Mỗi lá phiếu là quyền lợi và trách nhiệm của cử tri

Hà Bình (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để mỗi lá phiếu thực sự nói lên tiếng nói của mình, trong suốt quá trình bầu cử, người dân nên thể hiện trách nhiệm, tìm hiểu, xem xét thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng, lựa chọn người đại diện xứng đáng vào Quốc hội và HĐND các cấp.

Đó là quan điểm được PGS.TS Bùi Thị An (Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, nguyên là đại biểu Quốc hội) khi trao đổi với phóng viên báo Kinh tế&Đô thị.

Không nên thờ ơ với quyền và nghĩa vụ bầu cử

Có ý kiến cho rằng, muốn đánh giá một cuộc bầu cử thành công phải xem vai trò đóng góp của người dân được phát huy đến đâu. Từng gắn bó nhiều năm với hoạt động của cơ quan dân cử, theo bà, trong quyền và nghĩa vụ của cử tri trong bầu cử có điểm gì cần lưu ý?

- Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp là một sự kiện quan trọng của cả nước. Thông qua bầu cử để trực tiếp lựa chọn những người xứng đáng có đủ phẩm chất đạo đức và năng lực đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội và cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương là HĐND các cấp. Về quyền và nghĩa vụ của cử tri trong bầu cử đã được thể hiện rất rõ trong các quy định của Luật. Ví dụ như công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử. Mọi công dân đều được ghi tên vào danh sách cử tri; được lập và niêm yết công khai... Giá trị phiếu bầu của các cử tri như nhau, không phụ thuộc vào giới tính, địa vị xã hội...
 
Tôi thấy trong các quy định cũng đã chỉ rất rõ các nguyên tắc như không được nhờ người bầu hộ, bầu thay. Trường hợp cử tri không thể tự viết phiếu bầu thì có thể nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu… Đặc biệt, cử tri bầu ai, không bầu ai đều được bảo đảm bí mật. Cùng với “quyền”, các quy định của Luật cũng chỉ rõ “nghĩa vụ” của công dân. Trong đó, nghĩa vụ của cử tri được thể hiện rõ qua 3 lần tổ chức hội nghị hiệp thương, qua các lần tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác và nơi cư trú của người ứng cử, qua các cuộc tiếp xúc tuyên truyền, vận động bầu cử của người ứng cử và qua ngày bầu cử.

Mỗi cuộc bầu cử là dịp để người dân phát huy quyền làm chủ. Vì vậy, mỗi cử tri cần phải sáng suốt lựa chọn, giới thiệu và bầu ra những người tiêu biểu, đủ đức đủ tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình; để thay mặt mình thực hiện quyền lực Nhà nước, góp phần thiết lập ra bộ máy Nhà nước để tổ chức, điều hành các hoạt động quản lý xã hội.

Cuộc bầu cử lần này chuẩn bị bước sang giai đoạn vận động bầu cử, có ý kiến cho rằng, đây là “cuộc sát hạch” trực tiếp của cử tri đối với người có thể sau này sẽ đại diện cho mình ở Quốc hội hoặc HĐND, bà nghĩ sao về điều này?

- Đúng thế. Đây là cơ hội để ứng cử viên đến gần hơn với cử tri, báo cáo với cử tri về chương trình hành động của mình nếu trúng cử. Đồng thời, đây là dịp để cử tri có quyền tìm hiểu rõ hơn về các ứng cử viên, đánh giá về họ ở cả tác phong, kiến thức… Không chỉ lắng nghe chương trình hành động, cử tri có quyền hỏi bất cứ điều gì về các ứng cử viên, để hiểu về người sẽ đại diện cho mình.

Đặc biệt sau này, cử tri cũng có quyền giám sát, theo dõi đối với người mà mình bầu ra. Trong quá trình vận động cam kết điều gì, hứa điều gì, có thực hiện được không, vì thực tế có việc trong vận động bầu cử, nhiều ứng viên hứa rất hay nhưng trúng cử thì lại làm rất ít, thậm chí không làm gì. Vì thế, có thể nói rằng, qua vận động bầu cử, cử tri có quyền tiếp cận thông tin về các ứng viên dưới nhiều góc độ khác nhau.

Sáng suốt chọn lựa người xứng đáng

Thực tế vẫn có những cử tri không quan tâm đúng mức đến việc bầu ra người xứng đáng đại diện cho mình, đi bầu cho xong nghĩa vụ. Đã từng tham gia nhiều cuộc bầu cử, theo kinh nghiệm của bà, làm sao để người dân lựa chọn được chính xác người cần bầu?

- Trải qua nhiều kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, cử tri đã ý thức được quyền và nghĩa vụ của mình, tích cực tham gia từ giai đoạn giới thiệu người ứng cử, các hội nghị cử tri đến bỏ phiếu bầu. Tuy vậy, đúng là thực tế vẫn còn một bộ phận cử tri dường như thờ ơ với trách nhiệm công dân của mình hay nói khác đi, họ coi đây là việc không liên quan gì đến mình cả. Nên có tình trạng nhờ bỏ phiếu thay, một người đại diện cho cả nhà đi bỏ phiếu; bỏ phiếu qua loa, đại khái cho xong. Cũng bởi không quan tâm đúng mức đến ứng cử viên mình lựa chọn hoặc không nắm rõ quy định, số lượng người được bầu nên bầu sai hoặc lựa chọn theo cảm tính.

Theo tôi, nếu bầu người không đúng, sau này người đại biểu đấy không đóng góp được gì cho dân, cho nước thì thật là đáng tiếc. Và khi họ đã “giữ một chỗ” trong cơ quan dân cử mà không làm gì cũng cản trở sự phát triển bền vững của xã hội. Với cá nhân tôi, trước khi đi bỏ phiếu tôi đều có sự tìm hiểu rất kỹ về từng ứng cử viên, dù người ứng cử được tổ chức giới thiệu song cảm thấy không xứng đáng, mình có quyền không bầu, để góp phần tạo ra cơ quan dân cử chất lượng, để người đại biểu thực sự đại diện cho cử tri.

Chính vì thế, tôi nghĩ các cơ quan có trách nhiệm cần tuyên truyền cho người dân hiểu hơn về quyền của mình và có ý thức hơn trong việc lựa chọn, bầu ra người xứng đáng đại diện cho mình. Công tác tuyên truyền cần được thực hiện thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức phong phú từ báo nói, báo viết, truyền hình và tuyên truyền miệng, trực quan sinh động; nhất là tuyên truyền trực diện và trực tiếp tại cơ sở, tại các cụm dân cư. Qua đó, tạo điều kiện cho từng cử tri nắm bắt được mọi quy trình, cách thức thực hiện quyền bỏ phiếu bầu cử và sẵn sàng cho sự lựa chọn của mình.

Như đã nói, bầu cử vừa là quyền, vừa là trách nhiệm của cử tri. Để phát huy tốt quyền dân chủ của mình, cử tri cần theo dõi và xâu chuỗi cả quá trình đại biểu hoạt động trước đây; đồng thời, xem trình độ, tư cách các ứng cử viên có xứng đáng đại diện cho Nhân dân không để tự quyết định bằng lá phiếu. Việc cử tri sáng suốt lựa chọn người xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân vào Quốc hội và HĐND các cấp chính là minh chứng rõ nhất cho quyền công dân, cần phát huy tối đa quyền làm chủ của mình. Bởi, chọn được người đại diện xứng đáng là góp phần thiết thực cho tương lai của chính đất nước, thành phố mình sinh sống.

Chỉ còn một tháng nữa ngày bầu cử sẽ diễn ra, cá nhân bà cũng tham gia vào một số công tác chuẩn bị bầu cử tại MTTQ, cảm nghĩ của bà ra sao trước cuộc bầu cử lần này?

- Trước hết phải thấy rằng, việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử đã và đang được làm rất chu đáo, đúng quy trình, trên tinh thần công khai, minh bạch, dân chủ. Tôi thấy qua các bước hiệp thương đều có sự trao đổi rất thẳng thắn, mỗi cá nhân đều thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc lựa chọn các ứng cử viên. Đến nay, chúng ta đã lựa chọn được danh sách ứng cử viên chính thức đáp ứng được tiêu chuẩn như quy định.

Quy định trong việc vận động bầu cử ngày càng mạch lạc hơn, bảo đảm cơ hội vận động bầu cử công bằng cho các ứng cử viên; đồng thời cũng tạo điều kiện cho cử tri có được thông tin đầy đủ và sự cảm nhận rõ ràng hơn. Điều này giúp cử tri có thể lựa chọn một cách sáng suốt hơn. Tôi rất hy vọng, với những bước chuẩn bị kỹ lưỡng như thế và sự trách nhiệm của cử tri, sẽ lựa chọn được những người có phẩm chất đạo đức, trình độ năng lực, điều kiện và bản lĩnh, tâm huyết với hoạt động của cơ quan dân cử.

Xin cảm ơn bà!

"Mỗi lá phiếu là quyền lợi và trách nhiệm của cử tri, phải tự tay mình bỏ, không nên nhờ bỏ hộ, bỏ thay. Đặc biệt, không bầu theo tâm lý đám đông hoặc để bị “mua chuộc” lá phiếu." - PGS.TS Bùi Thị An

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần