Lợi nhuận khủng, nhưng ngân hàng vẫn quên... doanh nghiệp

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ còn một tuần nữa là kết thúc năm, dù chưa công bố nhưng bức tranh lợi nhuận của ngành ngân hàng 2017 rất khả quan khi nhiều ngân hàng cán đích sớm, thậm chí vượt chỉ tiêu. Tuy vậy, lãi suất cho vay vẫn chưa giảm thêm.

Nhiều nhà băng lợi nhuận nghìn tỷ
Kết thúc 11 tháng năm 2017, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng Phương Đông OCB đạt 960 tỷ đồng, tăng 200% so với cùng kỳ năm 2016. Tại lễ công bố hoàn thành việc triển khai dự án Basel II, lãnh đạo OCB cho biết, dự kiến cả năm, OCB sẽ đạt hơn 1.000 tỷ đồng, vượt so với kế hoạch 780 tỷ đồng đề ra. Hay mới đây, ông Nguyễn Đình Thắng – Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cho biết, tính đến thời điểm 30/11/2017, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đã đạt hơn 1.700 tỷ đồng, vượt xa so với kế hoạch 1.500 tỷ đồng đề ra cho cả năm.

Khách hàng giao dịch tại chi nhánh HDBank Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Trước đó, lợi nhuận 9 tháng của một loạt ngân hàng đã vượt kế hoạch năm sớm. HDBank tăng trưởng đột biến, đạt 1.912 tỷ đồng, thậm chí dự kiến lợi nhuận hợp nhất cả năm sẽ đạt khoảng 2.400 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với kế hoạch đã được đại hội cổ đông thông qua. TPBank báo lãi sau thuế hơn 711 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. Vietcombank đạt gần 8.000 tỷ đồng trong 9 tháng, hoàn thành 81% kế hoạch năm. Theo dự báo của SSI, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank sẽ đạt 13.046 tỷ đồng trong năm 2018.

Năm 2017, nhiều thành viên đã gia tăng hoạt động ngân hàng bán lẻ, đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, cho vay khách hàng cá nhân. Hướng đi này thể hiện rõ trong dịch chuyển cơ cấu tài sản, cơ cấu thu như tại Techcombank, VPBank, VIB, SHB… Đây cũng là những thành viên dự báo có lợi nhuận đột biến năm nay.

Theo đánh giá của các tổ chức, 2017 là năm đạt lợi nhuận tốt nhất của các ngân hàng trong 5 năm gần đây. Đó là chưa kể tháng 12 thường là thời điểm sẽ mang lại thu nhập không nhỏ cho các ngân hàng, khi cầu tín dụng luôn tăng mạnh trong dịp cận Tết.

Doanh nghiệp dài cổ đợi lãi suất giảm

Lợi nhuận ngân hàng cao, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, tỷ giá ổn định, NHNN cũng đã gia hạn cho DN vay USD và có thể loại trừ nguyên nhân yếu kém thanh khoản dẫn tới việc tăng lãi suất của các ngân hàng.

Cho đến nay, lãi suất mới chỉ hạ đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, còn trên mặt bằng chung vẫn chưa giảm. Ông Trần Việt Anh - Tổng Giám đốc Công ty Nam Thái Sơn cho rằng, mức lãi suất cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng dao động từ 9 - 10%, gấp đôi mức lãi suất trên các thị trường tài chính khác. "Một DN Việt Nam muốn chấp nhận được chi phí đó thì phải có tỷ lệ lợi nhuận sau chi phí vào khoảng 20% thì mới đủ trả lãi ngân hàng, trả thuế và đảm bảo có lãi. Rất ít DN có thể đạt được tỷ lệ lợi nhuận này" - ông Trần Việt Anh chia sẻ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đánh giá, đến thời điểm này, cũng không lo áp lực trái phiếu lên lãi suất do kế hoạch huy động vốn trái phiếu Chính phủ đã gần cán đích. Nợ xấu cũng đang được xử lý tích cực. Các ngân hàng cần giảm thêm lãi suất để giảm chi phí vay cho DN.

Trong khi đó, lãnh đạo một ngân hàng TMCP cho biết, việc tăng cường huy động bằng mọi cách của các ngân hàng ngoài yếu tố mùa vụ còn để chuẩn bị cho năm 2018, tránh bị động trong cho vay khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm xuống theo quy định của NHNN. Để có được mặt bằng lãi suất hiện tại, ngành ngân hàng cũng đã có nhiều cố gắng, còn đòi hỏi giảm nữa là khó, chưa kể khi tín dụng tiêu dùng bùng nổ cũng ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất nói chung. Tuy các ngân hàng nêu khó khăn, nhưng thời điểm này lại đang lên kế hoạch thưởng hậu cho nhân viên sau một năm gặt hái được lợi nhuận khủng.
Có dư địa để giảm

Các ngân hàng đang ráo riết xử lý nợ xấu và thời gian tới thị trường mua bán nợ xấu hoạt động sôi động, ngân hàng bán được tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, một lượng lớn nợ xấu sẽ biến thành lợi nhuận cho các ngân hàng (do phần lớn các khoản nợ này đã được trích lập dự phòng đầy đủ). Bên cạnh đó, nếu Chính phủ kiềm chế được lạm phát cả năm ở mức 3 – 3,5%, cùng với triển khai xử lý nợ xấu có kết quả thì sẽ có điều kiện giảm lãi suất như mong muốn là 1%. 
Ông Trương Văn Phước

Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính.
Mới đây, Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service (Moody’s) đã nâng triển vọng tín nhiệm hệ thống ngân hàng Việt Nam từ mức "ổn định" lên "tích cực" trong 12 - 18 tháng tới. Cũng theo Moody’s, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng có thể giảm xuống mức 5,8% vào năm 2018, do tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn tốc độ hình thành nợ xấu và cũng nhờ sự phục hồi nhẹ của thị trường bất động sản.