Lũ đang khẩn cấp, bão lại dồn dập

Linh Đan (Tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tin từ Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 19 giờ ngày 15/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 123,0 độ Kinh Đông, cách đảo Lu Dông (Philippin) khoảng 190km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-165km/giờ), giật cấp 17.rn

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20-25km. Như vậy sáng mai (16/10), vùng tâm bão sẽ đi vào vùng biển phía đông khu vực Bắc Biển Đông. Đến 19 giờ ngày 16/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 117,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 550km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (120-135km/giờ), giật cấp 14-15.

 Hình ảnh vị trí và đường đi của cơn bão. Nguồn: Trung tâm khí tượng Thủy văn Trung ương

Vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 8 trở lên): phía Bắc Vĩ tuyến 150N và phía Đông Kinh tuyến 1150E. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 19 giờ ngày 17/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc; 112,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 17.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8-12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13-14, giật cấp 17. Biển động dữ dội. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km.

Đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh và có diễn biến phức tạp.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ tại Thừa Thiên-Huế

Chiều ngày 15/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác đã vào Thừa Thiên-Huế để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả áp thấp nhiệt đới và mưa lũ xảy ra tại các tỉnh miền Trung.

Tham gia đoàn công tác của Phó Thủ tướng có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.

Ngay khi xuống sân bay Phú Bài, Thừa Thiên-Huế, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác đã nghe lãnh đạo tỉnh báo cáo nhanh tình hình mưa lũ, thiệt hại và những biện pháp khắc phục hậu quả đang được triển khai.

Theo đó, từ 23h ngày 13/10 đến 3h ngày 14/10, áp thấp nhiệt đới trực tiếp ảnh hưởng đến Thừa Thiên-Huế, gây gió mạnh kèm mưa to đến rất to và dông, phổ biến ở mức 200-300 mm, có nơi đến 360 mm (trạm Bạch Mã).

 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế báo cáo nhanh tình hình mưa lũ, thiệt hại và những biện pháp khắc phục hậu quả. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Hậu quả, trên địa bàn tỉnh có 2 người chết và 2 người bị thương đang được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế. Toàn tỉnh có 06 ngôi nhà bị sập, 334 nhà bị tốc mái từ 20-75%, tập trung ở các huyện Phú Vang, Phong Điền và thị xã Hương Trà. Về cây trồng, có 150 ha sắn, 98 ha rau màu ở các huyện Phú Vang, Phong Điền và thị xã Hương Trà bị ngập; 130 ha nuôi thủy sản hạ triều bị vỡ, nước tràn vào; 400 cây xanh lâu năm khu vực đô thị bị gãy đổ. Nhiều tuyến đường đô thị, các tỉnh lộ 4, 17, quốc lộ 49B bị ngập nặng hoặc bị sạt lở; một số công trình hạ tầng viễn thông, điện lực bị ảnh hưởng… Nhiều đoạn bờ sông, bờ biển bị sạt lở nặng, uy hiếp đến sự an toàn của một số hộ dân sống ven sông. Ước tính thiệt hại về vật chất trên toàn tỉnh là 12,5 tỷ đồng.

Để ứng phó với mưa lũ, các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động thông tin tuyên truyền về tình hình mưa lũ để nhân dân biết, chủ động phòng tránh; kêu gọi tàu thuyền hoạt động đánh bắt trên biển về nơi trú ẩn an toàn; bố trí lực lượng hướng dẫn người và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, các đoạn đường thường bị ngập lụt để bảo đảm an toàn; triển khai phương án cho học sinh trên địa bàn nghỉ học, phương án sẵn sàng di dân tại các khu vực ngập lụt.

Về công tác khắc phục hậu quả bão lũ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã và thành phố Huế tập trung huy động lực lượng công an, bộ đội và dân quân địa phương giúp nhân dân khắc phục nhà cửa bị sập, tốc mái, sớm ổn định đời sống; vận động nhân dân giúp đỡ nhau lúc khó khăn; hướng dẫn người dân thu hoạch những diện tích rau màu bị ngập úng; chỉ đạo các lực lượng chức năng nhanh chóng khắc phục thiệt hại do áp thấp nhiệt đới và mưa lớn gây ra để sớm phục hồi và ổn định các hoạt động giao thông, điện lực, giáo dục, y tế, vệ sinh môi trường…

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao sự chủ động, quyết liệt của Thừa Thiên-Huế trong ứng phó với mưa lũ những ngày qua, từ đó hạn chế thiệt hại về người và tài sản.

Trong những ngày tới, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, đặc biệt là diễn biến của cơn bão số 7 để triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ theo cấp báo động, bảo đảm an toàn cho người dân, chủ động triển khai phương án khắc phục hậu quả mưa lũ.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu kiên quyết sơ tán các hộ dân sinh sống tại các vùng nguy hiểm có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Bên cạnh đó, cần khẩn trương huy động mọi phương tiện, lực lượng, bằng mọi biện pháp tiếp cận những khu dân cư bị ngập sâu, chia cắt; tổ chức cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho nhân dân, nhất là những người dân chưa kịp sơ tán tại các khu vực bị ngập sâu, không để người dân bị đói, khát; tập trung nỗ lực cao nhất tìm kiếm những người còn đang mất tích; tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, hỗ trợ cứu chữa người bị thương, mai táng chu đáo cho người bị thiệt mạng; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải bảo đảm tốt công tác vệ sinh môi trường, không để xảy ra dịch bệnh khi nước rút. Bên cạnh đó, Huế cần có các giải pháp để bảo vệ các công trình, di tích, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho khách du lịch.

* Tối cùng ngày, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác đã ra Quảng Bình tiếp tục chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại đây.

Hà Tĩnh: 24.158 hộ dân ngập lũ

Văn phòng BCH PCTT&TKCN Hà Tĩnh vừa cho biết, tính đến 15h chiều nay (15/10), mưa lớn đã gây ngập lụt 93 xã trên địa bàn 9 huyện, thành phố với tổng số dân bị ngập là 24.158 hộ.

Trong đó, nhiều nhất là huyện Hương Khê với 16 xã, 10.357 hộ; Vũ Quang 1 xã, 10 hộ, Kỳ Anh 3 xã, 257 hộ, Cẩm Xuyên 20 xã, 7.287 hộ; Thạch Hà 24 xã, 3.264 hộ; TP Hà Tĩnh 9 phường/xã, 874 hộ; TX Kỳ Anh 4 phường/xã, 587 hộ; Can Lộc 14 xã, 1.500 hộ; Hương Sơn 1 xã, 22 hộ.

Mưa lũ cũng gây ách tắc một số tuyến giao thông như: QL 15B, QL 15, các tuyến đường tỉnh ĐT 553, ĐT 554.

Về thiệt hại bước đầu, toàn tỉnh có 2 người chết: anh Trần Văn Trung, SN 1985, ở thôn 6, xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, bị đuối nước do sẩy chân trong lúc sang giúp hàng xóm di dời tài sản), chị Nguyễn Thị Loa (SN 1982, ở khối phố 1, phường Đại Nài, bị đuối nước do lật thuyền); 1 người mất tích: anh Thân Văn Thuần (SN 1986, thôn Chi Lễ, xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc, bị nước cuốn trôi sau khi sẩy chân tại kênh Lim Cảm); 80km hàng rào y tế bị sập đổ.

Trong nông nghiệp, mưa lũ khiến 723 ha lúa mùa bị ngập; hoa màu bị ngập hỏng 1.416 ha; 400 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng; 300 gốc đào bị úng hỏng; hơn 12 tấn lương thực bị ướt hỏng; 99.032 con gia cầm bị chết - cuốn trôi; 869 con trâu bò, 399 con lợn bị chết - cuốn trôi; 337 ha hồ nuôi thủy sản bị ngập; 16 cây vó trục bị trôi...

Thiệt hại về giao thông - thủy lợi, có 3.170m3 đất đá bị sạt lở; 16 cầu cống bị xới lở, hư hỏng; 195 tấn vật tư công trình bị hư hỏng, cuốn trôi.

Về tình hình xả lũ, tại thời điểm 14h chiều nay, Nhà máy Thủy điện Hố Hô xả lũ với lưu lượng 286m3/s, hồ Bộc Nguyên đã đóng tràn, hồ thượng Sông Trí xả lũ với lưu lượng 100m3/s, hồ Tàu Voi xả lũ với lưu lượng 10m3/s, hồ Kim Sơn xả lũ với lưu lượng 30m3/s.

Chiều 15/10, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Nguyễn Văn Huyên và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn đã đi kiểm tra phương án ứng phó, trao quà cứu trợ cho người dân và chỉ đạo khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra tại Hương Khê, Vũ Quang, Thạch Hà.

Bí thư Tỉnh ủy đã đi kiểm tra tình hình lũ lụt tại xã Phương Mỹ; thăm hỏi, trao mì tôm, nước uống cho người dân vùng bị ngập.

 

Hiện Phương Mỹ có 3.024 nhân khẩu/689 hộ đã bị ngập nước. Mọi đường làng, ngõ xóm nước ngập băng trên 3m. Ông Hoàng Xuân Tần - Chủ tịch UBND xã Phương Mỹ cho biết: Chính quyền địa phương, nhân dân đang tập trung di dời người, tài sản đến nơi an toàn. Nếu vẫn còn tiếp tục mưa thì Phương Mỹ rất nguy.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn cũng đã đến kiểm tra công tác phòng chống lụt bão tại huyện Vũ Quang. Hiện nay, do lũ từ thượng nguồn đổ về nên nước sông Ngàn Sâu dâng cao, mực nước đo được tại trạm Hòa Duyệt là 10,6m, khả năng trong đêm có thể tăng lên trên 11m.

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng huyện Vũ Quang bám sát tình hình, nêu cao tính chủ động, kịp thời sơ tán người dân khi cần thiết, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.

* Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cũng đã đi kiểm tra công tác phòng chống lũ lụt tại các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà.

Đến 15h chiều nay (15/10), Cẩm Xuyên có 20/27 xã bị ngập với 7.287 hộ bị ngập, trong đó có 6 xã bị ngập sâu và bị cô lập hoàn toàn gồm: Cẩm Thạch, Cẩm Mỹ, Cẩm Duệ, Cẩm Quan, Cẩm Lĩnh và Cẩm Vịnh.

Toàn huyện Thạch Hà có 24 xã bị ngập lụt với 3.264 hộ bị ngập, trong đó có 10 xã bị ngập sâu gồm: Thạch Điền, Thạch Hương, Thạch Xuân, Thạch Ngọc, Thạch Lâm, Nam Hương, Thạch Lưu, Thạch Vĩnh, Thạch Tân và Thạch Đài.

Trước tình hình diễn biến của mưa lũ vẫn còn hết sức phúc tạp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn yêu cầu các địa phương tập trung nắm bắt tình hình mưa lũ, chuẩn bị kỹ phương án “4 tại chỗ” để đối phó, đặc biệt là trong những ngày tới khi hồ Kẻ Gỗ xã lũ theo kế hoạch và cơ bão chuẩn bị vào biển Đông.

Gần 20 km đường sắt Bắc - Nam bị sạt lở

Do ảnh hưởng mưa lũ, gần 20 km đường sắt Bắc - Nam chạy qua địa phận huyện Hương Khê bị lũ cuốn sói mòn phần kè chắn sạt lở, móng, mố và nền đường.

 
Để khắc phục hậu quả sớm thông tuyến, Công ty Đường sắt Nghệ Tĩnh đã huy động trên 500 cán bộ, công nhân đường sắt và các phương tiện tàu, ô tô vận chuyển vật liệu tập trung khắc phục hậu quả để sớm thông tuyến trong thời gian sớm nhất.
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Bình tích cực triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn trong trận lũ lịch sử
 Trước những diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh đã huy động 23 xe quân sự 18 xuồng cao tốc cùng hàng trăm cán bộ, chiến sỹ tích cực tham gia công tác cứu hộ cứu nạn, ứng cứu nhân dân các địa phương, nhất là nhân dân các vùng bị lũ cô lập, chia cắt.

Đại tá Đỗ Trung Tuyên, Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS Quảng Bình cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Bộ CHQS tỉnh, ngay trong ngày 14-10 công tác cứu hộ cứu nạn đã được các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang (LLVT) Quảng Bình triển khai hết sức tích cực, khẩn trương.

Chỉ tính riêng trong đêm 14/10, các lực lượng tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn đã triển khai các phương án tiếp cận, ứng cứu và di dời trên 100 người dân ở các xã Phúc Trạch, Đồng Trạch (huyện Bố Trạch); xã Nghĩa Ninh, phường Đồng Sơn (TP. Đồng Hới) và tài sản của nhân dân đến vị trí an toàn.

Trong ngày 15/10, tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra hết sức phức tạp nhất là ở các huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn. Ngay từ sáng sớm, Bộ CHQS tỉnh đã điều động trên 300 cán bộ, chiến sỹ, gần 700 chiến sỹ dân quân ở các địa phương tăng cường chi viện cho các vùng bị nước lũ cô lập.

Tính đến 14 giờ ngày 15/10, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã di dời trên 2.500 hộ dân, cứu vớt trên 420 người dân bị lũ bao vây cùng nhiều tài sản, vật dụng sinh hoạt đến vị trí an toàn. Đặc biệt, nước lũ ở thượng nguồn sông Gianh lên cao đã làm ngập lụt tuyến đường sắt chạy qua huyện Tuyên Hóa và thị xã Ba Đồn khiến tàu SE19 bị mắc kẹt tại Ga Lệ Sơn, huyện Tuyên Hóa.

 Khách quốc tế trên tàu SE 19 được 30 quân nhân giải cứu. Ảnh: Hoàng Táo/Vnexpress.net

Ngay trong sáng 15/10, đích thân các đồng chí thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 4, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh đã trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo cán bộ, chiến sỹ vượt sông Gianh để tiếp cận và ứng cứu, cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống và đưa hơn 130 hành khách trong đó có 96 hành khách nước ngoài bị mắc kẹt đến vị trí an toàn.

Ông Võ Văn Xô, trưởng tàu khách SE19 cho biết, “sau hơn nửa ngày bị nước lũ bao vây, các hành khách và nhân viên tàu đã rất mệt và cảm thấy lo lắng. Tuy nhiên chính sự có mặt kịp thời của của các chiến sỹ quân đội trong thời điểm khó khăn đã làm cho chúng tôi hết sức cảm kích”.
 Huyện Quảng Trạch đã vận chuyển hơn 1.000 thùng mì tôm cứu trợ cho bà con vùng lũ.

Đến cuối chiều 15/10, công tác cứu hộ cứu nạn, di dời người và tài sản vẫn đang được các lực lượng cứu hộ cứu nạn LLVT Quảng Bình triển khai hết sức tích cực, khẩn trương. Với tinh thần trách nhiệm, cán bộ, chiến sỹ LLVT Quảng Bình đã và đang làm hết sức mình để góp phần giảm thiểu thiệt hại cho nhân dân vùng lũ.

Trên tinh thần "quyết không để dân chịu đói", ngay trong chiều 15/10, huyện Quảng Trạch đã huy động tất cả các loại phương tiện vận chuyển hơn 1.000 thùng mì tôm để hỗ trợ cho bà con những vùng bị lũ ngập sâu...

Nghệ An dự kiến xả lũ hồ chứa lớn nhất tỉnh

Đơn vị vận hành hồ chứa Vực Mấu dự kiến xả lũ vào ngày mai, trong khi mưa lớn do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đang gây ngập lụt trung tâm thành phố Vinh.

Ông Ngô Quốc Thăng (Giám đốc xí nghiệp thủy lợi Hoàng Mai) cho biết, 21h ngày 15/10 cao trình của hồ chứa nước Vực Mấu là 20,66/21 m. Với lượng nước đổ vào hồ vào thời điểm này là 250m3/s, dự kiến 7h sáng mai đơn vị vận hành sẽ mở 1 đến 3 cửa xả lũ. Thời gian kết thúc xả tràn đến khi hết lũ do đợt mưa gây ra.
 Cửa xả lũ hồ chứa nước Vực Mấu. Ảnh: Hải Bình.

"Quá trình xả tràn, tùy vào diễn biến thời tiết, các cửa tràn được mở theo đúng quy trình đã được phê duyệt và thông báo bằng còi tầm để người dân biết. Với việc chỉ mở 1-3 cửa xả với khối lượng 150m3/s, không có thủy triều, việc ngập lụt cho vùng hạ lưu chắc chắn sẽ không xảy ra", ông Thăng khẳng định với VnExpress.

Ông Nguyễn Hữu Tuy (Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai) cho hay địa phương đã nhận được thông báo về việc xả lũ hồ chứa Vực Mấu. "Chính quyền thị xã đã gửi thông báo báo bằng văn bản và trực tiếp bằng điện thoại tới người đứng đầu các xã, phường. Chính quyền xã sẽ có trách nhiệm thông báo trực tiếp tới từng thôn xóm và người dân", ông Tuy nói.

Chủ tịch thị xã cũng khẳng định với việc mở tối đa 3 cửa tràn thì khả năng ngập lụt cho nhà cửa vùng hạ lưu và quốc lộ 1A như đợt xả lũ năm 2013 là không xảy ra.

Trước đó vào rạng sáng ngày 1/10/2013 đơn vị vận hành hồ chứa nước Vực Mấu bất ngờ xả cùng lúc mở 5 cửa tràn. Hậu quả đã gây ra trận lũ lịch sử, nhấn chìm 20.000 ngôi nhà tại thị xã Hoàng Mai, ước tính thiệt hại 800 tỷ đồng. Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An lúc đó là ông Nguyễn Văn Đệ đã thừa nhận với VnExpress rằng đó là phương án bất khả kháng và không lường trước được hậu quả.

Áp thấp nhiệt đới kết hợp không khí lạnh từ đêm 13/10 gây mưa lớn các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế trở ra Nghệ An. Trong đó, Quảng Bình là tỉnh thiệt hại nặng hơn cả với 6 người chết, 6 người mất tích, nhiều đoạn đường ngập sâu 3 m. Giao thông Bắc Nam đường sắt, đường bộ qua Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh bị tê liệt, dòng xe nằm chờ ùn tắc cả ngày.

Nghệ An có 2 người chết, nhiều tuyến đường ở trung tâm tỉnh bị ngập sâu, hàng nghìn ngôi nhà bị nước tràn vào, nhiều diện tích nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng...