Minh bạch để cứu cà phê sạch

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước thực trạng cà phê giả, cà phê bẩn tràn lan trên thị trường hiện nay, chiều 25/7, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (NTD) Việt Nam (Vinastas) đã tổ chức chương trình ký cam kết giữa các bộ, ban, ngành và một số DN sản xuất cà phê về minh bạch trong sản xuất và kinh doanh cà phê, bảo vệ NTD.

2 DN đầu tiên ký vào bản cam kết là VinaCafé, Nestlé cà phê.

Công bố rõ tỷ lệ pha trộn

Sau công bố mới đây của Vinastas về tình trạng hơn 30% cà phê trên thị trường không có caffein, nhiều NTD tỏ ra nghi ngờ với những cốc cà phê hàng ngày vẫn uống. Anh Đặng Văn Nam (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, dù biết trên thị trường tồn tại nhiều cà phê giả, cà phê bẩn nhưng anh cũng chỉ nghĩ đấy là cà phê trộn chứ không nghĩ rằng lại hoàn toàn không có cà phê. Anh Nam băn khoăn, cà phê giả mà khi pha vẫn có mùi vị, màu sắc và độ sánh của cà phê thật thì có khi trộn rất nhiều chất phụ gia thực phẩm mà chẳng ai biết đó là chất gì. Băn khoăn của anh Nam là có cơ sở, bởi lẽ, theo ông Phùng Hữu Hào – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), qua thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất cà phê vẫn có nhiều cơ sở sử dụng chất phụ gia đựng trong các xô thùng không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tình trạng này xuất hiện chủ yếu tại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, mánh mún.
Đại diện các bộ, ban, ngành ký ủng hộ chương trình minh bạch trong sản xuất và kinh doanh cà phê.
Đại diện các bộ, ban, ngành ký ủng hộ chương trình minh bạch trong sản xuất và kinh doanh cà phê.
Ông Hào cho biết thêm, các nhà sản xuất cà phê được phép sử dụng chất phụ gia thực phẩm và các chất độn như bột đậu nành, bột ngô hoặc các chất hỗ trợ chế biến. Tuy nhiên, các chất này phải nằm trong danh mục cho phép của Bộ Y tế. Trong sản xuất cà phê phải ưu tiên đảm bảo ATTP. Cùng với đó, thành phần và tỷ lệ trộn giữa cà phê và các chất trộn nên được công bố rõ ràng để NTD nắm rõ và lựa chọn. Bởi vẫn có người dị ứng với đậu nành hoặc ngô nên việc công bố rõ thành phần sẽ đảm bảo an toàn cho người sử dụng. “Công bố sản phẩm cà phê nguyên chất 100% trong khi chế biến vẫn sử dụng chất độn là lừa dối NTD và vi phạm Luật ATTP” - ông Hào nhấn mạnh.

Xây dựng tiêu chuẩn, thanh tra đột xuất    

Mặt hàng cà phê hiện nay đang có tới 3 bộ cùng quản lý: Bộ NN&PTNT quản lý cà phê rang, xay, cà phê bột; Bộ Công Thương quản lý cà phê chế biến sẵn đóng lon, chai; Bộ Y tế quản lý cà phê tại các cửa hàng. Trong khi đó, quy chuẩn cho sản phẩm cà phê hiện nay vẫn chưa có, nên chính các đơn vị cũng “loay hoay” trong quản lý. Đơn cử như theo quy định của Cục ATTP (Bộ Y tế), các sản phẩm chế biến bao gói sẵn phải có ghi chú công bố thành phần. Các DN sản xuất, kinh doanh cần có phiếu kiểm nghiệm và hồ sơ xác nhận phù hợp tiêu chuẩn để được công nhận. Tuy nhiên, để hoàn thành các thủ tục này lại cần phải có một quy chuẩn chung về chất lượng, thành phần.

Bên cạnh đó, đối với mặt hàng cà phê rang xay, cà phê do Bộ NN&PTNT quản lý, việc kiểm tra ngay tại cơ sở sản xuất là điều rất quan trọng. Theo ông Hào, để xảy ra tình trạng cà phê giả, cà phê lẫn lộn như hiện nay một phần vì lực lượng thanh tra còn mỏng. Đặc biệt, theo quy định, để thanh tra phải báo trước DN từ 5 - 7 ngày nên không đảm bảo tính khách quan. Vì vậy, trước thực trạng này, ông Hào cho rằng, ngoài việc hoàn thiện các văn bản pháp lý cần tăng cường hơn nữa thanh tra đột xuất đối với các cơ sở sản xuất và kinh doanh cà phê.

Trong khi các cơ quan chức năng vẫn còn đang từng bước kiện toàn cơ sở pháp lý và quy định trong quản lý cà phê, các chuyên gia khuyến cáo, NTD nên lựa chọn những mặt hàng cà phê rõ nguồn gốc, rõ thành phần công bố, nói “không” với cà phê dạo.