Mang áo dài chạy marathon: Nên đánh giá tùy vào từng thời điểm, từng hoàn cảnh

ANH TUẤN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dư luận đang xôn xao về việc giải Marathon tại tỉnh Thừa Thiên Huế, một số vận động viên (VĐV) mang áo dài trong khi thi đấu, đã thu hút nhiều sự đồng thuận. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này.

Phải đúng thời điểm, hoàn cảnh
Giải Marathon lớn nhất từ trước đến nay tại Cố đô Huế được tổ chức vào ngày 27/12 vừa qua, thu hút hơn 4.500 VĐV chuyên nghiệp, không chuyên và hơn 1.000 VĐV nhí (tham gia giải KUN Marathon). Đặc biệt trong cuộc thi lần này có một số VĐV (cả người lớn và trẻ em) mặc áo dài để thi đấu, tạo nên một sắc màu rất thú vị, khiến các VĐV khác và công chúng tham gia cổ vũ rất thích thú.
Khi những hình ảnh này được đưa lên báo chí, mạng xã hội thì đã có nhiều sự đồng thuận, cảm thấy thích thú. Nhưng bên cạnh đó vẫn có những lời dè bỉu, chê bai, thậm chí sử dụng các ngôn từ khá nặng nề.
VĐV mặc áo dài chạy ở giải marthon Huế 2020. Ảnh: VNE
Mang áo dài trong lần chạy marathon lần này một VĐV chia sẻ: “Tôi mang áo dài để khẳng định áo dài sẽ không bị vướng víu trong khi chạy, điều đó chứng tỏ đối với các hoạt động thường ngày, chiếc áo dài sẽ không có gì là bất tiện cả, hãy thử một lần mang áo dài ngũ thân thì sẽ không có cái nhìn thiếu thiện cảm như suy nghĩ của một số người”.
Có ý kiến cho rằng mang áo dài truyền thống không phù hợp đối với thi đấu thể thao. Về vấn đề này, bà Thái Kim Lan – Giáo sư Triết học từng dạy tại ĐH Ludwig – Maximilan (Đức) có suy nghĩ: “Tôi cũng hơi ngỡ ngàng khi được biết có sự việc mang áo dài để chạy marathon. Tôi hiểu ở đó hai điểm, thứ nhất để quảng bá áo dài trong mọi trường hợp, thứ hai chứng minh áo dài không bất tiện trong lao động tay chân. Cả hai đều được hiểu như là một sáng kiến hay cho việc thuyết phục sự cần thiết trở lại mang áo dài cho ngày thường.
Tuy nhiên, kết quả ngược lại cũng có thể tiên đoán được, khi đối tượng người đứng xem cảm thấy sự quảng bá áo dài cho tất cả mọi việc như chạy marathon là thái quá và buồn cười. Người chạy đội khăn đóng, áo tung bay, ngược với hình ảnh quen thuộc của áo quần thể thao gọn gàng, khiến người xem thấy phản cảm khi so sánh hai hình ảnh trong một môn thể thao. Và tác động ngược lại là sự phản đối cho hình ảnh áo dài chạy marathon là không thích hợp”.
Ngoài ra, theo bà Lan, việc chứng minh áo dài thuận tiện cho lao động tay chân không cần thiết phải lấy thí dụ trong việc mặc nó chạy marathon, mà có thể chọn một khung cảnh thuận lợi hơn, từ tốn hơn để tránh gây phản cảm.
Hình ảnh một số VĐV mặc áo dài thi đấu đã dấy lên cuộc tranh cãi.
“Chúng ta yêu áo dài và quý trọng áo dài, bởi vì vẻ đẹp thẩm mỹ nhân bản tôn vinh vóc dáng con người Việt Nam của nó. Vậy sự thuyết phục nằm ở những điểm thẩm mỹ và nhân cách cao quý, cho nên đẹp dính liền với đạo đức, phong cách. Tôi rất ủng hộ chủ trương của tỉnh, Sở văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế phục hồi giá trị và chỗ đứng của áo dài trong phong cách ăn mặc cho người Việt. Và tôi cũng rất mong có sự chuẩn bị tâm lý cho người thưởng thức, nhất là giới trẻ, bởi vì một món ăn ngon cần được thưởng thức để thấm thía, không thể dồn thức ăn một lần nhiều quá, người thưởng thức sẽ bị bội thực. Kết quả tất nhiên sẽ là thái độ từ chối, phản đối chính chiếc áo dài”, bà Thái Kim Lan nói.
Áo ngũ thân được người xưa sử dụng trong mọi hoạt động
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hải cho biết, marathon là môn thể thao có tính đại chúng rất cao, mọi người dân không phân biệt giới tính, sắc tộc, tôn giáo... đều có thể tham gia, miễn là đủ sức khỏe. Nhưng đây cũng là bộ môn đòi hỏi sức bền, ý chí phấn đấu, sức chịu đựng nên thực sự là một thử thách không nhỏ với những người tham dự.
“Do không quy định bắt buộc về trang phục thi đấu nên các VĐV có thể tùy chọn cho mình một bộ đồ mà họ ưng ý nhất, miễn là không vi phạm các quy định về pháp luật và đạo đức. Vì vậy, lựa chọn trang phục thi đấu còn thể hiện ý chí, nguyện vọng, sở thích, tình yêu của VĐV”, ông Hải cho hay.
VĐV thi đấu tại giải Heritage marathon ở Hà Nội năm 2018. 
Có một số ý kiến cho rằng, áo dài là quốc phục nên cần mang vào các dịp trang nghiệm, quan trọng, chứ không phải mặc khi thi đấu thể thao, điều đó sẽ ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục.
Về vấn đề trên, ông Phan Thanh Hải cho rằng: “Áo ngũ thân dành cho cả nam và nữ là thường phục chứ không phải là “tế phục”, “lễ phục”, nên được người xưa sử dụng trong mọi hoạt động, kể cả trong lao động sản xuất. Khoảng thập niên 1970 trở về trước, ở Huế người ta có thể gặp bộ trang phục này mọi nơi, mọi đối tượng, nhất là phụ nữ, từ cô giáo, học sinh, tiểu thương ngoài chợ, ngay cả bà bán bún gánh, bán chè, bán đậu hũ đến cô chèo đò ngang sông Hương... Hầu như ai cũng mặc áo dài, trong đó phổ biến là áo ngũ thân.
Vì vậy, việc một số VĐV mặc áo ngũ thân tham gia chạy marathon hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến thuần phong mỹ tục, hay ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của Huế, vùng đất của văn hóa, di sản. Trái lại, có thể xem đây là một cách thể nghiệm rất thú vị, để có thể hiểu thêm ông bà chúng ta khi xưa họ mặc bộ trang phục ấy khi lao động vất vả thì sẽ có cảm giác ra sao”.
Trang phục thi đấu hết sức ấn tượng của các cuộc thi marathon trên thế giới.
Và thực ra, trước Huế, các giải marathon được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quy Nhơn…trong những năm 2016-2020 cũng đã có không ít VĐV mặc áo dài tham gia, họ xem đó như một sự thể hiện tình yêu của bản than đối với chiếc áo dài.
Trên đường chạy marathon trên thế giới, không hiếm khi chúng ta nhìn thấy hình ảnh các VĐV mặc nguyên bộ com lê xách cặp như đi làm, các cô mặc kimono, yukata truyền thống, siêu nhân ultraman.