Lời giải nào cho chợ truyền thống?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ lâu, chợ truyền thống không chỉ là nơi tiêu thụ hàng hóa mà còn mang đậm nét đẹp văn hóa của người Việt. Vì vậy, việc gìn giữ, phát huy, nâng cấp giá trị chợ truyền thống đang được nhiều cơ quan, ban ngành và các cá nhân, tổ chức quan tâm.

Sức hút chợ truyền thống

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, hiện nay cả nước có hơn 8.500 chợ truyền thống, riêng trên địa bàn Hà Nội đã có 411 chợ. Bình quân mỗi quận, huyện, thị xã có 14 chợ, mỗi chợ phục vụ khoảng gần 15.000 người. Ước tính, các mặt hàng rau quả, các sản phẩm phân phối trong trung tâm thương mại và siêu thị chỉ chiếm dưới 5% tổng số nhu cầu của người dân, trong khi các chợ truyền thống chiếm từ 45 - 50%.

Theo TS Hoàng Thọ Xuân, Viện Nghiên cứu Thương mại, chợ truyền thống mang đậm dấu ấn văn hóa Việt, hàng hóa ở chợ có ưu điểm tươi, phong phú, đặc trưng cho vùng miền và có giá rẻ. Đây là kênh phân phối các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm tươi sống và đóng vai trò quan trọng đối với người tiêu dùng nghèo.

Tuy nhiên, mô hình chợ truyền thống hiện nay có "độ vênh" khá lớn đối với mục tiêu hướng tới của các đô thị hiện đại. Điều dễ thấy nhất là mô hình chợ còn đơn điệu, nhiều chợ còn phát triển tự phát, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, văn minh thương mại... Đó là chưa kể đến hầu hết các chợ hạng 3 tại khu vực nông thôn đều xuống cấp nghiêm trọng.

Để khắc phục yếu kém này, Hà Nội và một số thành phố lớn đã chuyển đổi mô hình chợ truyền thống sang các trung tâm thương mại, kết hợp với chợ truyền thống. Nhưng khi đưa vào hoạt động, những chợ này đều không thu hút được người tiêu dùng, phải hoạt động cầm chừng hoặc bỏ không, điều đó cho thấy chợ truyền thống có sức hút nhất định đối với đại đa số người dân.

Phát triển theo hướng nào?

Muốn loại hình bán lẻ này tồn tại thì không thể giữ mô hình chợ đã quá cũ mà phải có sự đổi mới về phương thức kinh doanh, quản lý. Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, đối với các chợ trong khu vực nội thành cần nâng cấp, cải tạo những chợ có quy mô lớn hơn 10.000m2 thành chợ trung tâm hiện đại. Bên cạnh đó, cần tập trung cải tạo, di dời xây mới các chợ khu vực nông thôn thành chợ hạng III đáp ứng nhu cầu mua bán hàng ngày của người dân; Xây dựng một số chợ đầu mối bán buôn nông sản cấp vùng, thành phố. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa lại cho rằng: Các cơ quan chức năng cần xem xét kỹ lưỡng khi phá bỏ, nâng cấp chợ truyền thống, nhất là với các yếu tố về văn hóa, xã hội, kinh tế...

Để nâng cao chất lượng hoạt động của các chợ truyền thống, Bộ Công Thương và các địa phương cần có định hướng trong việc sắp xếp quy hoạch chợ về địa điểm phù hợp tránh xây dựng trùng lắp và vượt quá nhu cầu. Trong quá trình quy hoạch nên chú trọng việc kết hợp giữa mạng lưới chợ với hệ thống siêu thị để hình thành các khu thương mại tập trung.

Bên cạnh đó, dù có nhiều lợi thế nhưng chúng ta không thể duy trì lâu dài mô hình chợ truyền thống. Tuy nhiên, việc nâng cấp phải phù hợp với thực tế và Luật Doanh  nghiệp. Đó là điều kiện cần thiết để đảm bảo cho hoạt động kinh doanh cũng như tái đầu tư phát triển chợ. Thực tế, mô hình xã hội hóa quản lý chợ truyền thống đã được một số chợ thực hiện và cho hiệu quả rất tốt như: Chợ Đồng Xuân và chợ Láng Hạ của TP Hà Nội, chợ Bến Thành của TP. HCM… Do đó, Nhà nước nên khuyến khích các doanh nghiệp thương mại phát triển mạng lưới cửa hàng tiện ích, chuyên doanh tại chợ dân sinh./.