Mở rộng phương thức xét tuyển vào đại học: Tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi trường đại học (ĐH) mở rộng các phương thức xét tuyển có làm thí sinh bị rối? Nhiều trường ưu tiên xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thì những thí sinh ở vùng nông thôn có khó khăn? Ngành nào đang "hot"? Làm sao để chọn được đúng ngành yêu thích?... là những câu hỏi được nhiều thí sinh (TS) đặt ra tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm 2021 diễn ra tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội sáng 11/4.

Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2021 tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Đăng Chung
Thí sinh lựa chọn ngành đúng cao hơn
Năm nay, Bộ GD&ĐT có điều chỉnh kỹ thuật trong công tác xét tuyển sinh, các trường ĐH tăng cường các phương thức xét tuyển khác nhau nên Ngày hội đã thu hút trên 15.000 TS, phụ huynh từ Hà Nội và các tỉnh lân cận. Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, tại hai khu vực tư vấn chuyên sâu, các TS thay nhau gửi câu hỏi cho chuyên gia về những vấn đề chưa thấu hiểu. GS.TS Nguyễn Tiến Thảo – Phó Trưởng Ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: Các TS quan tâm tương đối rộng như cơ hội công việc trong 10 năm nữa, ngành nào đang "hot", chương trình của trường nào tốt. Lại có những em đến Ngày hội tìm hiểu các ngành, các trường rồi về nhà suy nghĩ để quyết định chọn ngành.

Do được tự chủ trong tuyển sinh, nên năm 2021 rất nhiều trường ĐH mở rộng phương thức xét tuyển. Nhiều phương thức xét tuyển khác nhau đã khiến TS bị rối, không biết nên chọn phương thức nào phù hợp và khả năng trúng tuyển cao. “ĐH Quốc gia Hà Nội có 5 phương thức xét tuyển; TS có thể xét tuyển thẳng, xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế, chứng chỉ tiếng Anh, điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm thi đánh giá năng lực. Phương thức xét tuyển thẳng sẽ được ưu tiên hơn, còn các phương thức khác là như nhau, lấy điểm từ cao xuống thấp” – GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho biết.

Các trường ĐH mở rộng nhiều phương thức xét tuyển, liệu có ảnh hưởng đến những TS đăng ký xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021, được nhiều em đặt ra. Nhiều thầy cô giải thích, đây là cơ hội cho TS lựa chọn. Bởi tổng chỉ tiêu của nhà trường không đổi, tổng số TS đăng ký cũng không đổi. Nếu TS trúng tuyển đợt này rồi thì sẽ được loại ra ở lần xét tuyển sau. “Trường ĐH xét tuyển nhiều phương thức, về tổng thể không ảnh hưởng đến TS. Với các đợt xét tuyển riêng của trường, TS đỗ nhiều đợt thì cơ hội lựa chọn ngành đúng cao hơn. Còn khi chỉ có 1 đợt xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT, TS có thể đỗ một nguyện vọng nhưng chưa chắc đã ưng ý vì không còn cơ hội thay đổi” - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, trường ĐH Kinh tế quốc dân Bùi Đức Triệu phân tích.

Thí sinh nên tận dụng hết các cơ hội

Theo đề án tuyển sinh của các trường ĐH được công bố, năm nay, rất nhiều trường top trên tuyển sinh theo phương thức xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ. Về việc này thuận lợi cho những TS ở thành thị vì có điều kiện học tốt hơn nhưng đối với TS vùng nông thôn lại khó khăn. Em Nguyễn Thu Huyền - lớp 12A9, trường THPT Phong Châu (huyện Lâm Thao, Phú Thọ) cho biết: “Em thấy, các trường ưu tiên xét tuyển TS có chứng chỉ ngoại ngữ là bất lợi đối với chúng em vì không có điều kiện học tốt tiếng Anh”. Về việc này, các chuyên gia giáo dục cho biết, tiếng Anh chỉ là một trong tổ hợp 3 môn để xét tuyển. Chẳng hạn, TS đăng ký xét tuyển vào trường ĐH Y Hà Nội hoặc trường ĐH Y Dược – ĐH Quốc gia Hà Nội tổ hợp Toán – Sinh – Anh hay Toán – Hóa – Anh, nếu có chứng chỉ tiếng Anh IELTS thì quy đổi ra thang điểm 10. TS nộp chứng chỉ IELTS cho nhà trường ngay từ bây giờ; hai môn còn lại trong tổ hợp sẽ đợi đến khi thi tốt nghiệp THPT 2021 xong, cán bộ tuyển sinh sẽ kiểm tra điểm thông qua số Chứng minh thư của TS. Như vậy, cách xét tuyển vẫn như bình thường, chứ không phải có chứng chỉ tiếng Anh là trúng tuyển.

Một điều nhiều TS quan tâm khi đến Ngày hội Tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2021 là năm nay có hơn 1 triệu TS sinh năm 2004 (năm Dê vàng) nhưng tổng chỉ tiêu các trường ĐH không tăng nhiều, đồng nghĩa với cơ hội cạnh tranh vào trường top đầu rất lớn. Về việc này, TS Nguyễn Thị Cúc Phương - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Hà Nội chia sẻ: Nếu TS thích một ngành nào đó mà trường top trên cạnh tranh cao quá thì đăng ký ngành đó ở trường top dưới, thậm chí các em ở Hà Nội có thể đăng ký xét tuyển vào trường tại TP Hồ Chính Minh. TS cũng có thể đăng ký ngành mình thích ở trường ĐH ngoài công lập hoặc trường cao đẳng thực hành tay nghề nhiều thì cơ hội tìm việc rất dễ.

Với việc các trường có nhiều phương án tuyển sinh, các chuyên gia giáo dục đưa ra lời khuyên TS nên tận dụng tất cả nếu đủ điều kiện, để đạt được mục tiêu cao nhất của mình đặt ra. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT PGS Hoàng Minh Sơn khuyên TS đọc kỹ đề án tuyển sinh của các trường về điều kiện sơ tuyển, phương thức xét tuyển, thời gian nộp hồ sơ, tránh việc khi đăng ký rồi về sau lại vi phạm những điều kiện của từng trường.

Phản hồi về việc các trường ĐH ưu tiên xét tuyển TS giỏi, có chứng chỉ tiếng Anh, có gây khó khăn cho những em đến từ vùng sâu xa, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: "Các em có quỹ thời gian giống nhau, chỉ tiêu của các trường không tăng, không giảm. Nếu các em học giỏi môn tiếng Anh thì có thể không giỏi môn khác bằng các bạn ở nơi khác. Và ngược lại, có thể các em ở nơi khác không học giỏi tiếng Anh nhưng lại học tốt những môn khác. Chúng tôi biết, khi tuyển sinh, các trường ĐH ưu tiên dựa vào sở trường để phát huy thế mạnh của học sinh".