Minh chứng mới cho thấy châu Âu chưa thể "cai" khí đốt Nga

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một phân tích dữ liệu của Reuters cho thấy hơn 1/10 lượng khí đốt của Nga trước đây được vận chuyển bằng đường ống tới Liên minh châu Âu đã được thay thế bằng LNG.

Các chính phủ Tây Âu đã tìm cách giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Nga kể từ khi chiến tranh Ukraine bùng nổ. Tuy nhiên, khi châu Âu áp đặt các lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ vào tháng 2/2022, các quốc gia này chưa có động thái tương tự đối với khí đốt tự nhiên.

Xu hướng hiện nay cho thấy châu Âu đang ngày càng tiến tới thay thế nguồn cung cấp qua đường ống của nước này bằng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Một phân tích dữ liệu của Reuters ghi nhận hơn 1/10 lượng khí đốt của Nga trước đây được vận chuyển bằng đường ống tới Liên minh châu Âu đã được thay thế bằng LNG thông qua tuyến đường biển.

Trung tâm Xây dựng Siêu cơ sở Ngoài khơi của Novatek-Murmansk ở làng Belokamenka, Vùng Murmansk, Nga, ngày 20/7/2023. Ảnh: Reuters
Trung tâm Xây dựng Siêu cơ sở Ngoài khơi của Novatek-Murmansk ở làng Belokamenka, Vùng Murmansk, Nga, ngày 20/7/2023. Ảnh: Reuters

Các nguồn tin trong ngành và thương mại cho biết sự gia tăng này một phần là kết quả của xu hướng giảm giá. Nhà sản xuất tư nhân Nga Novatek năm ngoái đã chào hàng với mức giá thấp vào EU, trong khi Gazprom tăng xuất khẩu từ dự án Portovaya LNG mới, bù đắp cho việc giao hàng qua đường ống dẫn về phía Tây đang sụt giảm.

Theo số liệu thống kê của EU và tính toán của Reuters, sự gia tăng LNG đã đẩy tỷ trọng khí đốt của Nga trong nguồn cung của EU tăng trở lại khoảng 15%, sau khi nhập khẩu qua đường ống từ Gazprom vốn giảm kể từ chiến tranh, xuống 8,7% từ 37 % nguồn cung khí đốt của EU.

Theo công ty phân tích dữ liệu Kpler, Nga đã gửi hơn 15,6 triệu tấn LNG đến các cảng EU vào năm ngoái, tăng nhẹ so với năm 2022 và tăng 37,7% so với năm 2021.

Thay vào đó, Ủy ban Châu Âu đã kêu gọi tự nguyện loại trừ dần mọi nhiên liệu nhập khẩu của Nga vào năm 2027.

Tuy nhiên, việc chuyển từ đường ống sang nhập khẩu LNG tạo thêm chi phí môi trường đáng kể do cần có năng lượng để khí hóa, vận chuyển và tái hóa lỏng nhiên liệu. Việc này mâu thuẫn với mục tiêu của EU là đạt mức phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050.

Mặt khác, hồ sơ giao hàng chỉ hiển thị các điểm đến trước đó của hàng hóa chứ không hiển thị điểm cuối cùng. Như vậy, LNG cập bến Bỉ, Pháp, Tây Ban Nha và Hà Lan sẽ không mang nhãn hiệu Nga.

Vào cuối năm 2023, các nhà kinh doanh độc lập đã bán LNG của Nga tại thị trường Tây Ban Nha với mức chiết khấu 1 euro (1,07 USD)/MWh - rẻ hơn so với giá chuẩn châu Âu, Reuters dẫn nguồn thạo tin cho biết. 

Điều đó tương đương với việc tiết kiệm khoảng 920.000 Euro cho một lô hàng thông thường trị giá 41 triệu Euro theo giá giao ngay, theo tính toán của Reuters. Các nguồn tin cho biết năm nay, mức giảm giá từ 30-50 xu euro đã được áp dụng.

Dữ liệu từ các vệ tinh theo dõi tàu cho thấy bốn công ty thương mại Thụy Sĩ đã mua và bán 1,3 triệu tấn LNG của Nga ở Tây Ban Nha vào năm ngoái.

Các công ty năng lượng lớn của Tây Ban Nha, bao gồm Repsol, Cepsa, Endesa và Iberdrola cho biết họ không trực tiếp mua khí đốt của Nga.
Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Endesa, José Bogas, không loại trừ khả năng công ty này đã tìm được đường vào khối lượng mua từ bên thứ ba.

Hàng hóa năng lượng từ Nga đã định hình lại thị trường của Tây Ban Nha và EU.

Vào năm 2023, 5,08 tấn khí đốt nhập khẩu từ Nga lớn hơn tổng khối lượng mà Tây Ban Nha xuất khẩu sang 21 quốc gia trên thế giới, bao gồm cả một số thành viên của EU.

Cho đến tháng 2/2022, phần lớn khí đốt mà Nga cung cấp cho châu Âu đã đến Đức qua đường ống Nord Stream. Hiện nay số năng lượng này chuyển tới ngoại vi phía Tây của châu Âu và tiến vào đất liền, đảo ngược dòng chảy từ Đông sang Tây trước đó.

Năm ngoái, 3,6 triệu tấn LNG nhập khẩu từ Nga của Pháp chiếm 41% xuất khẩu ròng của nước này.

Tính tổng khối lượng khí đốt Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha chuyển về phía Đông, tất cả lượng khí đốt mà Pháp chuyển sang Bỉ và Đức cũng như gần 50% được chuyển đến Thụy Sĩ và Italia có thể là LNG của Nga, dữ liệu từ các nhà khai thác lưới điện cho thấy.

Bỉ đã nhập khẩu khoảng 4,8 tấn LNG của Nga - gần gấp đôi khối lượng được chuyển sang Hà Lan. Đức không còn nhập khẩu trực tiếp khí đốt của Nga và là điểm đến cuối cùng.

Bắt đầu từ tháng 4, các nước EU có thể đưa ra lệnh cấm hợp pháp các công ty Nga đăng ký năng lực cơ sở hạ tầng để cung cấp LNG. Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu lớn Tây Ban Nha và Bỉ chưa xác nhận có động thái tương tự.