Lời thề trong lửa đạn - chuyện tình người lính Điện Biên Phủ ở Bạc Liêu

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Hứa nhau nếu còn sống sau chiến dịch Điện Biên Phủ sẽ nên duyên chồng vợ, không ngờ lời thề sau 70 năm của chàng lính trận và nàng dân công hỏa tuyến ngày ấy trở thành một chuyện tình đẹp viên mãn của hai người lính già ở Bạc Liêu.

Hai vợ chồng là bộ đội và dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ hiện đang sông tại Bạc Liêu (Hoàng Nam)
Hai vợ chồng là bộ đội và dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ hiện đang sông tại Bạc Liêu (Hoàng Nam)

Còn sống sẽ làm đám cưới

Năm 1953, anh bộ đội Trần Quang Thiều tình cờ gặp cô gái dân công hỏa tuyến là đồng hương cùng thôn Thanh Nga, xã Nhân Long (nay là xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) tên là Trần Thị Tâm. Chàng trai 23 tuổi hứa hẹn nửa đùa nửa thật với cô gái rằng, nếu sau này còn sống trở về thì ta cưới nhau. Không ngờ 3 năm sau ngày đại thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ, lời hứa tình yêu trong trong lần gặp mặt đầu tiên duy nhất của đôi trai gái trong trận mạc đã trở thành hiện thực.

Huân chương Kháng chiến chống Pháp của cụ Trần Thị Tâm, người dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hiện đang sống tại Bạc Liêu (Hoàng Nam)
Huân chương Kháng chiến chống Pháp của cụ Trần Thị Tâm, người dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hiện đang sống tại Bạc Liêu (Hoàng Nam)

 “Sau ngày 7/5/1954, cả hai chúng tôi may mắn sống sót trở về. Đến năm 1957, UBND xã nơi quê tôi tổ chức đám cưới tập thể cho tôi với bà ấy cùng hai cặp đôi khác. Vậy là lời hứa năm xưa ở chiến trường của chúng tôi đã thành hiện thực” - vợ chồng cụ Trần Quang Thiều và Trần Thị Tâm cùng 94 tuổi, quê ở tỉnh Hà Nam (hiện ở TP Bạc Liêu) kể.

“Ngày cưới, tôi mặc quân phục, còn bà ấy mặc quần áo công nhân. Mâm lễ đơn sơ chỉ có 5 bao thuốc lá và một nón trà tươi, nhưng lời hứa với bà ấy rằng còn sống sẽ cưới cuối cùng đã thành hiện thực mới là niềm vui lớn nhất " – cụ Trần Quang Thiều hào hứng nhắc lại câu chuyện tình thời chiến.

Cụ kể, trong số hàng vạn chiến sĩ đồng bào tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhiều người còn sống trở về, không ít người nằm lại hòa vào máu thịt đất nước. Chiến trường ác liệt gian khổ hy sinh, nên những người lính đều gác tạm ước mơ tình yêu của mình, dành tất cả cho Tổ quốc. Vợ chồng cụ cũng như bao người lính khác đều chung suy nghĩ như thế, nên đám cưới ấy là một kì tích huyền diệu.

Người lính Điện Biên Phủ Trần Quang Thiều 94 tuổi hiện đang sinh sống tại Bạc Liêu (Hoàng Nam)
Người lính Điện Biên Phủ Trần Quang Thiều 94 tuổi hiện đang sinh sống tại Bạc Liêu (Hoàng Nam)

 Đám cưới đơn sơ ấy đã khởi đầu cho một gia đình hạnh phúc, 8 đứa con đã lần lượt ra đời. Năm 1976, cụ Trần Quang Thiều đăng ký với chi bộ xung phong vào tỉnh Minh Hải (nay là Bạc Liêu và Cà Mau) công tác và sinh sống tại địa phương đến tận ngày nay.

Tất cả cho tuyền tuyến

Nhắc lại câu chuyện tình thời khói lửa, cụ Trần Thị Tâm cười: "Lúc đó, tôi chỉ thích đi thanh niên xung phong thôi nên không đồng ý hứa hẹn gì với ông ấy cả. Tất cả đều ra trận, ai đâu để ý chuyện tình nam nữ."  Cụ Trần Thị Tâm kể, lúc đó là lực lượng dân công hỏa tuyến, với nhiệm vụ tải đạn và gạo từ hậu phương lên chiến trường Điện Biên Phủ, phục vụ cho chiến dịch.

Các anh bộ đội ngày đêm trực diện sống chết với giặc, nên hiểm nguy luôn rình rập. Gian khổ của chúng tôi so với các anh có là gì. Nhưng dân công hỏa tuyến cũng rất nhiều người hy sinh vì máy bay địch, hay gặp biệt kích lùng sục.

"Mỗi chuyến đi hàng tháng trời. Mấy lần tôi thoát chết trước quân địch. Có một lần đang tải hàng trên đường 21 thì gặp quân Pháp, tôi liền nhảy xuống ao trốn, dìm cả đạn và gạo xuống nước. Lúc đó có con đỉa to cắn vào tay mà chẳng dám kêu la. Đợi quân Pháp đi mới dám ngoi lên, chứ nếu tôi động đậy chúng phát hiện chắc là khó sống" - cụ Trần Thị Tâm nhớ lại.

Huân chương kháng chiến chống Mỹ của cụ Trần Quang Thiều (Hoàng Nam)
Huân chương kháng chiến chống Mỹ của cụ Trần Quang Thiều (Hoàng Nam)

Còn cụ Trần Quang Thiều thì kể, năm 23 tuổi khi đang là du kích địa phương, người bố bị giặc Pháp bắn chết. Nợ nước thù nhà thôi thúc chàng trai trẻ xung phong vào bộ đội thuộc một đơn vị bộ binh của Quân khu 3, tham gia trực tiếp chiến dịch Điện Biên Phủ từ ngay năm 1953. Hỏa lực áp đảo của giặc đã cướp đi sinh mạng và thanh xuân của hàng ngàn chiến sỹ bộ đội.

Để hạn chế thương vong, đơn vị cụ Thiều thực hiện mệnh lệnh của cấp trên làm nhiệm vụ đào hào. Đào hào tránh thương vong, đào hào để vây lấn địch, đào hào để sẵn sàng giáp lá cà. Cứ vậy, qua hơn 100 ngày đêm “đào hầm mưa dầm cơm vắt”, với vũ khí là chiến lợi phẩm thời thế chiến 2 lạc hậu, những mũi chiến hào của đơn vị cụ Thiều đã cùng bộ đội toàn mặt trận đã siết chặt vòng vây. Đã đưa chiến dịch đến ngày thắng lợi cuối cùng, thực hiện đúng mệnh lệnh của người Chính trị viên đại đội mỗi khi xung phong: “Đánh để cho giặc xâm lược cút khỏi Việt Nam.”

Hàng ngày, người dân ở phường 7 TP Bạc Liêu vẫn thấy hai cụ già đã 94 tuổi, sống đầm ấm, luôn dạy các con cháu về giá trị quý giá của hòa bình phải đánh đổi bằng máu xương bao thế hệ. “Sáng nay xem duyệt binh ở Điện Biên Phủ qua ti vi mà lòng rạo rực bồi hồi. Tuổi đã cao, sức đã yếu nên khó có thể thực hiện ước mơ được một lần quay trở lại chiến trường xưa đổi thay sau 70 năm, để được xem lại hoa ban trắng rừng Tây Bắc. Nơi mà ngày ấy chúng tôi đã có lời thề son sắc dưới mưa bom bão đạn. Một lời thề lạ lùng mà nên thơ”- vợ chồng cụ Thiều Tâm nói đầy luyến tiếc.