“Mềm hóa” chương trình đào tạo nghề

Thủy Trúc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tư quy định liên kết tổ chức đào tạo của Bộ LĐTB&XH khuyến khích trường nghề đẩy mạnh hợp tác với DN.

Tuy nhiên, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề (CĐN) Công nghiệp Hà Nội Bùi Chính Minh cho rằng, rất cần cơ chế bảo đảm hài hòa để hai bên cùng có lợi.

Thưa ông, hoạt động kết nối với DN được nhà trường thực hiện như thế nào và thông tư liên kết đào tạo mới sẽ tạo thuận lợi cho trường nghề ra sao?

- Hợp tác với DN đã được các trường nghề, trong đó có CĐN Công nghiệp Hà Nội thực hiện từ nhiều năm về xây dựng chương trình đào tạo; đưa học sinh, sinh viên (HS, SV) đến thực tập tốt nghiệp. Những năm gần đây, hoạt động này được đẩy mạnh hơn do nhu cầu đào tạo phải đạt chất lượng như mong muốn của DN. Để nâng cao chất lượng thực tập cho người học, chúng tôi tìm những DN có cơ sở vật chất tốt, thiết bị máy móc phù hợp với chuyên môn của từng nghề đào tạo. Không những thế, nhà trường còn tổ chức cho HS, SV đang học cuối năm thứ nhất và đầu năm hai đến DN FDI từ 1 – 2 tháng để trải nghiệm tác phong công nghiệp và ý thức người lao động. Năm nay, chúng tôi bắt đầu đẩy mạnh gắn kết với DN bằng việc đưa HS, SV đến DN để đào tạo. Từ những hoạt động phối hợp với DN, tôi thấy thông tư quy định về liên kết đào tạo ra đời mang tính pháp nhân để các trường đẩy mạnh mối quan hệ, nhất là liên kết đưa người học đến DN để đào tạo nhằm trang bị kỹ năng tay nghề.

Trong hoạt động liên kết, DN phải đảm bảo 40% chương trình đào tạo, theo ông liệu có khả thi?

- Nếu chúng ta làm được điều này sẽ rất tốt nhưng phải có thời gian, vì nội dung chương trình nhà trường mang đến DN không phải lúc nào họ cũng cần. Ở nước ngoài, mô hình DN lớn nên trường nghề có thể ký liên kết vài tháng trong năm để đưa HS, SV đến đào tạo. Tại Việt Nam, với đặc điểm DN nhỏ và vừa, chúng tôi chỉ làm được từ 1 – 3 tháng nhưng chỉ áp dụng được với một số nghề như: Điện công nghiệp, hàn. Để làm được điều này, nhà trường phải “mềm hóa” chương trình đào tạo cho phù hợp với yêu cầu DN.

Theo Tổ chức Lao động quốc tế, từ khi HS, SV tốt nghiệp đến lúc tìm được việc làm phải mất 3 - 6 tháng. Vậy, khi nhà trường liên kết đào tạo với DN, thời gian tìm việc của người học có được rút ngắn?

- Nếu chúng ta thực hiện được 40% thời gian đào tạo nghề tại DN, chắc chắn những người học sẽ có cơ hội việc làm tốt hơn và là nguồn nhân lực có chất lượng cho DN. Tất nhiên, DN sẽ tuyển dụng khi có nhu cầu và thời gian đi tìm việc sẽ được rút ngắn. Qua khảo sát, 70% HS, SV tốt nghiệp của trường CĐN Công nghiệp Hà Nội có việc làm đúng nghề trong 3 tháng đầu. Một số nghề có tỷ lệ việc làm rất cao ngay khi người học ra trường như điện công nghiệp 80%; cơ khí, hàn 90%.

Nhiều ý kiến cho rằng, dù có Thông tư, việc liên kết nhà trường – DN cũng khó mang lại hiệu quả như mong muốn, vì DN chưa thật sự thấy lợi ích kinh tế?

- Vài năm nay, chúng tôi thực hiện liên kết đào tạo tại DN mang lại hiệu quả rất tốt nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Đa số các DN của mình là nhỏ và vừa nên thiếu kế hoạch sản xuất trung và dài hạn. Bởi vậy, việc lồng ghép đưa HS, SV đến DN học cũng phải hết sức mềm dẻo và theo DN. Một khó khăn nữa, khi ra DN đào tạo, HS, SV sẽ có lợi nhưng nhà trường phải chấp nhận đưa nội dung ngoài phần đào tạo vào nhằm đáp ứng lợi ích của DN. Những khó khăn này, đòi hỏi sự cố gắng của hai bên nhưng rất cần Nhà nước có cơ chế bảo đảm hài hòa, chẳng hạn lợi ích về kinh tế thì DN mới nhiệt tình phối hợp.

Xin cảm ơn ông!