Minh Khai mong chờ điểm công nghiệp làng nghề

Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghề chế biến nông sản, thực phẩm có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của xã Minh Khai, huyện Hoài Đức.

Tuy nhiên, mặt bằng sản xuất chật hẹp đang là một trong những rào cản kìm hãm sự phát triển của làng nghề hiện nay.
Nghề chế biến nông sản, thực phẩm ở Minh Khai đã có từ lâu đời. Nhờ phát triển hiệu quả nghề này mà đời sống và thu nhập của người dân nơi đây luôn đứng ở top đầu toàn huyện. Sản phẩm của làng nghề khá đa dạng, như: Miến dong, bún, mì khô, tinh bột, bánh kẹo… Trong đó nghề làm miến, mì, bún khô chiếm phần lớn và hiệu quả cao nhất. Sản phẩm của làng nghề được khách hàng ưa chuộng, hàng làm ra không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Sản phẩm có mặt ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước và còn được xuất khẩu sang nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… Chủ tịch UBND xã Minh Khai, Đỗ Xuân Đáng cho biết, Minh Khai hiện có 1.500 hộ thì có tới 600 hộ làm nghề chế biến nông sản. Ở Minh Khai, ngành tiểu thủ công nghiệp – dịch vụ - thương mại chiếm 94,5% tổng cơ cấu ngành của địa phương. Mức thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 41,5 triệu đồng/người/năm. Ngoài ý nghĩa to lớn về mặt kinh tế, làng nghề còn giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động ở địa phương và các huyện lân cận  cho cả người già, trẻ em, người khuyết tật có thêm thu nhập.
Tuy nhiên hiện nay, làng nghề đang gặp khó khăn về mặt bằng sản xuất. Việc thiếu mặt bằng sản xuất là một trong những yếu tố kìm hãm sự phát triển và ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm, gây sức ép lên môi trường làng nghề. Theo chia sẻ của nhiều người, hiện nay trung bình mỗi hộ đều phải thuê từ 6 – 7 sào ruộng để phơi bánh. Chi phí thuê mỗi sào trung bình là 2,5 triệu đồng/năm. Nếu tính như vậy mỗi năm mỗi hộ mất khoảng gần 20 triệu đồng thuê địa điểm phơi. Bên cạnh đó người dân còn phải đầu tư hệ thống giàn phơi tạm bằng cọc tre, chi phí để làm giàn mỗi vụ cũng lên tới 30 – 40 triệu đồng. Theo đó, nếu là đất được sử dụng lâu dài người dân sẽ đầu tư hệ thống giàn phơi bằng bê tông và ống inox sẽ tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều. Ngoài ra, hàng năm để chủ động nguồn nguyên liệu và không bị thương lái  đội giá, người dân phải mua cả trăm tấn bột nguyên liệu dự trữ. Tuy nhiên vì không có nhà xưởng nên họ phải đi thuê nhà kho. Trung bình, cứ 100 tấn bột nguyên liệu người dân phải trả chi phí là 20 triệu đồng mỗi năm. Ngoài các khoản chi phí phát sinh, người dân cũng không thể tăng năng suất lao động bởi nếu sản xuất nhiều sẽ không đủ mặt bằng để phơi và sơ chế sản phẩm.
Việc có điểm  làng nghề tập trung là một yêu cầu cấp thiết và cũng là mong muốn lớn nhất của người Minh Khai nói riêng và các làng nghề nói chung hiện nay. Hiện tại, Minh Khai đã có quy hoạch điểm công nghiệp làng nghề rộng 12ha để người làm nghề có điều kiện mở rộng sản xuất. Người dân mong muốn các cấp chính quyền cần có chính sách ưu đãi trong vay vốn, hỗ trợ quảng bá sản phẩm làng nghề. Mặt khác, tập trung đầu tư nghiên cứu công nghệ hiện đại ứng dụng vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất và bảo vệ môi trường làng nghề.