Mảng tối Youtube: Môi trường độc hại cho trẻ em

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bê bối về clip "Xin vía học giỏi" của Youtuber Thơ Nguyễn khiến dư luận phẫn nộ và một lần nữa cho thấy mặt trái của mạng xã hội, của những nội dung giải trí phản cảm, đầu độc trẻ em.

Youtuber sản xuất nội dung phản cảm
YouTube từ lâu đã trở thành mảnh đất màu mỡ giúp một số người làm nội dung giàu lên nhanh chóng đi kèm sự nổi tiếng khắp cả nước. Nhưng mặt trái của nó đang khiến các YouTuber đi chệch hướng, ngày càng sa chân vào việc làm content xấu độc, vô bổ, góp phần định hướng suy nghĩ lệch lạc cho người trẻ dù dư luận đã nhiều lần lên án, tẩy chay dữ dội. Đáng buồn thay, hiện tượng này đang ‘lây lan’ nhanh bởi những YouTuber với hàng triệu subscribe.
 Clip bị chỉ trích của Thơ Nguyễn
Mới đây, cộng đồng mạng lại dậy sóng trước Thơ Nguyễn sau khi YouTuber này có hơn 8 triệu lượt theo dõi tung clip cho búp bê Kumanthong uống nước ngọt để “xin vía học giỏi” lên mạng xã hội TikTok trong hai ngày 25/2 và 27/2 mà theo YouTuber này cho biết nó bắt nguồn từ “yêu cầu của các em nhỏ”.
Video sau đó được tiếp tục đăng tải lên YouTube mà không bị kiểm duyệt. Điều này dấy lên một hồi chuông cảnh báo đến các bậc phụ huynh có con nhỏ thường xuyên lên YouTube để xem video, dù đó là kênh dành cho thiếu nhi.
Mới đây, Cục Phát Thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử, hiện Cục đang phối hợp với lực lượng Công an mời chủ kênh Thơ Nguyễn lên làm việc do có dấu hiệu vi phạm truyền bá mê tín dị đoan như tuyên truyền bùa ngải, búp bê Kumanthong, sau đó sẽ xử lý theo quy định.Tuy nhiên, hiện vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức từ chủ kênh này.
Đáng chú ý, Thơ Nguyễn không phải là kênh duy nhất xuất hiện các nội dung phản cảm hoặc nhảm nhí trên mạng xã hội video lớn nhất thế giới này trong thời gian qua. Còn nhớ trò chơi “Thử thách Momo” có nội dung độc hại, thậm chí cả hướng dẫn trẻ tự sát bất ngờ lọt vào “YouTube Kids”.
Hay như kênh Peppa Pig được xét duyệt lên YouTube Kids với những nhân vật dạng hoạt hình dạy trẻ cách tự tử hay hành xử bạo lực…. Điều này đã đặt ra nghi vấn về nguyên nhân khiến một số trẻ ở trên thế giới hoặc thậm chí là tại Việt Nam qua đời vì tự tử trong thời gian qua.
Chưa dừng lại ở đó, chắc hẳn nhiều người còn nhớ đến YouTuber Hưng Vlog, con trai Bà Tân Vlog. Kênh YouTube hàng triệu người theo dõi này bị phát hiện đăng tải rất nhiều clip nhảm và bị cơ quan chức năng “sờ gáy”. Không lâu sau khi tung clip phản cảm “nấu cháo gà nguyên lông” và bị phạt 7,5 triệu đồng, Hưng tiếp tục tạo ra video có thể gây hại cho trẻ như “troll lấy cắp tiền, đập bể heo đất của em gái, em trai đi ăn chơi...”.
Cần biện pháp mạnh tay
Liên quan đến vấn đề này, một chuyên gia xã hội học cảnh báo, trường hợp của Youtuber Thơ Nguyễn chỉ là một trong rất nhiều kênh sản xuất nội dung phản cảm bị phát hiện và lên án, bởi đây là kênh Youtube dành cho các em nhỏ nên hành vi có dấu hiệu tuyên truyền mê tín dị đoan lại càng trở nên nguy hiểm hơn.
Vị này cho rằng, tỷ lệ người dùng mạng xã hội hiện nay chủ yếu là giới trẻ, trong đó có phần nhiều là trẻ em, đây là đối tượng rất dễ bị các thông tin trên mạng tác động tâm lý và ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách.
Do đó, cơ quan chức năng cần phải có những biện pháp mạnh hơn nữa để kiểm soát nội dung thông tin đăng tải trên mạng và xử lý nghiêm, kịp thời những trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật để giúp cho mạng xã hội trở nên lành mạnh, tích cực hơn đối với cộng đồng.
Theo luật sư Vũ Văn Biên, Giám đốc Công ty Luật TNHH An Phước, nếu chỉ căn cứ vào căn cứ khoản 3 Điều 4 và điểm b khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, trường hợp này YouTuber Thơ Nguyễn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng về hành vi cung cấp thông tin mê tín, dị đoan lên mạng xã hội; đồng thời theo khoản 3 Điều 101, buộc phải gỡ bỏ video sai phạm này.
Ngoài ra, Hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc sẽ bị phạt từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.
"Tôi cho rằng, so với mức lợi nhuận khủng mà Youtuber Thơ Nguyến kiếm được nếu xử phạt hành chính sẽ chưa đủ sức răn đe. Cần có biện pháp mạnh tay để xử phạt. Trong trường hợp có thể xác định nội dung mà Youtuber Thơ Nguyên truyền bá văn hóa phẩm độc hải ảnh hưởng đến hàng chục triệu cháu thì có thể xem xét xử lý hình sự", Luật sư Biên nhấn mạnh.