Luật Thủ đô (sửa đổi): Giáo dục Hà Nội cần cơ chế riêng vượt trội hơn

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Giáo dục đào tạo của Thủ đô nhất định phải vượt trội, khác hoàn toàn các địa phương khác, nên cũng cần thiết có được cơ chế riêng, vượt trội hơn. Đồng thời, quy định dứt khoát không cho xây dựng các nhà cao tầng nhưng chưa đảm bảo các hạ tầng xã hội đi kèm như trường học...

Đó là một trong những nhận định đáng chú ý tại "Hội nghị Lấy ý kiến góp ý hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)" do Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức hôm nay, 17/7.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương và Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Sỹ Trường chủ trì.

Cấp thiết có Luật Thủ đô (sửa đổi) đáp ứng đòi hỏi thực tiễn

Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đều bày tỏ quan điểm cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô trước những yêu cầu bức thiết đang đặt ra trong sự phát triển của Thủ đô hiện nay. Bởi qua 10 năm thực hiện Luật đã bộc lộ một số tồn tại, nhất là về cơ chế đặc thù, đã không phù hợp so với một số Luật mới ban hành.

Các ý kiến đánh giá cao công tác chuẩn bị công phu của Dự thảo Luật, với nhiều điểm mới, có tính cụ thể và sát thực tiễn hơn; đã được nghiên cứu bài bản, khoa học, tiếp thu có chọn lọc nhiều ý kiến đóng góp.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương chủ trì Hội nghị lấy ý kiến góp ý hồ sơ Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương chủ trì Hội nghị lấy ý kiến góp ý hồ sơ Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Theo Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Nguyễn Hồng Tuyến, Dự thảo Luật có 6 Chương, 54 Điều, được Ban soạn thảo xây dựng công phu đã thể chế hóa đầy đủ 9 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua; quy định hóa chi tiết việc phân cấp, phân quyền cho Hà Nội. Dự thảo cũng kế thừa một số quy định còn phù hợp của Luật Thủ đô 2013; Luật hóa một số quy định trong các nghị định của Chính phủ được thực tế chứng minh phù hợp sự phát triển của Thủ đô giai đoạn mới. 

Đặc biệt, các chuyên gia nhận định, Dự thảo Luật đã tính tới yếu tố đặc thù cho Thủ đô như Điều 3, khoản 1 về “Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát”; Điều 4 về “Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Thủ đô và Luật, nghị quyết khác của Quốc hội về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của Luật Thủ đô…”, “Trường hợp luật, nghị quyết khác nhau của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực có quy định cơ chế chính sách thuận lợi hơn cho xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô thì việc áp dụng do HĐND TP Hà Nội quyết định”...

Để thực sự là cơ sở pháp lý tạo đột phá phát triển Thủ đô 

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng tiếp tục góp ý thêm nhiều vấn đề về nội dung và hình thức để hoàn thiện hơn Dự Luật.

PGS. TS Bùi Thị An góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
PGS. TS Bùi Thị An góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, việc xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô được đề cập tại Chương III trong Dự Luật là đang là vấn đề có nhiều thách thức với Hà Nội, nên cần được nghiên cứu kỹ để có những chính sách tạo đột phá cho Thủ đô. "Trong Dự thảo Luật nên căn cứ việc xây dựng và phát triển Thủ đô là thực hiện quy hoạch Thủ đô và quy hoạch chung Thủ đô. Đây chỉ là 2 quy hoạch trọng tâm xác định trong khoản 1, nhiệm vụ 4 tại Nghị quyết 15-NQ/TW. Thực tế quy hoạch hiện nay được căn cứ theo Luật Quy hoạch là cả hệ thống cấp quốc gia, vùng, ngành…, tất cả đều được áp dụng làm căn cứ cho cả nước và Thủ đô"- TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm góp ý.

Do đó, ông đề nghị sửa lại Điều 20, thay từ “Vùng Thủ đô và cả nước” bằng “Vùng và cả nước”, vì Nghị quyết 15/TW cũng đã nêu trong nhiệm vụ. “Đặc biệt, tại khoản 3, Điều 20, cần bỏ qua phần đầu “điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị của Thủ đô được thực hiện trên cơ sở đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị đã được Thủ tướng phê duyệt”. Nội dung này diễn đạt chưa khái quát, dễ hiểu không đúng và hơn nữa khái niệm này đã nêu trong Luật Quy hoạch, Luật xây dựng.

Đáng chú ý, PGS. TS Bùi Thị An- Phó Chủ nhiệm HĐTV về Kinh tế, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố nhấn mạnh, Luật Thủ đô lần này có sự bứt phá để Thủ đô phải được nâng lên một cách thực chất, đặt đúng vị trí của mình trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước như Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị. Do với Luật hiện hành, Dự Luật lần này những yêu cầu đặt ra cũng cao hơn. Tuy nhiên, các điều luật dù đã toàn diện nhưng còn thiếu ràng buộc và quan hệ khăng khít nhau giữa các lĩnh vực, nên khó giải quyết triệt để các vấn đề bức thiết của Hà Nội hiện nay.

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm góp ý vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm góp ý vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
 

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị bên lề Hội nghị, Trưởng Ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Trịnh Thị Ngân cho rằng, trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), về lĩnh vực phát triển kinh tế, một mảng rất quan trọng là định hướng cho các doanh nghiệp phát triển chưa được đề cập đến. Trước đây Nghị quyết 15 của Thành ủy đã định hướng Hà Nội về trước cả nước 2 năm về phát triển CNH-HĐH, từ đó đến nay Thủ đô có rất nhiều giải pháp để phát triển kinh tế, với những chương trình phát triển công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, định hướng cho doanh nghiệp phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch. Từ đó các doanh nghiệp đã rất tích cực đổi mới phát triển công nghệ.

Trong khi khối doanh nghiệp công nghiệp và thương mại đang đóng góp tới 60-70% nguồn thu ngân sách của thành phố, tại Dự thảo Luật này rất cần đề xuất đến vai trò, định hướng phát triển của doanh nghiệp trong giai đoạn tới, thành phố có những chính sách gì để hỗ trợ thu hút nguồn lực giúp phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghiệp tái tạo. Khi các doanh nghiệp có gây ô nhiễm môi trường đã di dời ra khỏi nội đô, với quỹ đất còn lại, cần có chính sách hỗ trợ rõ ràng để phát triển công nghiệp hiện đại.

Đặc biệt, bà Bùi Thị An đề nghị về lĩnh vực giáo dục đào tạo, tại Điều 24 Dự thảo Luật này, hệ thống giáo dục công lập phổ thông cần có cơ chế để phát triển cân xứng với sự tăng trưởng dân số Thủ đô. Trước một số bất cập hiện nay trong hệ thống này tại Hà Nội, cần tạo điều kiện để mạng lưới trường học đáp ứng được 75% nhu cầu của học sinh bậc trung học có nhu cầu học, có chính sách hỗ trợ để tất cả trẻ trong mọi hoàn cảnh đều được tiếp cận giáo dục như hiến định, tạo nhiều cơ sở vật chất để trẻ em không may mắn (trẻ khuyết tật, tự kỷ…) được chăm sóc, nuôi dưỡng. Đồng thời, cần đảm bảo chất lượng phòng học; triệt tiêu sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa nội và ngoại thành…

“Giáo dục đào tạo của Thủ đô nhất định phải có sự vượt trội, khác hoàn toàn các địa phương khác, nên cần thiết có được cơ chế riêng, vượt trội hơn nữa. Đồng thời, cần quy định dứt khoát không cho xây dựng các nhà cao tầng nếu chưa đảm bảo về hạ tầng xã hội, trong đó có trường học”- bà Bùi Thị An khẳng định.

Còn theo PGS.TS Ngô Hữu Thảo - Chủ nhiệm HĐTV về Tôn giáo, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần chú trọng yếu tố “nguồn lực phát triển Hà Nội”, “nguồn lực tài chính ngân sách”, không nên chỉ ghi “một bộ phận của nguồn lực phát triển”. Trong khi, nguồn lực đó là ưu thế của Thủ đô, hơn mọi địa phương khác và cần được phát huy từ Luật.

“Nguồn nhân lực có chất lượng cao sống và làm việc tại Thủ đô thật sự là nguồn nhân lực lớn, quý giá, cần được Luật quan tâm phát huy trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô. Cùng đó, các nguồn lực là hệ thống trường đại học, cao đẳng, dạy nghề công - tư tại Hà Nội cũng cũng nhiều nhất cả nước, với hàng loạt cán bộ giảng dạy, sinh viên, sở hữu và quản trị một khối tài sản trí thức lớn, đặc thù, nên được Luật Thủ đô sửa đổi quan tâm, phát huy”- ông Ngô Hữu Thảo bày tỏ.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường kết luận Hội nghị
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường kết luận Hội nghị

Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Sỹ Trường khẳng định: Các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra nhiều ý kiến tâm huyết, tập trung đề xuất các nhóm vấn đề liên quan tổ chức chính quyền địa phương, xây dựng phát triển Thủ đô, chính sách tài chính ngân sách, liên kết Vùng phát triển Thủ đô...

"Ban Thường trực trân trọng tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý trực tiếp tại Hội nghị và các ý kiến bằng văn bản. Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cũng đã tiếp nhận được hơn 200 ý kiến từ cơ sở gửi đến, cho thấy tầm quan trọng của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này, thu hút quan tâm lớn trong dư luận, các cấp, ngành. Từ nay đến khi Quốc hội thông qua dự thảo Luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố mong tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và từ cơ sở. Chúng tôi sẽ tổng hợp đầy đủ và gửi cho Ban soạn thảo, góp phần đưa Luật Thủ đô (sửa đổi) khi được ban hành sẽ đi vào cuộc sống”- ông Nguyễn Sỹ Trường khẳng định.