Lũ thượng nguồn sông Hồng lên nhanh, Hà Nội có đáng lo ngại?

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi Trung Quốc xả lũ hồ chứa thủy điện Mã Đổ Sơn (tỉnh Vân Nam), mực nước sông Hồng tại TP Lào Cai (tỉnh Lào Cai) đã lên trên báo động 1. Dù mực nước sông Hồng tại trạm thủy văn Hà Nội vẫn còn cách báo động 1 khá nhiều, tuy nhiên, TP đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương ven sông chủ động biện pháp phòng, chống nguy cơ ngập lụt.

Nước sông Hồng từ thượng nguồn vẫn đang đổ về khu vực cầu Long Biên.
Nước sông Hồng sẽ xuống dần
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, cho đến trưa nay (21/8), dòng chảy từ thượng lưu sông Hồng tiếp tục đổ về với lưu lượng lớn. Tại khu vực cầu Long Biên (TP Hà Nội), dòng nước chảy khá xiết. Mực nước sông Hồng dâng cao khiến một phần bờ bãi ven sông bị nước xâm lấn; nhiều diện tích bãi nổi giữa sông bị ngập.
Khu vực bãi giữa và ven sông Hồng đoạn qua địa phận các quận: Long Biên, Tây Hồ... luôn được xem là rất nhạy cảm với sự lên xuống của con nước. Tại khu vực này trong các năm 2018 và 2008, đã ghi nhận mực nước sông Hồng lên cao vượt mức báo động khiến toàn bộ vùng bãi bị ngập sâu nước.  
Khu vực ven bãi sông Hồng thuộc địa phận quận Long Biên bị nước xâm lấn vào trưa nay (21/8). Nhiều năm trước, đây là khu vực được xem là nhạy cảm nhất với lũ sông Hồng. Hễ nước sông lên cao là khu vực này bị ngập đầu tiên.
Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ Nguyễn Văn Bảy cho biết, mực nước hạ lưu sông Hồng sẽ tiếp tục lên trong khoảng 12 giờ tới. Tuy nhiên, từ tối, đêm nay đến sáng ngày mai, dự kiến mực nước sông Hồng sẽ xuống dần.
Mặc dù vậy, do ảnh hưởng của vùng áp thấp suy yếu từ cơn bão số 4 nên từ ngày hôm nay đến ngày 22/8, ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ (bao gồm cả Hà Nội) tiếp tục có mưa vừa mưa to (lượng mưa phổ biến 50 - 100mm/đợt, có nơi trên 150mm/đợt). Do đó, tùy vào diễn biến mưa trên địa bàn Hà Nội mà mực nước sông Hồng sẽ còn biến đổi.
Chưa đáng lo ngại cho Hà Nội
Theo Quyết định số 05/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ trên sông thuộc phạm vi cả nước, mức báo động lũ cấp 1 trên sông Hồng tại trạm thủy văn Hà Nội (đoạn cầu Long Biên) là 9,5m. 
Số liệu quan trắc cho thấy, sáng nay (21/8), mực nước sông Hồng tại trạm thủy văn Hà Nội đạt cao nhất là 5,98m, tức vẫn còn dưới mức báo động 1 là 3,52m. Theo nhận định của cơ quan khí tượng thủy văn, mực nước sông Hồng vào 7 giờ sáng mai (22/8) sẽ xuống chỉ còn 5,1m (dưới báo động 1 là 4,4m). Với mực nước sông Hồng còn cách xa mức báo động lũ cấp 1, nguy cơ ngập lụt đối với Hà Nội được cho là chưa đáng lo ngại.
Dù lũ thượng nguồn lên trên báo động, tuy nhiên mực nước sông Hồng tại Hà Nội vẫn dưới mức báo động 1 khá nhiều. Ảnh: Nước sông Hồng vẫn thấp, mố chân cầu Long Biên vẫn có thể nhìn thấy rõ vào trưa nay (21/8).
Dù diễn biến mực nước sông Hồng chưa thực sự đáng lo ngại cho vùng Thủ đô, tuy nhiên, để chủ động ứng phó với diễn biến lũ trên các sông khác (bao gồm cả các sông chính như: Đuống, Đáy; và các sông nội tỉnh như: Tích, Bùi, Nhuệ…), Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội đã có công điện gửi các địa phương ven sông, các sở ngành liên quan đề nghị theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, mực nước trên các sông để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên đến các cấp chính quyền và người dân biết, chủ động các biện pháp phòng tránh.
Đối với nhiệm vụ trọng tâm trong những giờ tới, Phó Trưởng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội Chu Phú Mỹ đề nghị các địa phương bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ, nghiêm túc thực hiện việc tuần tra, canh gác, bảo vệ các trọng điểm đê điều. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện hộ đê để tổ chức ứng cứu ngay từ giờ đầu khi có sự cố xảy ra.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường kiểm tra hệ thống hồ đập, đê, kè, cống, bờ bãi sông thuộc địa bàn quản lý, kịp thời phát hiện mọi diễn biến hư hỏng, sự cố công trình để báo cáo và đề xuất Ban chỉ huy chỉ đạo triển khai các biện pháp xử lý kịp thời.

Liên quan đến sự cố sụt lún cống qua đê sông Đáy tại xã Bột Xuyên (huyện Mỹ Đức) vào ngày 20/8, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, đến nay, công tác khắc phục sự cố giờ đầu đã hoàn tất.

Hiện, đơn vị đang phối hợp cùng UBND huyện Mỹ Đức khảo sát, đánh giá mức độ cấp thiết, thống nhất với các sở ngành có văn bản trình UBND TP Hà Nội đề xuất phương án khắc phục.