Mất mùa vì “chưa mưa đã ngập”

Bài, ảnh: Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần 10 năm qua, người nông dân xã Tân Lập, huyện Đan Phượng dường như đã quá quen với việc năng suất cây trồng vụ Mùa đạt không cao. Nguyên nhân là bởi tình trạng úng ngập thường xuyên xảy ra mỗi khi mùa mưa đến.

Sau đợt mưa lớn kéo dài nhiều ngày tháng 7, 8/2017, cả xứ đồng Lầy thuộc cụm 8, xã Tân Lập ngập trong nước. Hàng chục héc ta cây trồng, chủ yếu là lúa của bà con cũng bị  nhấn chìm. Một số nông dân ngậm ngùi cho biết, sau vài đợt mưa lớn những tháng Hè vừa qua, nhiều diện tích lúa mới cấy bị ngã, đổ. Số khác bị thối rễ, phải gieo cấy thay thế, hoặc chấp nhận… mất trắng.
Theo thống kê, toàn xã Tân Lập hiện có khoảng 200ha đất canh tác nông nghiệp. Trong đó có trên 100ha đất trồng lúa 2 vụ. Tuy nhiên, cây lúa chỉ bảo đảm cho năng suất khá vào vụ Đông Xuân. Ngược lại, vào vụ Mùa thì thường xuyên bị thất thu. Điều này ảnh hưởng lớn tới nguồn thu nhập và cuộc sống của một bộ phận không nhỏ người nông dân địa phương vốn vẫn phải trông nhiều vào cây lúa để bảo đảm cuộc sống.

Nhiều diện tích lúa Mùa thuộc xã Tân Lập, huyện Đan Phượng bị úng ngập do mưa lớn trong tháng 7 và 8/2017.

Theo Chủ tịch UBND xã Tân Lập Nguyễn Hữu Quy, nguyên nhân của tình trạng úng ngập khi có mưa lớn là do địa phương nằm trong vùng quy hoạch đường Vành đai 4. Theo nội dung quy hoạch này, định hướng từ nay đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030, xã Tân Lập  sẽ phát triển thành đô thị vệ tinh. Điều này cũng đồng nghĩa với việc xã Tân Lập không được bố trí nguồn vốn ngân sách TP hàng năm phục vụ công tác đầu tư, xây dựng, nâng cấp hệ thống kênh mương, thủy lợi nội đồng trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Thực tế hiện nay, diện tích canh tác của bà con nông dân xã Tân Lập vẫn trông vào nguồn nước tưới, tiêu từ hệ thống thủy lợi đã và đang ngày một xuống cấp nghiêm trọng. Cũng theo ông Quy, toàn xã Tân Lập hiện không có bất cứ trạm bơm tưới, tiêu, cấp thoát nước nào. Bên cạnh việc không được đầu tư nâng cấp hệ thống kênh mương thủy lợi do nằm trong quy hoạch đô thị, Tân Lập cũng không được cấp kinh phí để tu sửa, nạo vét kênh mương thủy lợi hàng năm. Chính những việc này đã kéo theo hệ lụy là toàn bộ diện tích canh tác của người dân Tân Lập hiện nay hầu như không có nước tưới, tiêu. Thế nên, những diện tích nông nghiệp khi người dân sản xuất sẽ gặp cảnh "chưa mưa đã úng, chưa nắng đã hạn" và kết quả là năng suất bấp bênh.  
Được biết, xã Tân Lập là một trong những địa phương đầu tiên của huyện Đan Phượng được UBND TP Hà Nội công nhận “Xã đạt chuẩn nông thôn mới” giai đoạn 2011 - 2015. Thống kê kinh tế - xã hội cho thấy, sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Cùng với đó, thu nhập bình quân đầu người cũng mới chỉ đạt ở mức khá khiêm tốn. Nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, tiếp tục nâng cao thu nhập cho người nông dân theo định hướng xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, ông Quy cho biết, những năm qua, địa phương đang từng bước chuyển đổi 100ha đất nông nghiệp sang trồng hoa và nuôi trồng thủy sản. Thực tế với 100ha sau chuyển đổi, hiệu quả kinh tế đạt được là khá tốt. Tuy nhiên, đối với 100ha trồng lúa hiện thời, việc chuyển đổi gặp nhiều khó khăn hơn. Nguyên nhân chủ yếu là do địa phương vẫn đang loay hoay chưa tìm ra giải pháp nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của tình trạng úng ngập của diện tích. Điều đó cũng đồng nghĩa, một bộ phận không nhỏ người nông dân xã Tân Lập sẽ tiếp tục phải “đánh cược với ông trời”, cũng như đối diện với nguy cơ tiếp tục thất thu vụ Mùa hàng năm.