng có xu hướng chuyển dịch CASA sang một số sản phẩm khác như bất động sản và chứng khoán. 

Hiện Techcombank đã triển khai ứng dụng mới trên điện thoại di động cho tất cả khách hàng cá nhân mới và chuyển đổi dần theo giai đoạn cho khách hàng hiện hữu. Tính đến cuối tháng 6/2022, hơn 70% khách hàng đã được chuyển đổi thành công.

Trong tháng 4 vừa qua, Techcombank đã giới thiệu iDO - nền tảng số mới và chính thức triển khai trong tháng 5. Trong giai đoạn tiếp theo, các chức năng hỗ trợ bán hàng và dịch vụ mở rộng sẽ được hoàn thiện. Tháng 6/2022, Techcombank cũng thử nghiệp tính năng mở Gói tài khoản (Account Bundle) - trên nền tảng iDO tại nhiều chi nhánh. Nền tảng iDO sẽ tiếp tục được nâng cấp để áp dụng cho mở thẻ tín dụng và cập nhật thông tin khách hàng trên máy tính bảng trong 6 tháng cuối năm 2022 với mục đích đưa iDO trở thành nền tảng khách hàng duy nhất của Techcombank.