Luôn lắng nghe, sâu sát cơ sở, không để phát sinh điểm nóng

Trọng Nghĩa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đã nhấn mạnh yêu cầu như vậy tại buổi làm việc với Huyện ủy Đông Anh chiều nay 26/5, về kết quả xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) trên địa bàn.

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lê Trung Kiên, huyện đã xác định QCDC không chỉ là nhiệm vụ trọng tâm mà còn là giải pháp để huyện thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị. 
Trên cơ sở đó, từ huyện đến các xã, thị trấn đều xây dựng kế hoạch thực hiện, triển khai cụ thể đến các thôn, tổ dân phố, nhất là QCDC trong các loại hình mới như công tác GPMB, trật tự xây dựng, thu thuế, tại bệnh viện, trường ngoài công lập và hợp tác xã.
 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng tại buổi làm việc với Huyện ủy Đông Anh 
Các tổ dân vận cũng được kiện toàn theo hướng chất lượng, hiệu quả hơn, giúp Đông Anh là một trong những địa phương đi đầu thực hiện việc cưới, việc tang văn minh tiến bộ. Bên cạnh đó, vai trò phản biện, giám sát của MTTQ và các đoàn thể cũng được phát huy. Năm 2016, Ban Thanh tra Nhân dân các xã, thị trấn đã giám sát 101 vụ, phát hiện, kiến nghị giải quyết 89 vụ có dấu hiệu vi phạm và các cơ quan chức năng đã xử lý được 56 vụ.

Phát biểu kết luận, bên cạnh việc đánh giá cao những kết quả thực hiện QCDC của huyện, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cũng thẳng thắn chỉ ra các hạn chế cần sớm khắc phục. Đơn cử như một số địa phương triển khai chưa sâu, chưa đồng bộ QCDC. “Việc xây dựng các quy chế, quy ước đừng chung chung, dập khuôn máy móc, mà từng thôn, từng xã đều có những đặc điểm tình hình khác nhau, nên phải lựa chọn, làm thế nào cho phù hợp và hiệu quả”, đồng chí nhấn mạnh.

Nhiệm vụ thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu Huyện ủy Đông Anh tiếp tục tập trung thực hiện QCDC, nhất là trong các loại hình mới như GPMB, trật tự xây dựng, để không phát sinh thành các điểm nóng. Muốn vậy, người đứng đầu các địa phương, đơn vị phải gần dân, sát dân hơn, thường xuyên lắng nghe, đối thoại, kịp thời giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc.

“Huyện phải rà soát ngay xem tổ chức đảng nào, nơi nào còn yếu kém để kiện toàn lại bộ máy, trong đó phải chọn người đứng đầu thực sự có năng lực, luôn sâu sát với cơ sở”, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nói. Bên cạnh đó, việc triển khai QCDC phải gắn với nhiệm vụ chính trị từng địa phương, đơn vị cũng như việc thực hiện hai Bộ quy tắc ứng xử và xây dựng nông thôn mới.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh: “Huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới rồi, nhưng đừng vì thế mà ung dung, chủ quan, phải lồng ghép các nội dung QCDC, cụ thể các quy ước, hương ước để từng bước nâng cao chất lượng, duy trì bền vững các tiêu chí”.