Mẹ nghèo...

Ái Châu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ở quê tôi phụ nữ lớn tuổi đa phần đều nghèo và hình như bà cụ Phong cũng không ngoại lệ. Ở tuổi ngoại thất tuần, nguồn thu nhập chính của bà chỉ là con gà, mớ rau trong vườn.

Nếu không chịu khó, bà lão này cũng chẳng kiếm đâu tiền sinh hoạt hằng ngày, bởi cái vòng luẩn quẩn, bố mẹ nghèo - con cái cũng khó khăn…

Gia đình bà Phong có 4 đứa con, 2 gái - 2 trai. Chồng bà Phong đã mất khi bà mới chạm ngưỡng 40. Lúc ấy với nhan sắc của bà, đàn ông trong vùng nhiều người cũng muốn nhắm đến. Tuy nhiên khi biết bà Phong có tận 4 đứa con, chẳng ông nào dám tiến xa hơn bởi ở cái thời “củi quế, gạo châu”, thêm một miệng ăn đã đổ đom đóm mắt, huống chi nhà bà Phong có tới 5 cái tàu há mồm!

Vậy là bà ở giá, lần hồi một mình nuôi con. Người xưa thường nói “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, nhưng với hoàn cảnh của bà Phong, “voi” thì đông đấy, nhưng “cỏ” thì trời có sinh ra cũng chẳng kịp. Ngót hai chục năm trời, 5 mẹ con nhà bà Phong cứ “dẹo dọ” bám lấy mấy gian nhà gianh cũ mà lần hồi nuôi nhau. Thời gian cứ thế trôi đi, những đứa con bà Phong cũng trưởng thành. Đến khi cậu con trai út lấy vợ, sức khỏe của bà sa sút lắm, bà không thể cấy hái được mấy sào ruộng ngoài đồng nữa.

Ở nông thôn một khi hạt gạo không còn tự túc được nữa, thì tiền trong nhà làm gì mà còn. Trước đây ruộng đất cứ hở ra là có người thuê mướn, nhưng ngày nay, có cho không cũng chẳng ai buồn làm. Dù rất muốn giữ lại mấy sào ruộng, nhưng cực chẳng đã, bà Phong đành bấm bụng bán đi lấy mấy chục triệu đồng.

Thói đời “tiền vào nhà khó, như gió vào nhà trống”, chẳng mấy hồi số tiền bán ruộng cũng hết. Lúc này bà chỉ còn biết bám vào mảnh vườn, hằng ngày dùng chút lực tàn mà “gãi”. Mùa nào rau nấy, cộng thêm con gà, con ngan, cứ thế thân già lần lữa tự nuôi mình.

Dân gian thường nói “trẻ cậy cha, già cậy con”, vậy nhưng bà Phong không nhờ được bất kỳ đứa nào trong số trai, gái, dâu rể. Nguyên nhân cũng xuất phát từ cái nghèo. Đứa con trai cả của bà sau khi xoay đủ nghề vẫn không thoát khỏi sự nghèo đói, nên vợ chồng y đã bồng bế vào mạn đất đỏ trong Nam lập nghiệp. Nhưng “chạy trời không khỏi nắng”, vào kinh tế mới được mấy năm, do lạ nước lạ cái, cô vợ cứ lăn ra ốm. Và sau khi đã bán hết những gì bán được, thị bỏ chồng con ra đi mãi mãi.

Mất vợ tuổi mới 40, vài năm sau anh con trai cả của bà Phong cũng phải tái giá. Và chỉ sau vài năm, chị vợ kế đã cho ra lò thêm 2 đứa trẻ, thế là “quân số” gia đình lại tăng thêm. Nhà nghèo lại đông con, nên dẫu rất thương, nhưng đứa con trai không thể giúp gì được mẹ.

Ngay cả lúc bà ốm tưởng chết, vậy mà nó cũng chẳng có tiền mua vé về thăm. Hai đứa con gái tuy lấy chồng làng, nhưng cũng vì nghèo nên chưa xong bữa sáng, đã lo bữa chiều…

Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời - gần đây đứa con trai út của bà Phong bắt đầu khấm khá. Nghề lắp đường ống nước tuy vất vả, nhưng cho thu nhập bằng mấy làm nông. Nhờ chịu khó và tinh việc, lâu dần cu cậu đã có trong tay một tốp thợ trên chục người. Dần dần nó đã nhận được những công việc giá trị cả trăm triệu. Có đồng ra đồng vào, nhưng hình như cái đói đã làm cu cậu… sáng mắt, chính vì vậy nó hà tiện hết sức. Ốm nhẹ vẫn cố đi làm, cơm cốt đủ no, áo quần vài năm mới được mua sắm. Với cái tính của đứa con như vậy, bà Phong cũng chẳng xơ múi được gì!

Gần đây bốn bên hàng xóm nhà bà Phong đều chỉnh trang nhà cửa, họ tôn nền, nâng ngõ, điều này khiến mảnh vườn - vốn là nguồn thu của bà Phong đứng trước nguy cơ trở thành cái ao. Trước tình hình nguy cấp ấy, bà Phong ngỏ ý muốn vợ chồng thằng út giúp ít tiền để bàn nâng cao mảnh vườn. Vì theo ý bà, một khi trăm tuổi, mảnh vườn cũng để lại cho nó. Mới nghe nói đến chuyện tiền, thằng con út như đỉa phải vôi, nó viện ra đủ lý do để từ chối đề xuất của mẹ…

Mấy hôm vừa rồi, do ảnh hưởng của bão, trời mưa như trút nước, đúng như tiên đoán của bà lão, vườn rau của bà đã chính thức trở thành cái ao. Thế là việc xới xáo trồng trọt của bà mấy tháng trước đó trở thành công cốc. Hai hôm nay người làng thấy bà Phong ra chợ tìm mua giống cần, giống muống, đắp cống thoát của mảnh vườn. Hình như bà đang tìm cách sản xuất để… thích ứng với biến đổi khí hậu!