Mô hình các đô thị mới chưa thúc đẩy kinh tế đô thị

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều mô hình đô thị mới xuất hiện như đô thị xanh, thông minh, sinh thái,… đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch kinh tế đô thị theo hướng tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, việc phát triển các mô hình đô thị bền vững hiện còn ít, chưa được nghiên cứu và triển khai phù hợp.

Tại Hội thảo chuyên đề “Phát triển các mô hình đô thị mới và thúc đẩy chuyển dịch kinh tế khu vực đô thị theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững”, trong khuôn khổ Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam tổ chức sáng 17/6, Phó trưởng Ban Kinh tế T.Ư, TS Nguyễn Đức Hiển đã đánh giá, đô thị hoá là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Tại Việt Nam, trong thời gian qua, đô thị hóa đã tạo ra khu vực đô thị với không gian kinh tế được mở rộng và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hạ tầng phát triển, nguồn lao động dồi dào và thị trường lớn. Từ đó, tạo điều kiện cho phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ, thu hút FDI và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng kinh tế.

Phó Trưởng Ban Kinh tế T.Ư, TS. Nguyễn Đức Hiển phát biểu tại Hội thảo.
Phó Trưởng Ban Kinh tế T.Ư, TS. Nguyễn Đức Hiển phát biểu tại Hội thảo.

Bên cạnh đó, đô thị hóa nhanh đã kéo theo luồng di cư nông thôn - thành thị và luồng di cư từ các địa phương có tốc độ đô thị hóa thấp về những địa phương có tốc độ đô thị hóa cao, góp phần làm giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội và điều tiết hiệu quả lao động.

Cùng với quá trình đô thị hóa, nhiều mô hình phát triển đô thị mới xuất hiện như: đô thị xanh, đô thị thông minh, đô thị sinh thái, đô thị công nghiệp – thương mại – dịch vụ... đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch mô hình kinh tế đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả bền vững, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nâng cao năng lực chống chịu, ứng phó với biến đổi khí hậu của hệ thống các đô thị.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Đức Hiển cũng cho rằng, nhìn nhận và đánh giá thẳng thắn và khách quan việc phát triển các đô thị mới theo mô hình đô thị bền vững, đô thị xanh, đô thị thông minh phát triển còn ít, chưa được nghiên cứu và triển khai phù hợp với từng vùng, miền và loại, cấp đô thị. Các yếu tố văn hóa, cảnh quan đặc thù chưa được chú trọng trong phát triển đô thị; kiến trúc, bộ mặt đô thị còn thiếu bản sắc, thiếu điểm nhấn, tự phát.

Hiện nay, toàn quốc mới có khoảng 26% đô thị đã ban hành Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc. Nhìn chung, việc phân loại, nâng cấp đô thị chỉ đạt mục tiêu là tăng quy mô đất đai, dân số đô thị mà chưa coi trọng tới việc đổi mới, nâng cao chất lượng đô thị.

Kinh tế khu vực đô thị phát triển còn phân tán, thiếu tính kết nối và mô hình không gian và công nghiệp kém hiệu quả, tính kinh tế nhờ tích tụ yếu, hiệu quả còn thấp, phụ thuộc vào FDI. Tăng trưởng kinh tế đô thị của cả nước chủ yếu từ 5 thành phố trực thuộc T.Ư từ hai đô thị lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế của 4/5 TP trực thuộc T.Ư đang có xu hướng chững lại khi tăng trưởng năng suất đang giảm dần. Chưa khai thác tốt thị trường bất động sản và thương hiệu đô thị để phát triển kinh tế đô thị. Nguồn thu ngân sách địa phương từ đất phụ thuộc chủ yếu vào nguồn thu tiền sử dụng đất một lần làm cho nguồn thu ngân sách không bền vững.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trước những hạn chế của quá trình đô thị hóa, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng trong việc ra đời cơ chế, chính sách mới, tạo động lực để phát triển đô thị, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Theo TS Nguyễn Đức Hiển, để thể chế hóa và cụ thể hóa các quan điểm, định hướng chính sách nêu trong Nghị quyết số 06-NQ/TW rất cần những kiến nghị, đề xuất của chuyên gia, nhà khoa học cũng như đối tượng thực thi chính sách là các địa phương, doanh nghiệp và người dân.

Tại hội thảo, giới chuyên gia, nhà quản lý, đại diện các doanh nghiệp đã tập trung trao đổi, thảo luận xoay quanh những vấn đề về chuyển dịch kinh tế khu vực đô thị đáp ứng yêu cầu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Trong đó, các chuyên gia phân tích sâu sự dịch chuyển kinh tế sang những ngành, nghề mới nối và những thay đổi trong các ngành, nghề hiện hữu trong thời gian tiếp theo; về bất động sản công nghiệp - động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế đô thị; giải pháp số thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn tại các đô thị lớn; hành động theo cấp vùng cho đô thị có khả năng chống chịu, phục hồi; khuyến nghị về tiêu chí xây dựng công trình xanh, đô thị xanh cho các khu đô thị mới;

Cùng với đó, phát triển các chuỗi dịch vụ, tiện ích bán lẻ nhằm nâng cao chất lượng đời sống người dân tại các đô thị; ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các công nghệ số trong phát triển dịch vụ logistics đô thị và kiến nghị cơ chế, chính sách phù hợp nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của phát triển đô thị cũng như định hướng cho phát triển kinh tế đô thị trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.