Mộc Liên Hà “khát” mặt bằng sản xuất

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những tháng cuối năm, không khí làm việc tại làng nghề mộc xã Liên Hà tất bật hơn.

Những chuyến xe nối đuôi nhau, nườm nượp vào ra cụm công nghiệp (CCN) làng nghề của xã nằm ven đê hữu Hồng. Từ những khu xưởng sản xuất, tiếng máy xẻ gỗ vang lên không dứt.
Mức độ cạnh tranh ngày một lớn
Anh Nguyễn Văn Hải - Chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ Hà Thanh (thôn Thượng, xã Liên Hà) cho biết, gia đình có 3 khu xưởng sản xuất và trưng bày đồ mộc. Cuối năm, cũng là mùa cưới nên lượng khách đặt hàng tăng đột biến, gia đình phải thuê gần 20 nhân công làm việc liên tục để kịp xuất hàng. Không chia sẻ về doanh thu, tuy nhiên anh Hải cho hay, mức lương hàng tháng mà mỗi công nhân hiện làm công tại 3 xưởng sản xuất của gia đình trung bình đạt từ 5 - 8 triệu đồng.

Làng nghề mộc xã Liên Hà góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động

tại địa phương. Ảnh: Trọng Tùng

Ở Liên Hà, số cơ sở sản xuất đồ mộc có khả năng tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động như hộ anh Hải không hiếm. Theo thống kê của Trung tâm Phát triểm CCN huyện Đan Phượng, tại CCN làng nghề xã Liên Hà hiện có 226 hộ đăng ký sản xuất, kinh doanh. Nhiều gia đình nơi đây phát đạt nhờ nghề mộc. Trong số các hộ sản xuất nghề mộc, có đến gần 1/3 đã thành lập được công ty, cho doanh thu mỗi năm hàng tỷ đồng. Dù vậy, nghề mộc nơi đây đang đứng trước sự cạnh tranh ngày một lớn. Theo chủ cơ sở sản xuất đồ mộc Tuyết Phương, thị trường đồ gỗ gia dụng hiện rất đa dạng. Nhiều hộ có xu hướng sản xuất mặt hàng chuyên biệt với số lượng vừa phải. Trong giai đoạn phát triển khó khăn những năm 2012, Liên Hà đã có không ít hộ bị phá sản. Tuy nhiên đến nay, nghề mộc vẫn là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân nơi đây.
Cần mặt bằng làm nghề
Sự phát triển của làng nghề xã Liên Hà không chỉ giúp một bộ phận người dân trên địa bàn làm giàu, mà còn góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động trong vùng. Hàng năm, nghề mộc ở hai xã Liên Hà, Liên Trung đã đóng góp trên dưới 800 tỷ đồng vào nguồn thu ngân sách của huyện. Dù vậy, nghề mộc nơi đây đang đứng trước nhiều thách thức. Bên cạnh sức cạnh tranh ngày một lớn, phải kể tới ảnh hưởng về môi trường. Hiện, bên cạnh tiếng ồn, tình trạng bụi bặm phát sinh trong quá trình sản xuất đồ mộc vẫn chưa thể kiểm soát. Cùng với đó, do thiếu mặt bằng sản xuất nên vật liệu cũng như một số sản phẩm thô vẫn được các hộ bày la liệt ven đường trên cả tuyến đường đê hữu Hồng. Ông Nguyễn Hữu Thinh - Phó Chủ tịch UBND xã Liên Hà cho biết, đường đê hữu Hồng là tuyến giao thông quan trọng nối liền các địa phương ven sông. Việc chất vật liệu ven đường đê không chỉ ảnh hưởng tới giao thông nhiều nguy cơ tai nạn, mà còn vi phạm Luật Đê điều hiện hành. Tuy nhiên, việc xử lý là không dễ (?!). Đây cũng đang là vấn đề khiến chính quyền địa phương hết sức đau đầu.
Được biết, đến nay 9,6ha thuộc CCN làng nghề xã Liên Hà đã được sử dụng hết 100%. Nhằm giải quyết nhu cầu về mặt bằng sản xuất theo đề xuất của địa phương, vừa qua, UBND TP có quyết định phê duyệt đầu tư, mở rộng CCN làng nghề mộc huyện Đan Phượng thêm 9,5ha. Dự án sẽ được triển khai vào đầu năm 2017. Tuy nhiên, theo ông Tạ Đăng Tiến - Giám đốc Trung tâm Phát triển CCN huyện Đan Phượng, ngay cả khi được mở rộng, diện tích này cũng mới chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu về mặt bằng sản xuất của các hộ làm nghề. Về lâu dài, huyện sẽ phải tiếp tục rà soát quỹ đất để mở rộng hơn nữa không gian CCN làng nghề, tiến tới giải quyết triệt để những vấn đề còn tồn tại trong quá trình phát triển nghề mộc nơi đây.