Minh bạch công tác cán bộ ngay từ đầu

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nắm trong tay khối tài sản khoảng 5 triệu tỷ đồng, việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện để đầu tư và kinh doanh của DN có hiệu quả hơn trước, có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao hơn, đóng góp vào ngân sách Nhà nước nhiều hơn.

Theo các chuyên gia, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước sẽ góp phần giảm thiểu được xung đột lợi ích ở các bộ. Tuy nhiên, vấn đề được quan tâm hiện nay là làm sao để “siêu ủy ban” này hoạt động hiệu quả?
 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp của Uỷ ban quản lý vốn nhà nước sáng 12/3.
Dự kiến có 30 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước nằm dưới sự quản lý của ủy ban này, bao gồm 9 tập đoàn (trừ Tập đoàn Viettel) và 21 tổng công ty Nhà nước.

Điều đó có nghĩa, các bộ, ngành sau này sẽ chuyên tâm cho hoạt động quản lý Nhà nước, và thực hiện việc này một cách bình đẳng, không còn những đặc quyền, đặc lợi. Trong khi đó dù Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước được tổ chức dưới hình thái nào cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ trong việc đảm bảo các nguyên tắc giảm thiểu rủi ro, minh bạch, giám sát, năng lực, chuyên nghiệp...

Nhiệm vụ nặng nề hơn, thách thức lớn hơn, yêu cầu cao hơn cũng đòi hỏi ngay công tác cán bộ phải được quan tâm, coi trọng mới tạo hiệu quả tích cực. Theo đó, cơ cấu tổ chức, bộ máy phải tinh gọn, hiệu quả; đội ngũ công chức chuyên nghiệp có trình độ chuyên môn cao. Việc lựa chọn công chức của Ủy ban cần được thực hiện dựa trên nhu cầu của từng công việc, bảo đảm tiêu chuẩn về đạo đức, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp... bằng cách thi tuyển được tổ chức nghiêm túc bởi Hội đồng tuyển chọn gồm các chuyên gia giỏi.

Bên cạnh đó, ngay từ đầu, Ủy ban cần xây dựng Quy tắc ứng xử của công chức theo hướng của Chính phủ kiến tạo và hành động, sẵn sàng hỗ trợ và hợp tác trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; coi trọng việc bồi dưỡng công chức; kiên quyết loại bỏ những công chức không đáp ứng yêu cầu về đạo đức và trình độ chuyên môn.

Vì thế, tại cuộc họp nghe báo cáo việc xây dựng Nghị định của Chính phủ về cơ cấu, nhiệm vụ của Ủy ban này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu, các Bộ phải “gạn đục khơi trong” để tìm người vì thành hay bại đều từ công tác cán bộ mà ra. Danh sách cán bộ phải cụ thể, chi tiết về tên tuổi, nghiệp vụ, năng lực. “Làm minh bạch ngay từ đầu” trong công tác cán bộ có lẽ là câu chuyện không bao giờ cũ để đạt hiệu quả như mong muốn, đặc biệt với các vị trí yêu cầu cao về mặt đạo đức, trình độ khi quản lý hàng triệu tỷ đồng tiền vốn Nhà nước như “siêu Ủy ban” này.