Ly kỳ và phức tạp vụ cây sưa trăm tỷ ở Chương Mỹ, Hà Nội: Hành trình đi tìm công lý

Công Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay sau khi xảy ra, 10 cuốn sổ tiết kiệm với 20,5 tỷ đồng có được từ việc bán gỗ gửi vào ngân hàng đứng tên 4 cụ cao tuổi thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính bị phong tỏa và toàn bộ số gỗ sưa bị tạm giữ tại Công an huyện Chương Mỹ.

Bài 1: Bán nửa cây sưa xây công trình phúc lợi

Đặc biệt, tại thời điểm này PC46 (Công an TP Hà Nội) lại bộc lộ rõ sự “lúng túng” khi giải quyết vụ việc khiến các cụ cao tuổi và ông Thái “tức tốc” gửi đơn đến các cấp, ngành T.Ư, TP.

 Chùa Vĩnh Phúc, thôn Phụ Chính được xây dựng mới bằng nguồn tiền bán gỗ sưa
 Lóe sáng tia hy vọng                       
Theo ông Vũ Văn Tý, thôn Phụ Chính bộc bạch: Thời điểm xảy ra sự việc Công an huyện Chương Mỹ bắt giữ toàn bộ lô gỗ của ông Thái và phong tỏa tiền gửi trong ngân hàng của các cụ, người dân và cán bộ địa phương rất bức xúc. Thời gian này đi đến đâu trong thôn, xã cũng thấy người dân bàn tán to nhỏ chuyện cây sưa đỏ trồng trong Chùa Vĩnh Phúc. Chính sự bàn tán này đã gây ảnh hưởng không nhỏ cho lao động, sản xuất và mất an ninh trật tự địa phương.
Ông Nguyễn Văn Nhất, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Chính cho biết,  thời điểm xảy ra vụ việc, hàng loạt câu hỏi đã được người dân đặt ra, như: Vì sao Công an huyện không bắt giữ lô gỗ từ lúc mới chặt hạ. UBND xã Hòa Chính và Hạt Kiểm lâm Chương Mỹ xác nhận tính hợp pháp của lô gỗ có được hưởng lợi gì không. Số tiền bán gỗ có được đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi của thôn hay còn sử dụng cho việc khác của xã. Số tiền bán gỗ “khủng” như vậy quản lý thế nào cho đảm bảo… Hàng loạt câu hỏi đã được người dân luận bàn, gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên, quyết tâm cuối cùng của các cụ ở thôn là phải đòi cho bằng được lô gỗ sưa dù có phải tốn kém công sức, tiền của.
Sau nhiều lần gửi đơn kêu cứu đến các cấp, ngành với mong muốn cơ quan chức năng sớm giải quyết dứt điểm vụ việc, tia hy vọng bắt đầu lóe sáng khi ngày 8/3/2013, UBND TP Hà Nội có Thông báo số 51/TB-UBND với nội dung: Cây gỗ sưa tại Chùa Phụ Chính là cây trồng phân tán thuộc quyền quản lý của cộng đồng dân cư; không thuộc đối tượng điều chỉnh tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, không thuộc diện quản lý theo theo Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị.
Thông báo còn khẳng định: Công an TP có trách nhiệm kiểm tra, hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý, nếu không phát hiện hành vi tham nhũng thì đình chỉ điều tra, công bố công khai để Nhân dân thôn Phụ Chính và các đơn vị, cá nhân liên quan biết và đề xuất việc xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, làm thủ tục trả lại gỗ, cành sưa đã thu giữ theo biên bản trong hồ sơ đảm bảo đúng trình tự, thủ tục pháp luật. Giao cho UBND huyện Chương Mỹ cùng Sở NN&PTNT chỉ đạo UBND xã Hòa Chính tổ chức bán đấu giá theo quy định để phục vụ lợi ích công cộng.
 Một số hạng mục trong Chùa Vĩnh Phúc, thôn Phụ Chính đang được gấp rút hoàn thiện
 Cùng với đó, xem xét, kết luận đối với số tiền đang bị phong tỏa tại ngân hàng, nếu phát hiện có vi phạm thì xử lý theo quy định, trường hợp không có vi phạm thì làm thủ tục trả lại cho người mua. Sở NN&PTNT và UBND huyện Chương Mỹ báo cáo việc thực hiện chỉ đạo của UBND TP về kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân nếu có sai phạm. Các Sở: Tài chính, Tư pháp, NN&PTNT chỉ đạo UBND xã Hòa Chính tổ chức bán đấu giá số gỗ, cành sưa sau khi được cơ quan Công an trả lại, đảm bảo đúng quy định về bán đấu giá tài sản. Lúc này, người dân địa phương, nhất là các cụ cao tuổi phấn khởi vì sau nhiều năm dầm mưa dãi nắng “đội đơn” đi tìm công lý đã dần có kết quả.
Tuy nhiên, phải đến đầu năm 2015, các sở ngành của TP mới thống nhất trả lời, xác định việc mua bán gỗ sưa giữa ông Thái với các cụ không vi phạm pháp luật. Do vậy, các đơn vị bàn giao trả lại 2,506m3 gỗ sưa và gỡ bỏ phong tỏa tài khoản 10 sổ tiết kiệm 20,5 tỷ đồng của 4 cụ gửi trong ngân hàng.
Đến giữa năm 2015, sau khi nhận bàn giao lại toàn bộ lô gỗ từ phía Công an huyện Chương Mỹ, các cụ cao tuổi thôn Phụ Chính cùng cơ quan chức năng đã tổ chức đấu giá bán 2,506m3 gỗ sưa, thu được gần 31 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này được chuyển về địa phương phục vụ tu sửa công trình phúc lợi.
9 năm mòn mỏi chờ tiền
Ông Dương Văn Thái cho biết: Tưởng chừng khi cơ quan chức năng bàn giao lô gỗ sưa cho các cụ là tôi cũng sẽ được nhận lại đủ số tiền. Nhưng phía PC46 lại chậm hoàn thiện thủ tục đề nghị ngân hàng gỡ bỏ phong tỏa tài khoản 10 sổ tiết kiệm của 4 cụ đứng tên.
Mặt khác, cùng thời điểm này số tiền 31 tỉ đồng của các cụ có một phần đã được sử dụng vào đầu tư xây dựng công trình phúc lợi của thôn nên chưa thể hoàn trả lại tiền cho tôi được. Một lần nữa tôi lại rơi vào cảnh chờ đợi trong vô vọng.
Đến đầu năm 2017, khi thủ tục phong tỏa tiền ở ngân hàng đã được Công an huyện Chương Mỹ cùng ngân hàng thống nhất giải quyết, có 3/4 cụ đứng tên sổ tiết kiệm gửi tiền đã chết nên cần phải có sự xác nhận của các thành viên trong gia đình.
Niềm vui đến với ông Thái chẳng được mấy chốc, lại nhận được tin con trai cụ Nguyễn Văn Du (một trong 4 cụ gửi tiền đã chết) đang sinh sống ở nước ngoài, khó khăn cho việc liên lạc cũng đã gây ra sự chậm trễ cho quá trình giải quyết vụ việc.
Sau nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan của TP và TƯ, ngày 25/12/2017, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao có văn bản gửi UBND TP Hà Nội khẳng định: Việc mua bán gỗ sưa ở thôn Phụ Chính không vi phạm pháp luật. Do vậy, UBND TP Hà Nội chỉ đạo UBND huyện Chương Mỹ và các đơn vị liên quan hoàn trả tiền và gỗ cho người mua, bán. Qua đó, ngày 15/8/2018 Văn phòng UBND TP có Thông báo số 94/TB-VP về việc thực hiện kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung giải quyết dứt điểm vụ mua bán gỗ sưa tại thôn Phụ Chính.
Nhờ có sự quyết liệt chỉ đạo, tháng 12/2018, toàn bộ số tiền 31 tỷ đồng (trong đó có 20,5 tỷ đồng gửi ngân hàng và tiền lãi) theo như cam kết giữa các bên đã được hoàn trả cho ông Thái.
Cùng thời điểm này, các cụ cao tuổi thôn Phụ Chính cũng hoàn thiện thủ tục xin chính quyền các cấp cho chặt hạ 2 cây gỗ sưa đỏ đang có dấu hiệu bị mối mọt, bán lấy tiền đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi khác của thôn và đã được chấp thuận.
 Một góc Chùa Vĩnh Phúc,thôn Phụ Chính được xây dựng bằng nguồn tiền bán gỗ sưa
Ông Thái chia sẻ: Vụ mua bán gỗ sưa giữa tôi và các cụ cao tuổi thôn Phụ Chính được gọi là “kỳ án gỗ sưa ở Chương Mỹ” bởi quãng thời gian giải quyết dài đằng đẵng cộng với số tiền “khủng” chủ yếu là đi vay mượn và huy động anh em, bạn bè mới có được. Ngày đó, sự việc xảy ra khiến gia đình tôi điêu đứng, thậm chí đã phải bán cả đất đai cùng nhiều thứ tài sản khác để trang trải cuộc sống.
Từ ngày nhận lại đủ số tiền như thỏa thuận, cuộc sống gia đình tôi đã dần ổn định trở lại. Đến nay, tôi không muốn nghĩ lại quãng thời gian qua một chút nào nữa. Chỉ mong các cụ cao tuổi thôn Phụ Chính sớm hoàn thành “sứ mệnh” của mình tổ chức đấu giá thành công 2 cây gỗ sưa đã chặt hạ.
(Còn nữa)