Ly hôn đơn phương với người nước ngoài, thủ tục thế nào?

H.T
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vợ chồng tôi kết hôn năm 2015, chồng tôi là người nước ngoài nhưng khi đó sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

Đầu năm 2017, chồng tôi bỏ về nước và không liên lạc với tôi. Nay tôi có bạn trai mới và muốn đơn phương ly hôn với chồng, có được không? Nếu được, tôi phải nộp hồ sơ ở đâu để được giải quyết? 

Nguyễn Thị Hà, quận Đống Đa, Hà Nội

Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp Hà Nội) trả lời:

Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình mà ít nhất một bên tham gia là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; quan hệ hôn nhân và gia đình giữa các bên tham gia là công dân Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.

 

Theo khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”.

Điều 127 của Luật này quy định về ly hôn có yếu tố nước ngoài như sau:

“1. Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật này.

2. Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam.

3. Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó”.

Như vậy, nếu bạn là công dân Việt Nam và đang thường trú tại Việt Nam. Việc ly hôn giữa bạn và chồng bạn là người nước ngoài được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Có nghĩa là, việc ly hôn do hai vợ chồng quyết định dựa trên có sở thuận tình ly hôn hoặc ly hôn theo yêu cầu của một trong hai người.

Ly hôn theo yêu cầu của một bên được quy định tại Điều 56 của Luật này. Đó là:

“1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia”.

Theo quy định tại Điều 28 và Điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, việc giải quyết tranh chấp hôn nhân và gia đình hay yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền của Tòa án.

Cụ thể, theo điểm a khoản 1 Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015,  Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết  “tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này, trừ những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 35 của Bộ luật này”.

Thêm nữa, theo điểm c khoản 1 Điều 40 của Bộ luật này, “nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam hoặc vụ án về tranh chấp việc cấp dưỡng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết”.

Cho nên, bạn chuẩn bị và nộp hồ sơ đến Tòa án nhân dân cấp Tỉnh nơi bạn đang cư trú để đề nghị giải quyết việc ly hôn đơn phương với chồng là người nước ngoài khi người này đang cư trú ở nước ngoài. Hồ sơ bao gồm:

- Đơn xin ly hôn (theo mẫu);

- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính); Trường hợp không có bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, thì bạn phải xin xác nhận của UBND cấp tỉnh nơi đã đăng ký kết hôn.

- Sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân (bản sao chứng thực);

- Giấy khai sinh của con (bản sao chứng thực - nếu có);

- Các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh tài sản chung (nếu có).