Loay hoay bảo tồn cây di sản - Bài 3: Đừng vinh danh rồi… để đó

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước nguy cơ biến mất của quần thể cây di sản, nhiều người đặt câu hỏi: Trách nhiệm quản lý, bảo tồn thuộc về ai?

Chưa rõ phân cấp quản lý
Theo TS Nguyễn Ngọc Sinh - Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE), quy định trách nhiệm bảo vệ cây di sản thuộc về chủ sở hữu đăng ký danh hiệu. Tuy nhiên, việc bảo tồn những quần thể này là không đơn giản, do đó, cần có sự tham gia của chính quyền các cấp. Tuy nhiên, hiện nay lại chưa rõ sự phân cấp quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo tồn cây di sản.

Cây đa di sản làng Thanh Trí (xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn). Ảnh: Trọng Tùng

Bà Phan Thị Thu Hương - Trưởng phòng VH - TT thị xã Sơn Tây cho biết, danh hiệu “cây di sản” không phải do Sở VH - TT Hà Nội cấp chứng nhận, do đó, trách nhiệm quản lý trực tiếp không thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý văn hóa. Theo bà Hương, khi có vấn đề phát sinh về cây di sản, đơn vị có liên quan sẽ được huy động để thực hiện nhiệm vụ. Ví dụ như: Cành cây gãy, đổ thì phòng quản lý đô thị sẽ có chức năng chính, các đơn vị khác tham gia hỗ trợ. Nhưng khi cây di sản bị sâu bệnh phá hoại thì trạm bảo vệ thực vật, phòng kinh tế sẽ phải vào cuộc… Cũng liên quan tới trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với cây di sản, ông Đoàn Văn Sinh - Trưởng phòng VH - TT huyện Sóc Sơn cho hay, đơn vị không được phân công phụ trách việc bảo tồn những quần thể này. “Chỉ khi có vấn đề phát sinh, cơ sở đăng ký danh hiệu có ý kiến đề nghị được hỗ trợ, các phòng ban chuyên môn của huyện mới tham gia…” - ông Sinh cho biết. 
Như vậy có thể thấy, việc quản lý Nhà nước đối với hạng mục cây di sản còn hết sức lỏng lẻo, chồng chéo, nhiều bất cập. Điều đáng nói, do không thuộc danh mục Nhà nước quản lý nên cây di sản cũng không được bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp thường xuyên - hàng năm phục vụ công tác chăm sóc, bảo tồn. TS Nguyễn Ngọc Sinh nhận định, nếu tiếp tục buông lỏng, không có sự phân cấp, gắn trách nhiệm trong quản lý Nhà nước, việc bảo tồn những quần thể cây di sản sẽ rất khó khăn.   
Cần sự chung tay của cộng đồng
Việc những cây cổ thụ có niên đại hàng trăm năm bị chết dần là một mất mát lớn, không chỉ về ý nghĩa lịch sử - văn hóa, mà còn ở khía cạnh đa dạng sinh học. Bảo tồn cây di sản là hành động thể hiện tính nhân văn. Tuy nhiên, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh - nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật  (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng, đây là việc làm không dễ. Bên cạnh sự phối hợp quản lý tốt từ các cấp chính quyền, theo ông Huỳnh, cần xây dựng cơ chế tạo nguồn kinh phí thường xuyên phục vụ công tác chăm sóc. Cùng với đó, cần có biện pháp khoa học - kỹ thuật phù hợp để bảo vệ cây di sản. GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cũng nhấn mạnh, cây di sản gắn liền với cộng đồng. Do đó, việc tăng cường thông tin, tuyên truyền để người dân nhận biết ý nghĩa, qua đó có những hành động thiết thực, chung tay cùng các nhà khoa học, đơn vị quản lý bảo tồn những quần thể này là hết sức quan trọng.
Cùng chung quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) cho rằng, tùy theo tính đặc thù của mỗi địa phương, cần phát huy vai trò hương ước để bảo tồn và phát huy giá trị cây di sản như là “bảo bối” của quê hương mình. Ông Chinh cũng cho biết: Đối với công tác bảo tồn quần thể cây di sản, quan điểm của Bộ TN&MT cũng như nhiều bộ, ngành khác đều rất đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, cần thiết phải rà soát lại chính sách có liên quan tới hạng mục này theo hướng sửa đổi, bổ sung, bảo đảm phù hợp với chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học.   
Ở một khía cạnh khác, ông Trần Thế Liên - Vụ trưởng Vụ Bảo tồn thiên nhiên (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT) cho rằng, VACNE cần kiểm soát chặt chẽ việc xét công nhận danh hiệu cây di sản, bởi theo ông: Cái gì làm thoáng quá sẽ dễ khiến người dân ít trân trọng! Ông Liên cũng thông tin, hiện, Bộ NN&PTNT đang lấy ý kiến vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Một trong những nội dung đang được đông đảo các nhà quản lý, giới chuyên gia, nhà khoa học quan tâm, đó là việc nghiên cứu, xây dựng chính sách đặc thù cho nhóm cây lâm sinh không thuộc vườn quốc gia, rừng đặc dụng - phòng hộ, khu dự trữ sinh quyển, khu bảo tồn thiên nhiên. Đây sẽ là tiền đề khuyến khích sự tham gia sâu rộng hơn của cộng đồng đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị của cây di sản.
 “Các bộ, ngành nên nghiên cứu, tiến tới thiết lập danh mục cây di sản cần bảo tồn giống như một dạng Sách đỏ, tạo tiền đề xây dựng hệ thống chính sách phù hợp để gìn giữ, phát huy giá trị của quần thể này”.
GT.TSKH  Đặng Huy Huỳnh

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần