Mạnh tay với “con nghiện ôm vô lăng”

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa đưa ra đề xuất tăng cường chế tài xử phạt với hành vi vi phạm giao thông đường bộ. Đặc biệt với một số hành vi liên quan đến những trường hợp tài xế sử dụng rượu bia, ma túy, chất kích thích khi điều khiển phương tiện.

 Công an TP Hồ Chí Minh kiểm tra hành chính, test ma túy các tài xế xe container vào cụm cảng trên địa bàn phường Trường Thọ tháng 1/2019.
Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên một đơn vị trong ngành giao thông vận tải có những kiến nghị, đề xuất với nội dung tương tự. Còn nhớ, cách đây không lâu, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã gây xôn xao dư luận khi nêu quan điểm, những tài xế gây tai nạn nghiêm trọng có thể bị xem xét tước giấy phép lái xe (GPLX) vĩnh viễn. Hoặc gần đây nhất, cũng chính Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, những trường hợp mất GPLX bắt buộc phải thi sát hạch lại mới được cấp lại bằng thay vì được cấp thay thế như cách làm hiện nay đang áp dụng.
Những ý kiến của Bộ trưởng Bộ GTVT mặc dù ít nhiều đã gây ý kiến trái chiều, đặc biệt là đề xuất mất bằng lái phải thi lại. Nhiều chuyên gia đánh giá, phát biểu của người đứng đầu ngành GTVT không nhận được sự đồng thuận cao bởi được đưa ra tương đối nóng vội, chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng. Dẫu vậy, chính sự nóng vội của Bộ trưởng Bộ GTVT đã cho thấy sự quan ngại, lo lắng của đơn vị đầu ngành này đối với tình trạng tai nạn giao thông (TNGT) đang diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp trong khoảng thời gian từ cuối năm 2018 đến nay. Rất nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra mà nguyên nhân được xác định là do tài xế sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn và thậm chí là ma túy.
Nếu nói rằng chế tài hiện nay còn quá nhẹ hay chưa đủ sức răn đe sẽ là phiến diện, thiếu khách quan và mang tính quy chụp. Thế nhưng, thẳng thắn mà nói, chế tài trong một số trường hợp vi phạm hiện đã bộc lộ sự lạc hậu và cần phải sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới. Điển hình nhất là chế tài xử phạt đối với trường hợp tài xế sử dụng rượu bia, ma túy khi điều khiến phương tiện. Bởi, thực tế vấn nạn "con nghiện ôm vô lăng" đang diễn biến ngày càng phức tạp và trở thành mối nguy hại lớn nhất đe dọa tính mạng của tất cả mọi người khi tham gia giao thông. Chỉ cần nhìn vào hiện trường vụ container đâm hàng loạt xe máy ở Long An hay vụ ô tô đâm chết 8 người ở Hải Dương xảy ra vào đầu năm 2019 cũng đủ thấy hậu quả của những vụ TNGT do con nghiện cầm lái khủng khiếp đến cỡ nào.
Trở lại với đề xuất của bà Hoàng Hồng Hạnh – Vụ phó Vụ Pháp chế, thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Theo bà Hạnh, thời gian gần đây, tình trạng sử dụng rượu bia, ma tuý khi điều khiển phương tiện tăng cao nhưng hiện mức phạt tối đa với đường bộ chỉ 40 triệu đồng với cá nhân, còn thấp hơn mức phạt trong lĩnh vực đường sắt, đường thuỷ, trong khi mức độ nguy hiểm không kém hơn. Do đó, cần sửa đổi Nghị định 46 theo hướng tăng mức phạt với người vi phạm trong lĩnh vực đường bộ lên tối đa 80 triệu đồng và tăng thời gian tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, có thể tước quyền sử dụng giấy phép lái xe vĩnh viễn với một số vi phạm hành trình trong đường bộ có mức độ, tính chất đặc biệt nguy hiểm.
Đề xuất này có lẽ mới chỉ dừng ở mức tham khảo và sẽ cần phải được nghiên cứu rất kỹ trước khi áp dụng. Nhưng thiết nghĩ, đã đến lúc những nhà soạn thảo luật cần có những bước đi mạnh dạn hơn, mạnh tay hơn để sớm bổ sung những chế tài đủ sức nặng để trấn áp và khắc chế các trường hợp vi phạm, đặc biệt với vấn nạn sử dụng rượu bia, ma túy trong đội ngũ lái xe.