Lý giải băn khoăn tại quy định tuyển thẳng, ưu tiên trong tuyển sinh lớp 10

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Bộ GD&ĐT vừa có văn bản chấn chỉnh, yêu cầu các địa phương thực hiện chế độ tuyển thẳng, ưu tiên trong công tác tuyển sinh lớp 10 theo văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT. Trước những băn khoăn về quy định, một số lý giải đã được đưa ra.

Nhiều quy định không còn phù hợp?

Công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT được thực hiện theo đúng quy định tại văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT ngày 3/5/2019 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT được thực hiện theo đúng quy định tại văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT
Công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT được thực hiện theo đúng quy định tại văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT

Điều 7 của văn bản nêu rõ quy định về đối tượng được tuyển thẳng và ưu tiên tại kỳ thi lớp 10 THPT. Hiện còn nhiều phụ huynh băn khoăn về một số quy định đối tượng được cộng điểm ưu tiên, như: “Con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; Con của người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945”, “con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

“Học sinh bước vào kỳ thi lớp 10 năm học 2024 – 2025 sinh năm 2009 thì liệu có ai còn cha/mẹ thuộc đối tượng này không? Nếu không, tại sao Bộ chưa điều chỉnh để đảm bảo sự phù hợp?”, chị Nguyễn Nhật Hà, một phụ huynh học sinh cho biết.

Anh Nguyễn Thanh Hải, phụ huynh có con chuẩn bị thi lớp 10 đưa ra quan điểm: “Quy định lạc hậu thì giữ, trong khi đó Bộ lại không chịu điều chỉnh, tiếp nhận những tiêu chí mới để phù hợp với giai đoạn và yêu cầu hiện nay. Giả sử, học sinh đạt giải cao tại kỳ thi văn hóa – khoa học cấp tỉnh/TP rất xứng đáng có cơ chế khuyến khích bằng việc được ưu tiên trong kỳ tuyển sinh lớp 10 công lập bởi ngoài việc có tố chất, sự chăm chỉ, các em còn đầu tư rất nhiều thời gian, công sức tập trung ôn luyện, đi thi. Các em cũng là những hạt nhân của công tác đào tạo mũi nhọn ở cấp THPT sau này”.

Một ý kiến khác cho hay: Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT, học sinh đạt từ 4.0 IELTS hoặc tương đương được miễn thi môn Tiếng Anh và môn này được tính là 10 điểm. Tại sao tại kỳ thi lớp 10, Bộ không cho phép cộng điểm với học sinh có chứng chỉ IELTS? Như vậy, đã thực sự thỏa đáng và thuyết phục?

Tiếp tục thực hiện quy định cũ

Trước đó, trong phương án tuyển sinh lớp 10 được phê duyệt, một số địa phương có cơ chế tuyển thẳng, miễn thi hoặc cộng điểm ưu tiên với học sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS hoặc đạt giải cao tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/TP các môn văn hóa; có thể kể như các tỉnh: Tuyên Quang, Nghệ An, Phú Thọ, Lào Cai, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Dương, Vĩnh Long…

Thí sinh tham dự kỳ thi lớp 10 năm 2023 tại Hà Nội
Thí sinh tham dự kỳ thi lớp 10 năm 2023 tại Hà Nội

Là một trong những địa phương áp dụng chính sách tuyển thẳng với thí sinh có chứng chỉ IELTS 5.0 trở lên, đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Tuyên Quang cho biết, chính sách này nhằm đẩy mạnh việc học tiếng Anh, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở địa phương và đến nay, việc tuyển thẳng bằng chứng chỉ IELTS vẫn phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT khẳng định, việc tuyển thẳng và áp dụng chế độ ưu tiên (như giải thi học sinh giỏi cấp tỉnh, chứng chỉ ngoại ngữ) mà một số địa phương đã và đang thực hiện là không đúng quy định của Bộ.

Lý giải về một số đối tượng và nhóm đối tượng được cộng điểm ưu tiên tại Điều 7 văn bản hợp nhất 03, đại diện Bộ GD&ĐT từng cho biết, sở dĩ có các nhóm đối tượng ưu tiên này (“Con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; Con của người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945”, “con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng”....) vì Bộ muốn bao quát hết tất cả các đối tượng, không bỏ lọt trường hợp nào nhằm đảm bảo quyền lợi chung. Trường hợp ưu tiên theo quy định là tính cả con đẻ và con nuôi hợp pháp. Hơn nữa, Thông tư không quy định điểm ưu tiên cụ thể là bao nhiêu mà việc này sẽ do địa phương phụ trách, quyết định.

Liên quan đến việc Bộ không chấp nhận tuyển thẳng và cộng điểm ưu tiên với học sinh có chứng chỉ IELTS tại kỳ thi lớp 10, nhiều phụ huynh cũng nhận thức rõ ràng khi cho rằng, điều này khiến học sinh thần thánh hóa vai trò của chứng chỉ IELTS, chỉ chạy theo IELTS mà bỏ qua các môn văn hóa và khoa học cơ bản quan trọng khác.

Là hệ thống giáo dục nhiều năm thực hiện chế độ tuyển thẳng học sinh có chứng chỉ IELTS nhưng tại phương án tuyển sinh năm học 2024 - 2025, Hệ thống giáo dục Lômônôxốp (Mỹ Đình, Hà Nội) đã mạnh dạn bỏ phương thức tuyển thẳng với nhóm đối tượng này.

Ông Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Các năm trước, trường dành 5% chỉ tiêu cho phương thức tuyển thẳng học sinh có IELTS (khoảng 20 chỉ tiêu) nhưng năm học tới, trường không sử dụng phương thức này bởi qua theo dõi, học sinh đỗ tuyển thẳng IELTS thì cũng đủ điểm thi để xét tuyển. Mặt khác, việc không tuyển thẳng học sinh có IELTS góp phần tránh lãng phí cho phụ huynh và cũng giúp những học sinh gia đình khó khăn, không đủ kinh phí học và thi IELTS có nhiều cơ hội vào trường hơn”.

Trong Công văn số 715/BGDĐT-GDTrH  ngày 23/2/2024, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo, phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT trên địa bàn theo đúng quy định.

Đối với các tỉnh đã phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT chưa đúng quy định về tuyển thẳng, chế độ ưu tiên phải điều chỉnh bảo đảm đúng quy định tại Điều 7 của văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT và thông báo công khai đến các đối tượng liên quan; đồng thời, chủ động, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch và phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT trên địa bàn.

Công văn cũng cho biết: Trong năm 2024, Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra việc tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại một số địa phương.

 

Điều 7: Tuyển thẳng, chế độ ưu tiên (theo văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT ngày 3/5/2019 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT).

1. Tuyển thẳng vào THPT với 4 đối tượng: Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú; Học sinh là người dân tộc rất ít người; Học sinh khuyết tật; Học sinh đạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa; văn nghệ; thể dục thể thao; Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS và THPT.

2. Đối tượng được cộng điểm ưu tiên: Sở GD&ĐT quy định mức điểm cộng thêm cho từng nhóm đối tượng được cộng điểm ưu tiên với mức chênh lệch điểm cộng thêm giữa hai nhóm đối tượng được ưu tiên kế tiếp là 0,5 điểm tính theo thang điểm 10, gồm:

a) Nhóm đối tượng 1:

- Con liệt sĩ; Con thương binh mất sức lao động 81% trở lên; Con bệnh binh mất sức lao động 81% trở lên; Con của người được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động 81% trở lên”; Con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; Con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; Con của người hoạt động cách mạng từ ngày /1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;

b) Nhóm đối tượng 2: Con của Anh hùng lực lượng vũ trang, con của Anh hùng lao động, con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Con thương binh mất sức lao động dưới 81%; Con bệnh binh mất sức lao động dưới 81%; Con của người được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động dưới 81%”.

c) Nhóm đối tượng 3: Người có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số; Người dân tộc thiểu số; Người học đang sinh sống, học tập ở các vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn.