Lòng tự trọng ngày càng mai một

Phương Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhìn thẳng vào sự thật, bên cạnh những tấm lòng hướng thiện, luôn răn mình theo lời dạy của cha ông, thì một bộ phận người Việt hiện nay, trong mặt trái của công cuộc “mở cửa” đã xuất hiện rất nhiều người thiếu lòng tự trọng, thậm chí là không có lòng tự trọng.

Không đói ăn, chỉ đói lòng tự trọng
Những gói bim bim, dây sữa ống hút, gói kẹo đã từng trở thành tội đồ của lòng tự trọng. Bởi vì, tại Trung tâm nuôi dưỡng người già và tàn tật (xã Thụy An, huyện Ba Vì) đã từng xảy ra sự việc tuồn hàng từ thiện do các cá nhân, tổ chức trao tặng ra ngoài; trong những người tham gia, có cả nhân viên của trung tâm này.
Món đồ mà các nhân viên của Trung tâm tuồn ra là 6 dây sữa ống hút, 4 bịch bim bim, 12 cái bánh trung thu và 2 hộp kẹo. Số quà tuồn ra chia cho 2 người nhận. Số quà sẽ chẳng là lớn và quá khó để mua đối với một gia đình viên chức hiện nay.
 Cần khơi dậy lòng tự trọng, biết xấu hổ. Ảnh minh họa
“Thế nhưng, khi món quà của những người tốt dành cho người khó khăn lại bị cán bộ trung tâm lợi dụng làm lợi cho bản thân, thì dù chỉ là gói bim bim hay số tiền triệu đều đáng để lên án. Hành vi đó khiến người đọc chảy nước mắt thương người già, người khó khăn đang sinh hoạt tại Trung tâm, khiến những người có tâm từ thiện cũng sẽ thêm băn khoăn và hoài nghi khi lòng tốt có đến được đúng người nhận” - TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội phân tích.
Trong thời buổi kinh tế thị trường, người ta còn kể ra vô số câu chuyện thiếu lòng tự trọng. Đó là những vị PGS.TS đạo thơ, đạo tiểu luận, đạo nghiên cứu của sinh viên, của đồng nghiệp để lấy danh. Đó là những vị quan huyện, quan xã, quan tỉnh uốn chính sách dành ưu tiên cho người nhà.
Trong thời dịch, trong khi hàng trăm, hàng nghìn tấm lòng muốn dang tay giúp đỡ người nghèo, nhưng lòng tốt lại bị một bộ phận người xấu lợi dụng. Đơn cử là hành động vơ vét cả bàn suất ăn cho riêng mình (trong khi quy định mềm mỗi người mỗi ngày lấy 1 suất) ở các điểm phát quà từ thiện, hoặc một người nghèo chạy sô đến ba điểm ATM gạo một ngày để nhận cả yến gạo/ngày.
Xưa nay, ông bà, cha mẹ thường khuyên dạy con cháu phải có lòng tự trọng bằng những câu nói: “Giấy rách phải giữ lấy lề”, “Đói cho sạch, rách cho thơm”, “Miếng ăn quá khẩu thành tàn”... Thế nhưng, bức tranh về lòng tự trọng trong thời buổi kinh tế thị trường thì lời dạy này trở thành “như nước chảy lá khoai”.
TS Nguyễn Đình Tường - Viện Triết học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam phân tích: “Như chúng ta đã biết, nền kinh tế thị trường đã và đang làm chao đảo nhiều giá trị tinh thần nói chung, giá trị đạo đức vốn được coi là truyền thống đạo đức của mỗi quốc gia nói riêng. Hiện tượng suy đồi đạo đức đang trở thành mối quan tâm của nhiều nước trên thế giới.
Ở Việt Nam, từ khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, việc giữ gìn và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống cũng như việc xây dựng hệ giá trị đạo đức mới đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải được giải quyết. Không phải ngẫu nhiên mà một số người cho rằng, nền đạo đức ở nước ta hiện nay đang có nguy cơ “trượt dốc”.
Thực tế cho thấy rằng, trong đời sống xã hội đã có những biểu hiện coi nhẹ những giá trị truyền thống, chạy theo thị hiếu không lành mạnh. Đáng chú ý là, tệ coi thường những giá trị văn hóa dân tộc, chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ… đang gây hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc”.
Giáo dục lòng tự trọng như thế nào?
Nhiều người nhầm lẫn giữa lòng tự trọng và tính tự ái. Theo thạc sĩ tâm lý Phan Thị Mai Quyên: Lòng tự trọng khác với tính tự ái. Nhiều người, nhất là những người trẻ tuổi thường hay nhầm lẫn hai khái niệm này. Lòng tự trọng có cơ sở từ tư tưởng nhân nghĩa, coi trọng phẩm cách và giá trị con người của mình nhưng mục đích là vì người khác, tôn trọng người khác, nhằm làm đẹp cho xã hội, làm tốt cho cộng đồng. Nói cách khác, lòng tự trọng có bản chất văn hóa và tinh thần nhân văn.
Trái lại, tính tự ái là chỉ biết yêu chính bản thân mình, coi mình là trên hết, chỉ cốt được lợi cho riêng mình, bất chấp danh dự và quyền lợi chính đáng của người khác. Vì thế, lòng tự trọng thường được biểu hiện bằng những lời nói, cử chỉ, hành vi lịch thiệp, nhã nhặn, từ tốn, biết tự kiềm chế. Còn tính tự ái là "mảnh đất" tốt sinh ra những thói xấu, hẹp hòi, ích kỷ.
Theo thạc sĩ Phan Thị Mai Quyên, đối với trẻ con lòng tự trọng chưa phải là cái gì cao xa mà chỉ là những hành vi đơn giản và gần gũi nhất như nghe lời dạy của cha mẹ ông bà, không nghịch phá làm phiền đến người khác, không có thái độ chống đối bất cần. Lớn hơn một chút lòng tự trọng của trẻ thể hiện rõ hơn trong lời ăn tiếng nói, biết cách chào hỏi xưng hô lễ phép, biết tôn trọng mình và biết tôn trọng những người xung quanh.
Nếu trẻ có đủ tự trọng thì các cháu tự ý thức được những việc làm của mình biết điều hay lẽ phải. Ưu Việt hơn, lòng tự trọng vững bền còn giúp trẻ chiến thắng được những thói hư tật xấu đôi khi do trỗi dậy từ bản năng như nói dối, ăn cắp, tham lam, đua đòi...
Tuy nhiên, giáo dục về lòng tự trọng không chỉ dành riêng cho trẻ em mà còn phải cho người lớn. Bởi vì, hậu quả của những việc làm sai trái của người lớn thường gây hại không chỉ cho những đứa trẻ trong gia đình mà còn gây hại cho nhiều người trong xã hội.
TS Nguyễn Đình Tường chỉ ra rằng: Thực trạng và những vấn đề đặt ra trên đây phần nào đã cảnh báo cho chúng ta biết được vấn đề đạo đức trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay đang diễn ra hết sức phức tạp. Các bậc thang giá trị có phần bị đảo lộn.
Cuộc đấu tranh giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu; giữa lối sống lành mạnh, trung thực, có lý tưởng, có tinh thần bảo vệ và xây dựng đất nước… với lối sống sa đọa, ích kỷ, thực dụng, bạo lực; giữa cái thiện và cái ác vẫn đang không ngừng diễn ra với tốc độ ngày càng gia tăng; song bên cạnh những điều tốt, những cái hay được du nhập vào đời sống xã hội Việt Nam thì đồng thời, những cái tiêu cực, cái xấu, cái đáng lên án cũng đang xâm nhập vào mọi lĩnh vực, mọi tầng lớp Nhân dân.
Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cũng như của Việt Nam đã chỉ ra rằng, chúng ta không thể chấp nhận một sự tăng trưởng đơn thuần về kinh tế, với cái giá phải trả là sự mai một bản sắc văn hóa dân tộc, sự hủy hoại các giá trị đạo đức truyền thống mà cần phải luôn luôn nhấn mạnh và nhân lên những tấm gương điển hình về lòng tự trọng, để sự phát triển của Việt Nam mang tính bền vững.

Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cũng như của Việt Nam đã chỉ ra rằng, chúng ta không thể chấp nhận một sự tăng trưởng đơn thuần về kinh tế, với cái giá phải trả là sự mai một bản sắc văn hóa dân tộc, sự hủy hoại các giá trị đạo đức truyền thống mà cần phải luôn luôn nhấn mạnh và nhân lên những tấm gương điển hình về lòng tự trọng, để sự phát triển của Việt Nam mang tính bền vững.


Mỗi người phải biết tự giáo dục, điều chỉnh mình

"Người có lòng tự trọng bởi tiếp thu được sự giáo dục đúng đắn, chu đáo, tốt đẹp trước hết từ ngay trong gia đình mình. Cùng đó là nhà trường và xã hội. Ba môi trường giáo dục này có trong sáng, lành mạnh và có phương pháp tốt thì mỗi người mới có lòng tự trọng, mới có những phẩm cách tốt đẹp. Tuy nhiên, bản thân mỗi người cũng phải biết tự giáo dục, tự điều chỉnh hành vi của mình theo truyền thống đạo lý dân tộc và lối sống có văn hóa, mới có thể trở thành con người lương thiện, tử tế”. - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Mầm non, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, PGS TS Nguyễn Thị Mỹ Trinh

Tinh thần không sống dựa dẫm

"Ở Nhật khi một đứa trẻ 2 - 3 tuổi lẫm chẫm đi theo mẹ, chẳng may bị trượt ngã, không bao giờ người mẹ cuống quýt, vội vã đỡ con dậy. Thay vào đó, bà mẹ quay lại nói với đứa trẻ: Con hãy cố tự mình mà đứng dậy. Không sống dựa dẫm, cố mà đứng dậy ngay chỗ mình vấp ngã là tinh thần và ý thức mà người Nhật được dạy dỗ ngay từ khi còn nhỏ”. - Nguyên Trợ lý Tổng Giám đốc Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, TS Lê Thống Nhất (Hạnh Nguyên ghi)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần