Luật Kiến trúc: Công cụ để phát huy bản sắc

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quốc hội vừa thảo luận về dự thảo Luật Kiến trúc (dự thảo lần thứ 5) với nhiều điểm mới. Tuy nhiên, theo đánh giá của kiến trúc sư (KTS) Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội KTS Hà Nội, còn nhiều khái niệm chưa được làm rõ, nhất là vấn đề bản sắc kiến trúc Việt Nam.

 Một góc Hà Nội chụp từ trên cao. Ảnh: Hải Linh
Chưa rõ khái niệm bản sắc kiến trúc Việt Nam

KTS Trần Huy Ánh cho biết, tại Điều 7 của dự thảo “Yêu cầu đối với công trình kiến trúc đô thị” trong mục 1 khoản (a) có nội dung “Không gian kiến trúc cảnh quan phải được thiết kế gắn kết với cảnh quan hiện hữu, mang yếu tố bản sắc văn hóa đặc thù địa phương”. Nhưng trong Điều 3 “Giải thích từ ngữ” không có từ “bản sắc kiến trúc Việt Nam”. Trong dự thảo lần 5 cũng như báo cáo giải trình tiếp thu (số 112/BC-BXD), vẫn giải trình rất mơ hồ về “bản sắc kiến trúc Việt Nam”. "Tôi cho rằng, làm rõ khái niệm “bản sắc kiến trúc Việt Nam” chính là làm rõ mục tiêu của Luật Kiến trúc" - KTS Trần Huy Ánh cho hay.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng dự thảo Luật Kiến trúc cũng chưa nêu rõ ràng về quản lý hoạt động kiến trúc hay quản lý hoạt động của KTS. Theo KTS Trần Tuấn Anh – Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, đối tượng mà dự thảo Luật cần tập trung điều chỉnh chính là mô hình hoạt động, bộ máy quản lý hoạt động kiến trúc chứ không phải là KTS.
Nhiều chuyên gia cho rằng, không thể xác định mẫu “cấu trúc điển hình” cho các đô thị Việt Nam mà mỗi đô thị phải tự nhận diện quỹ di sản để tạo lập cấu trúc đô thị có bản sắc riêng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, điều kiện tự nhiên, đặc trưng dân số, trình độ khoa học kỹ thuật, văn hóa lịch sử của từng địa phương.
Nhưng trong toàn bộ nội dung Chương II: Quản lý kiến trúc, có 10 điều (từ 6 - 15) của dự thảo Luật lại không có nội dung quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý hoạt động kiến trúc: Hội đồng kiến trúc quốc gia, cơ quan tổ chức thi tuyển, tuyển chọn phương án kiến trúc, chính quyền địa phương các cấp… Vậy khi có các hoạt động không đúng với quy định của pháp luật thì sẽ do cơ quan nào xử lý? Xử lý theo trình tự nào? Trách nhiệm của các tổ chức cá nhân liên quan (là thành viên của các tổ chức này) ở mức độ nào?

Về vấn đề này, KTS Trần Huy Ánh phân tích thêm, trên thực tế có các công trình kiến trúc kém chất lượng, vi phạm các quy định pháp luật (về bảo tồn di sản hay quản lý không gian kiến trúc xây theo quy hoạch, giấy phép đã duyệt, về ngân sách đầu tư…). “Rõ ràng vai trò trách nhiệm của các KTS trong các quyết định quản lý công trình kiến trúc không lớn so với việc ra các quyết định sai trái, để lại hậu quả về kinh tế - xã hội rất lớn và lâu dài mà trong dự thảo Luật này không đề cập. Vì vậy, nó không quy được trách nhiệm cho các cơ quan quản lý hoạt động kiến trúc, cho từng cá nhân, tức là đồng nghĩa với duy trì sự trì trệ trong công tác quản lý hoạt động kiến trúc hiện nay” - KTS Trần Huy Ánh nói.

Cần phải có công cụ quản lý

Nhiều chuyên gia cho rằng, khi đánh giá về một công trình kiến trúc, thường đề cập đến vấn đề “bản sắc” để công trình đẹp. Trong khi bản sắc không phải là hình thức, không chỉ là “cái vỏ bên ngoài” của một công trình kiến trúc. Bản sắc trong kiến trúc được hình thành trước hết từ các điều kiện địa lý, khí hậu, từ cách con người ứng xử với công trình. Khi địa hình tự nhiên bị thay đổi, kiến trúc cũng dần thay đổi, về cảnh quan tổng thể, cái gọi là bản sắc (hàm chứa lịch sử, thiên nhiên, con người) cũng biến mất. Do đó, cần phải có công cụ để quản lý những vấn đề liên quan đến bản sắc của kiến trúc Việt Nam, bằng sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn từ các bộ, ngành T.Ư đến chính quyền địa phương.

“Nếu quan niệm gìn giữ, kế thừa bản sắc một cách “thực dụng” nhất thì vẫn có cả lợi ích kinh tế lẫn thẩm mỹ, nó đồng thời liên quan đến Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, TN&MT… Để thực hiện đi vào cuộc sống, không chỉ là vấn đề kêu gọi “giữ bản sắc, phát huy bản sắc” trong Luật Kiến trúc, mà phải sử dụng đồng thời những công cụ pháp lý này để thực hiện” - KTS Trần Huy Ánh nhấn mạnh.