Mạnh tay trị việc trốn lên sàn

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến nay, các DN Nhà nước (DNNN) sau cổ phần hóa (CPH) chậm lên sàn vẫn ở con số khá cao.

Việc DN chây ì đưa cổ phiếu lên sàn đã gây nhiều hệ lụy, khiến công tác đấu giá cổ phần của DNNN trở nên kém hấp dẫn, giá đấu thành công thấp, ảnh hưởng đến nguồn thu của ngân sách.

Gần 400 doanh nghiệp chậm lên sàn

Theo quy định, trong thời gian 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, DN CPH phải hoàn tất thủ tục đăng ký công ty đại chúng, đăng ký lưu ký cổ phần, cổ phiếu tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom. Tuy nhiên, thực tế, việc đăng ký giao dịch CP còn hạn chế.

Nhập thông tin trái phiếu của doanh nghiệp vào hệ thống đấu giá tại Sàn giao dịch

Chứng khoán Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Báo cáo của Cục Tài chính DN - Bộ Tài chính, đến gần cuối tháng 12/2016, vẫn còn gần 400 DNNN đã CPH nhưng chưa đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường tập trung. Theo ông Phạm Hải An - Phó Trưởng phòng Đổi mới, sắp xếp và Phát triển DN - Cục Tài chính DN, việc chậm lên sàn đã gây nhiều hệ lụy tiêu cực dẫn đến việc nhà đầu tư mua cổ phần của các DN qua thị trường tự do (OTC) do không có kênh chuyển nhượng chính thức, làm phát sinh nhiều vi phạm, tranh chấp. Ông Phạm Hải An cho biết, thời gian qua, thị trường phát sinh rất nhiều tranh chấp liên quan đến chuyển nhượng cổ phiếu đang trong thời gian hạn chế chuyển nhượng.

Quan trọng hơn, việc DN chậm đưa cổ phiếu lên sàn cũng khiến cho việc đấu giá cổ phần của DNNN CPH trở nên kém hấp dẫn, giá đấu thành công thấp, ảnh hưởng đến nguồn thu của ngân sách Nhà nước.

Trốn niêm yết bị phạt nặng

Nhằm hạn chế tình trạng DN chây ì, né tránh niêm yết, đăng ký giao dịch, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 115/2016/TT-BTC, có hiệu lực từ ngày 1/11/2016. Theo đó, khi đăng ký đấu giá cổ phần qua Sở Giao dịch chứng khoán, DN CPH phải đăng ký luôn số lượng cổ phần đăng ký lưu ký và đăng ký trên sàn Upcom. Sau 20 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần qua đấu giá, nhà đầu tư mua cổ phần qua đấu giá đã có thể giao dịch cổ phần trên thị trường Upcom.

Ngoài ra, một nhóm giải pháp nữa đã được các cơ quan chức năng đưa ra là tạo sức ép buộc DN phải đưa cổ phiếu lên sàn. Đó là Nghị định 145/2016/NĐ - CP sửa đổi Nghị định 108/2013/NĐ - CP, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/12 về xử phạt vi phạm thời hạn về đưa cổ phiếu lên sàn. Nghị định này bổ sung, sửa đổi một số điều và tăng chế tài xử lý vi phạm, sẽ thúc đẩy DN CPH thực hiện nghĩa vụ niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung. Qua đó hỗ trợ thúc đẩy thực hiện quá trình CPH, tăng hiệu quả hoạt động, nâng cao tính minh bạch, quản trị của DN. Cụ thể, mức phạt vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán cơ bản giữ nguyên như trong Nghị định 108, cao nhất là 2 tỷ đồng với tổ chức và 1 tỷ đồng với cá nhân. Bên cạnh đó, Nghị định này điều chỉnh một số nội dung xử lý hành vi vi phạm gồm: Với hành vi không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán không đúng quy định bị phạt thấp nhất từ 10 - 30 triệu đồng nếu chậm một tháng, cao nhất là 300 - 400 triệu đồng nếu chậm hơn một năm. Đối với hành vi không đưa chứng khoán đã chào bán ra công chúng và giao dịch trên thị trường có tổ chức, trong thời hạn một năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, sẽ bị phạt từ 100 - 150 triệu đồng. “Thực ra, các quy định đưa ra không phải nhằm xử phạt DN, mà điều quan trọng là nhằm nâng cao ý thức tự tuân thủ của DN. Chỉ khi cố tình vi phạm mới phải áp dụng chế tài để đảm bảo tính răn đe. Mức xử phạt các DN vi phạm quy định về chậm đưa cổ phiếu lên sàn rất cao, tùy theo thời gian vi phạm dài hay ngắn” - bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Chánh thanh tra - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nói.