Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự: Nhiều điểm mới quan trọng

Tuấn Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) có nhiều điểm mới quan trọng.

Trong đó, Luật đã bổ sung thêm một điều luật mới quy định về tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu cho biết, BLHS năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 12/2017/QH14) có những nội dung mang tính đột phá trên tinh thần đổi mới nhận thức về chính sách hình sự, về vấn đề tội phạm và hình phạt. BLHS bộc lộ rõ tính hướng thiện, tính nhân đạo, phản ánh được những yêu cầu, đòi hỏi bức xúc của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới.

BLHS số 100/2015/QH13 (khoản 3 Điều 19) quy định người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác tội phạm khi đáp ứng 3 điều kiện sau đây: Tội mà người bào chữa không tố giác phải do chính thân chủ của họ đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện; người bào chữa biết được thông tin đó khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa; tội phạm mà người bào chữa không tố giác không phải là một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác.

Ảnh minh họa.

Luật số 12/2017/QH14 đã sửa đổi theo hướng thu hẹp hơn phạm vi phải chịu trách nhiệm hình sự của luật sư trong trường hợp không tố giác tội phạm. Theo đó, về nguyên tắc, người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm của thân chủ mà mình biết được khi thực hiện việc bào chữa, chỉ trừ một trường hợp duy nhất là không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của BLHS hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà thân chủ của mình đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện nhưng với điều kiện là "người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa".

Bên cạnh đó, tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292) là một trong 10 tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông được quy định tại mục 2 thuộc Chương XXI của BLHS số 100/2015/QH13 có khách thể xâm hại là an toàn công cộng, trật tự công cộng. Tuy nhiên, nội dung quy định về cấu thành tội phạm này không phản ánh rõ mối nguy hại cho an toàn công cộng, trật tự công cộng. Thực chất đây là cấu thành tội “kinh doanh trái phép" trên môi trường mạng và xét về bản chất thì đây là một tội phạm về kinh tế nhưng lại được đặt ở chương "các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng". Xét trong bối cảnh tội kinh doanh trái phép đã được bãi bỏ thì cũng cần bãi bỏ Điều 292 của BLHS, đồng thời tăng cường các biện pháp quản lý của Nhà nước và nâng cao hiệu quả xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm trong lĩnh vực này. Trên tinh thần đó, Luật số 12/2017/QH14 đã bãi bỏ Điều 292 của BLHS số 100/2015/QH13 về tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông.

Đặc biệt, trong thời gian qua, hành vi kinh doanh đa cấp trái phép diễn biến hết sức phức tạp, có nhiều trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và ảnh hưởng đến rất nhiều người, nhất là những người dân ở vùng nông thôn, gây bức xúc trong xã hội. Đa số các trường hợp trên đã được xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, do việc phải chứng minh có đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo thì mới xử lý được theo tội này nên khi truy cứu trách nhiệm hình sự được thì đã quá muộn dẫn đến không thể khắc phục được hậu quả. Vì vậy, Luật số 12/2017/QH14 đã bổ sung thêm 1 điều luật mới quy định về tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp (Điều 217a).