Ly hôn, có được đòi lại tài sản cho chồng mượn?

H.T
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lúc đám cưới, gia đình tôi cho của hồi môn một số lượng tài sản có giá trị tương đối lớn. Ngay sau đi nghỉ trăng mật về, chồng nài nỉ cho mượn để lấy vốn làm ăn, nhưng bị thua lỗ hết.

Nay vợ chồng tôi ly hôn. Liệu tôi có thể đòi lại toàn bộ số của hồi môn nêu trên với tính chất là tài sản cho mượn hay chỉ được đòi lại một nửa vì là tài sản phát sinh trong hôn nhân?

Nguyễn Thị Hà, quận Đống Đa, Hà Nội

Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp Hà Nội) trả lời:

Để trả lời câu hỏi của bạn, trước tiên cần xác định số của hồi môn khi tổ chức đám cưới gia đình bạn tặng riêng bạn hay cho cả hai vợ chồng.

Nếu chỉ tặng cho bạn, đó là tài sản riêng của bạn. Bởi vì, Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

“1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này”.

 

Mặc dù đã là vợ chồng của nhau, nhưng chồng bạn mượn tài sản riêng của bạn có nghĩa hai người đã thiết lập quan hệ dân sự thông qua hợp đồng mượn tài sản.

Hợp đồng mượn tài sản, theo Điều 494 Bộ luật Dân sự năm 2015, “là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được”.

Khi đó, với tư cách bên mượn tài sản, chồng bạn có nghĩa vụ như giữ gìn, bảo quản tài sản mượn, không được tự ý thay đổi tình trạng của tài sản; nếu tài sản bị hư hỏng thông thường thì phải sửa chữa; không được cho người khác mượn lại, nếu không có sự đồng ý của bên cho mượn; bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản mượn; bên mượn tài sản phải chịu rủi ro đối với tài sản mượn trong thời gian chậm trả. Đặc biệt là nghĩa vụ trả lại tài sản mượn đúng thời hạn; nếu không có thỏa thuận về thời hạn trả lại tài sản thì bên mượn phải trả lại tài sản ngay sau khi mục đích mượn đã đạt được.

Tương ứng, với tư cách bên cho mượn, bạn có quyền đòi lại tài sản ngay sau khi bên mượn đạt được mục đích nếu không có thỏa thuận về thời hạn mượn; nếu bên cho mượn có nhu cầu đột xuất và cấp bách cần sử dụng tài sản cho mượn thì được đòi lại tài sản đó mặc dù bên mượn chưa đạt được mục đích, nhưng phải báo trước một thời gian hợp lý; đòi lại tài sản khi bên mượn sử dụng không đúng mục đích, công dụng, không đúng cách thức đã thỏa thuận hoặc cho người khác mượn lại mà không có sự đồng ý của bên cho mượn; yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với tài sản do bên mượn gây ra.

Tóm lại, nếu của hồi môn là tài sản riêng của bạn, về nguyên tắc bạn có quyền đòi lại toàn bộ nếu đã cho chồng mượn, dù cho anh ta làm ăn thất bại và bị mất hết. Ngược lại, nếu số tài sản đó gia đình bạn cho tặng chung cả hai vợ chồng, đó là tài sản chung của hai người.

Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về tài sản chung của vợ chồng như sau:

“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung”.

Lưu ý, trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của vợ chồng được thực hiện theo quy định tại Điều 35 của Luật này. Đó là:

“1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.

2. Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:

a) Bất động sản;

b) Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;

c) Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình”.

Theo đó, nếu là tài sản chung của vợ chồng, chồng bạn đề nghị và bạn đã đồng ý về việc đưa cho anh ấy số tài sản được cho tặng để làm ăn. Đồng nghĩa, hai người đã thỏa thuận về việc sử dụng, định đoạt tài sản chung. Nếu chồng bạn làm ăn bị mất hết số tài sản này, bạn không có quyền đòi lại dù chỉ là một nửa vì đó không phải là giao dịch vay mượn. Thậm chí, nếu việc làm ăn từ số tài sản này là phát sinh thiệt hại cho người khác, bạn còn có nghĩa vụ cùng với chồng mình thực hiện bồi thường theo quy định của pháp luật.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần