Mở rộng room, tín dụng tăng tốc về đích

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phân bổ hết hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm, không loại trừ khả năng các ngân hàng tăng tốc cho vay để kịp về đích năm và đẩy tín dụng toàn ngành khi kết thúc năm tiến gần hơn về mức 14%.

Sức hấp thụ vốn yếu

Chiều tối ngày 10/7, NHNN đã bất ngờ chốt room tín dụng 2023. Theo đó, NHNN đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%.

Quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng room tín dụng của NHNN là nhằm tăng thêm hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng để có điều kiện tăng thêm nguồn lực, khả năng mở rộng tín dụng cho những doanh nghiệp, đối tượng, lĩnh vực cần thiết trong nền kinh tế.

NHNN đã bất ngờ chốt room tín dụng 2023
NHNN đã bất ngờ chốt room tín dụng 2023

Tăng trưởng kinh tế và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị chậm lại, khó khăn của các thị trường là các yếu tố tác động đến tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm. Nhiều doanh nghiệp không muốn vay vốn, số khác có nhu cầu lại không đủ điều kiện khiến tín dụng 6 tháng qua mới tăng 4,73%, mức thấp nhất nhiều năm. Trong khi đó, cùng thời điểm này năm ngoái, tín dụng đã tăng 8-9% so với đầu năm, nhiều ngân hàng chạm trần hạn mức tăng trưởng.

Thanh khoản hệ thống ngân hàng được duy trì ở mức dư thừa. Trong khi vốn không chảy ra được nền kinh tế, doanh nghiệp không có tiền... có thể ảnh hưởng đến nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng cuối năm.

Theo NHNN, việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng được thực hiện trên cơ sở đề nghị của tổ chức tín dụng, tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng tổ chức tín dụng, đảm bảo thanh khoản và an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng.

Cùng với việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 2023 cho các tổ chức tín dụng với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%, NHNN tiếp tục yêu cầu các đơn vị này  phải thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng an toàn, hiệu quả. Đồng thời nâng cao chất lượng, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp.

"Tăng cường rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục cho vay, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận tín dụng ngân hàng, qua đó tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng" - đại diện NHNN nêu rõ.

Giải pháp đẩy vốn

Trong các năm gần đây, NHNN thường chia thành nhiều đợt nới "room" tín dụng, rơi vào đầu, giữa và cuối năm. Hiếm khi cơ quan này phân bổ hết hạn mức tín dụng ngay từ giữa năm. Với việc được nới room tín dụng, không loại trừ khả năng các ngân hàng tăng tốc cho vay để kịp về đích năm và đẩy tín dụng toàn ngành khi kết thúc năm tiến gần hơn về mức 14%.

Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, mức tăng tùy theo chất lượng tín dụng và chất lượng tài sản của từng ngân hàng. Với việc quản trị tốt, đáp ứng các hệ số an toàn, ngân hàng có thể sẽ được cấp thêm hạn mức.

Đến thời điểm này, tiếp tục có thêm nhiều ngân hàng nhập cuộc "đua" giảm lãi suất cho vay, có nơi công bố mức lãi suất cho vay mới chỉ từ 5%/năm… Hàng loạt nhà băng như Agribank, Vietcombank, BIDV, MSB, LPBank… tiếp tục công bố thêm chương trình giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng hiện hữu và triển khai các gói tín dụng ưu đãi với quy mô lớn hàng chục nghìn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi.

Để khơi thông vốn tín dụng, NHNN đưa ra thông điệp vẫn nỗ lực hạ nhiệt mặt bằng để hỗ trợ doanh nghiệp. Nhiều ngân hàng thương mại cũng cam kết sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Điều quan trọng hiện nay là cần nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế để việc giảm lãi suất cho vay phát huy hiệu quả.

“NHNN đã ban hành nhiều thông tư nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hộ kinh doanh và doanh nghiệp. Cùng với đó là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ số vào hệ thống ngân hàng để doanh nghiệp tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn. NHNN cùng các tổ chức tín dụng tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp bằng chính sách giãn, hoãn các khoản nợ được triển khai”- Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chia sẻ. Ngoài ra, NHNN thấy rằng, giải pháp tăng sức cầu của nền kinh tế rất quan trọng. Do vậy, các bộ ngành cần tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ trợ doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, xúc tiến, tìm kiếm, phát triển, tháo gỡ khó khăn về thị trường tiêu thụ, thị trường bất động sản, qua đó tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như nâng cao năng lực tài chính, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng.

 

Tín dụng tăng thấp như vậy là phản ánh đúng tình hình. Các ngân hàng cũng đang rất bí đầu ra vì khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đang suy giảm mạnh. Lãi suất cho vay vì vậy, không sớm thì muộn, phải giảm xuống, từ đó mới lập lại cân bằng cung cầu vốn tín dụng. Vấn đề quan trọng hiện nay là tập trung cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh. Một số yếu tố khiến tăng trưởng tín dụng giảm như đơn hàng xuất khẩu, tín dụng bất động sản... cần được tháo gỡ. (Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh)