Minh bạch trong bố trí, xóa cơ chế xin – cho

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 11/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2010; Bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) giai đoạn 2012 - 2015 và dự thảo Luật Dự trữ quốc gia.

Điều hành linh hoạt

5 dự án mới được bổ sung giai đoạn này là Dự án xây dựng cầu Năm Căn (Cà Mau) 649 tỷ đồng; Dự án cầu Kim Xuyên (Tuyên Quang) 291 tỷ đồng; Dự án xây dựng nhà ở sinh viên Đại học Trà Vinh 320 tỷ đồng; Dự án Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng 221,9 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 5 dự án thành phần thuộc dự án đường ven biển tỉnh Ninh Thuận bổ sung với 935,873 tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh, kế hoạch vốn TPCP giai đoạn 2012 - 2015 về nguyên tắc không được phép bố trí vốn cho các dự án không thuộc danh mục quy định tại Nghị quyết 881/UBTVQH12 và 40 dự án được UBTVQH cho phép bổ sung trong năm 2011. Tuy nhiên, qua rà soát, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung 5 dự án mới mang tính cấp thiết và điều chỉnh tăng quy mô vốn đối với 4 dự án do Bộ Giao thông Vận tải quản lý. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định: "Việc bổ sung này không làm ảnh hưởng đến bất cứ công trình nào và cũng không làm phát sinh thêm nguồn vốn cần phân bổ. Số vốn này được lấy từ 13.000 tỷ đồng dự phòng trong nguồn vốn TPCP, tổng cả 5 dự án chỉ khoảng hơn 2.000 tỷ đồng. Nếu không bổ sung thì số vốn dự phòng nói trên cũng sẽ được đưa vào các hạng mục đầu tư khác của những nguồn vốn khác.

Đầu tư giao thông thất thoát nhiều

Theo quy định hiện hành, tổng mức đầu tư ban đầu của các công trình, dự án thuộc danh mục đầu tư từ nguồn vốn TPCP giai đoạn 2011- 2015 là 225.000 tỷ đồng, đã bố trí vốn năm 2011 là 45.000 tỷ đồng. Như vậy, giai đoạn 2012 - 2015 còn lại là 180.000 tỷ đồng, kế hoạch năm 2012 là 45.000 tỷ đồng. Nhiều ĐB cho rằng, cách phân bổ vốn thời gian qua dàn trải, không tập trung, thời gian dự án kéo rất dài nên các công trình đều dang dở. Đặc biệt là các dự án trong lĩnh vực giao thông. ĐB Trần Du Lịch (TP. HCM) kiến nghị nên có giám sát chuyên đề về đầu tư giao thông và qua giám sát, trả lời câu hỏi: Tại sao làm giao thông ở Việt Nam đắt mà chất lượng lại kém như vậy? "Đầu tư cho giao thông là cần thiết, nhưng cần thiết hơn là làm sao không để thất thoát, chất lượng tốt, không tiêu cực"-ông Lịch nói.

Đồng tình với ý kiến này, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng, hướng sắp tới cần đưa nguồn vốn TPCP vào cân đối ngân sách để tránh chạy chọt, xin - cho và cần có sự công khai, minh bạch và nguyên tắc thực hiện chặt chẽ. Ngoài ra, Chính phủ và Quốc hội nên nghiên cứu huy động vốn xây dựng cơ sở hạ tầng từ các nguồn khác, không phải từ ngân sách, như vậy sẽ hiệu quả hơn, chống thất thoát.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, trước kia, nguồn vốn TPCP được bố trí hàng năm và thường bố trí ít, sau đó, các địa phương "xin" thêm và như vậy, không tránh được tình trạng chạy chọt, xin - cho. Tuy nhiên, từ Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, Chính phủ thực hiện việc bố trí vốn ngân sách theo nguyên tắc "một cục" cho giai đoạn từ nay đến năm 2015 để các bộ, địa phương tự lựa chọn công trình bố trí vốn và phải tự chịu trách nhiệm. Đây là sự minh bạch trong bố trí vốn, chấm dứt việc chạy vốn, xóa cơ chế xin - cho. Ông Vinh hy vọng, Quốc hội sẽ tham gia giám sát và thanh tra việc này. /.