Lời quê!

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hẳn trong chúng ta, nhiều người vẫn nhớ câu kết của Truyện Kiều của Thi Hào Nguyễn Du, rằng: “Lời quê góp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh”. Nhân nhớ về câu thơ trên, chúng tôi muốn đôi điều về lời quê, về tiếng Việt ta.

Cùng là ngôn ngữ mẹ đẻ, viết ra thì ai cũng hiểu, nhưng mỗi vùng miền lại có phương ngữ riêng, không vùng nào lẫn với vùng nào. Vì thế chỉ cần “mô tê, răng rứa”, chả cần hỏi, người ta cũng nhận ra đấy là tiếng của người quê Thanh. Khi nghe từ “phà” mà phát âm thành “phè”, đích thị là dân Nam Định. Lòng lợn mà nói thành “nòng lợn”, cũng chỉ quanh quẩn đâu đó - không Hưng Yên cũng Hải Dương…

Các cụ xưa có câu “chửi cha không bằng pha tiếng”, vậy nên trong phạm vi bài viết này, chúng tôi tuyệt đối không bài bác phương ngữ. Mà ngược lại, trong một chừng mực nào đó; “nhời quê” đã và đang làm phong phú cho tiếng Việt của chúng ta. Thật là thú vị khi có dịp về những làng quê mạn Hưng Yên - Hải Dương mà nghe “nhời” từ các cụ. Dẫu 80, 90 tuổi, nhưng mỗi khi gặp khách lạ, các cụ đều xưng hô với người đối diện nhất nhất là các bác, các ông và khiêm tốn xưng mình là vế chúng em…

Còn nhớ một lần tôi lên mạn Thượng Lâm (huyện Lục Nam, Bắc Giang), trưa hè nóng nực, rẽ vào một gia đình xin miếng nước. Tiếp chúng tôi, dẫu đã ngoài 80 nhưng cụ bà chủ nhà vẫn xưng hô (với đứa chỉ đáng tuổi cháu là tôi), một em - hai bác. Trong câu chuyện trưa hôm đó, bà lão kể về nỗi vất vả phải tha phương cầu thực từ đất Tứ Kỳ (Hải Dương) lên đây mưu sinh lập nghiệp. Vất vả chồng vất vả, khó khăn chồng khó khăn; nhưng lần đầu tiên tôi được nghe từ “nhiều” phát âm thành “nhều”; câu nói đó ấn tượng trong tôi đến tận bây giờ. Và mỗi khi có dịp gặp, trả lời câu hỏi của tôi (anh bạn đồng nghiệp cùng đi chuyến đó), vẫn đem câu học lỏm được từ bà cụ mà rằng: Còn khó khăn “nhều” bác ạ”!

Lần đầu tiên vào xứ Quảng, tôi như vịt nghe sấm bởi thứ phương ngữ của vùng quê “chưa mưa đã nắng”, khi gọi xe đạp là “xê độp”. Lâu dần tiếp xúc với một số anh em “đàng trong”, nghe mà càng thấy yêu hơn phương ngữ của xứ rượu hồng đào. Vốn yêu thích dân ca nhạc cổ, vài lần vào Hội An, được thưởng thức ca Bài Chòi, tôi càng thấy trân quý hơn tiếng của người xứ Quảng. Bởi ca Bài Chòi thì có ở nhiều tỉnh Nam Trung Bộ; nhưng nghe “phê” nhất vẫn là từ người Hội An.

Ngày nay, thời đại của internet, của điện thoại thông minh, của 4.0, trẻ em mới bập bẹ đã được tiếp xúc với ngoại ngữ. Thành ra khi tạm biệt ông bà, chẳng mấy khi thấy chúng khoanh tay từ biệt, mà từ cái miệng còn đầy hơi sữa đã “bai bai ông bà”. Cũng tốt thôi, nhưng nghe ra vẫn thấy sao sao… Lớn hơn chút nữa, trẻ sẽ tiếp xúc với thầy cô, trường lớp. Tiếng Việt được dạy trong nhà trường là chuẩn phổ thông; thành thử phương ngữ cũng dần phai nhạt với các em? Xu hướng chung thì không thể bàn được; nhưng “lời nói của ông bà” ngày một phai nhạt trong lớp trẻ thì quả tình cũng khiến chúng ta thấy buồn... Ngôn ngữ của lớp trẻ bây giờ lạ lắm, pha trộn ngoại ngữ, tiếng lóng… Vậy nên dẫu là người Việt đấy, nhưng lứa cao niên chắc gì nhiều người đã hiểu.

Đến đây tôi chợt nhớ bài “Tiếng Việt” của nhà thơ Lưu Quang Vũ, với những câu dẫu mộc mạc mà như tằm rút kén: “Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm/ Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về/ Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm/ Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre…”. Lời quê, lâu không nghe là nhớ đấy ạ!