Mỗi nét vẽ một tình yêu Hà Nội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm nào cũng thấy nữ họa sĩ Văn Dương Thành bày triển lãm. Và lần nào cũng vậy, xem tranh của bà, một Hà Nội bàng bạc khói sương hiện ra.

Năm nay cũng vậy, trước thềm xuân Bính Thân, Văn Dương Thành bày triển lãm, với 40 bức tranh sơn mài, sơn dầu, acrylic, Hà Nội mến yêu lại hiện ra với hoa đào khoe sắc lung linh trong mưa bụi…

1. Triển lãm mừng năm mới Bính Thân khai mạc chiều 17/1 tại số 1 Trần Đăng Ninh, Cầu Giấy (Hà Nội) – một không gian rất đặc biệt của Hà Nội, với kiến trúc độc đáo và tinh xảo, mọi họa tiết được thiết kế hài hòa và sáng tác thủ công - nơi có một bảo tàng dân tộc, một salon văn hóa và cũng là nơi tinh túy của hội hoạ, lịch sử và ẩm thực Việt được tôn vinh.

Cuộc triển lãm có chủ đề “Xuân Bính Thân và nghệ thuật Văn Dương Thành", qua đó, người xem không thể lầm lẫn, mà dễ dàng nhận ra những rung cảm thân thuộc, những đường nét chắt lọc từ điêu khắc của đình Ninh Hiệp, Chùa Nành và tranh dân gian Đông Hồ trong sáng tác của Văn Dương Thành. Đó là kết quả của những tháng ngày thơ ấu mà Thành đã lang thang khắp vùng quê với cây bút chì và một tập giấy, một cây bút tre đập dập với màu vẽ là lá cây giã nhỏ hoặc lá tre đốt thành than – những ký họa đó đã khắc ghi trong cô bé đường nét kiến trúc dân gian của làng quê Bắc Bộ và đã trở thành báu vật và nguồn cảm hứng vô tận cho sáng tác của Thành; dù chị đang sống ở một đất nước băng tuyết Bắc Âu hay nắng gió rực rỡ của miền Nam Pháp – Ý.
Mỗi nét vẽ một tình yêu Hà Nội - Ảnh 1
Với 40 bức tranh, họa sĩ Văn Dương Thành miêu tả sâu về kiến trúc, về không khí và những ấn tượng của một Thăng Long tiếp nối dòng chảy của nghệ thuật Trống Đồng. Dấu ấn của nền văn minh tuyệt vời của Nam Việt, diễn tả cuộc sống săn bắt trong rừng rậm và trên những dòng sông của tổ tiên, niềm hạnh phúc, sự hòa hợp và tôn vinh với thiên nhiên. Cách diễn tả cách điệu làm rõ các chi tiết cũng ghi dấu khá rõ trong tranh Văn Dương Thành.   

Mùa xuân, ngày Tết mang đầy ý nghĩa đối với từng người Việt. Mùa xuân cũng là mùa sum vầy, những bức tranh Đàn Hạc của chị với nhiều hình thái. Nếu “Giai điệu mùa Xuân” diễn tả đàn hạc đông đúc với đầy đủ ông bà, cha mẹ và con cháu hạc đang cất tiếng ca trong không gian êm đềm và tĩnh lặng của hồ nước, bãi cỏ và rừng cây thì với “Giai điệu đêm trăng”, đàn hạc cất cánh và bay lên trong khúc nhạc dưới trăng, gam màu xanh êm dịu trải rộng trên cánh đồng bao la không một giới hạn như mơ ước sum vầy và viên mãn của ông cha từ bao đời. Trong khi đó, “Đàn hạc vàng” vẽ đàn sếu cổ đỏ, loài chim quý của đất rừng phương Nam xúm xít đậu trên một trảng cỏ dại với rất nhiều hoa lá rập rờn, hoa lau, hoa súng, hoa dại nở trắng long lanh, tất cả đều được thể hiện với những vệt bút mạnh mẽ, phóng khoáng, màu sắc khi êm dịu, khi tương phản lộng lẫy tạo nên niềm xúc động và in dấu trong ký ức của người xem.

Cảm thức mùa xuân Hà Nội trong tranh Văn Dương Thành còn xuất hiện trong bức “Chợ hoa ngày Tết” với những rừng hoa đào, hoa cúc, thược dược… và đám đông nhộn nhịp trên những hè phố cũ kỹ và phía sau là bầu trời xanh với những giọt nắng ấm long lanh trên hoa xuân. Ngước nhìn những ngôi nhà rêu phong của Hà Nội xưa với những cánh cửa hoa sắt uốn cong đủ hình thái trường tồn với thời gian, những ô cửa art décor, những phù điêu nhẹ nhàng điểm xuyết trên khung cửa hoặc trên mặt tiền của tòa nhà như đánh thức những kỷ niệm nhung nhớ của thời thơ ấu. Đặc biệt, hình ảnh đơn sơ, mộc mạc của những người nông dân trồng hoa, hoa và cây chất trĩu nặng trên chiếc xe đạp cũ có mặt trên 36 phố phường và góc Ô Quan Chưởng, là nét duyên dáng đặc trưng của Hà Nội. Những chiếc xích lô ngày càng thưa vắng hơn, vì thế cũng được nhiều người hâm mộ. Tất cả những hình ảnh đó được khắc ghi trong tranh của Văn Dương Thành và đi vào ký ức của người xem.

2. Họa sĩ Văn Dương Thành kể, khi còn thơ bé, sống ở phố Quán Thánh, chị thường đến phường Ngũ Xã bên đầm lầy của hồ Trúc Bạch, nơi có nghệ thuật đúc đồng tinh xảo của Hà Nội. Những hình nét đó đã in đậm dấu ấn trong ký ức của chị và dường như vô thức luôn ẩn hiện trong bố cục, nét bút, nhịp điệu của tranh Văn Dương Thành. Mặc dù đề tài và motip rất đa dạng nhưng người xem dễ nhận thấy sự kế thừa phong cách và nét dân dã Việt trong tranh của Văn Dương Thành. Bức tranh "Trống đồng và Chim hạc", hoạ sĩ đã đặt chiếc trống đồng Đông Sơn phía trước và một đôi hạc đồng trầm ngâm với phía sau là một cánh đồng hoa dại đầy màu sắc. Gam màu xanh lá cây bao phủ toàn bộ không gian này. Còn bức tranh "Trống đồng và hoa Sen" lại đưa hình tượng Trống Đồng Ngọc Lũ cổ xưa với đàn chim Lạc Hồng và mặt trời, bên trên là một bình hoa sen của hiện tại. Cả hai yếu tổ của quá khứ và của hiện tại, do con người tạo nên hay do thiên nhiên dâng tặng, tất cả trong hoà sắt tươi đỏ của năm mới.

Đặc biệt, người xem bồi hồi đứng trước bức tranh "Đêm Giao thừa" - sơn dầu/acrylic, 120x60cm, với những mảng màu xanh và hồng điều, phối hợp với hình tượng cành đào vừa qua mùa đông giá rét, đang đâm chồi nẩy lộc, thiên về trừu tượng, cho người xem cảm giác tươi vui, ấm áp của mùa xuân. Cũng mang lại cảm giác như thế, là những bức tranh tĩnh vật ngày Tết. "Hoa cúc vàng" - sơn dầu/acrylic, 50x60cm, chìm ngập trong gam vàng là những bông cúc đại đóa đong đưa, người xem có thể cảm thấy sự ẩm ướt trong từng cánh hoa và hương hoa thơm ngát. Phông màu ghi nhẹ êm đềm phía xa biểu hiện cho màn mưa xuân lắc rắc. Còn với tác phẩm "Hoa đào Nhật Tân", cành đào là dấu hiệu của Tết Nguyên Đán, màu Hồng của hoa đào phai, màu vàng  của hoa mai thấp thoáng ẩn hiện bên hè phố và những mái ngói cũ kỹ lô nhô phía xa trước những rặm cây xà cừ cao vút.  Bức tranh này như một bản hợp xướng của kỉ niệm và hương sắc mùa xuân.

3. Họa sĩ Văn Dương Thành quê gốc ở Phú Yên nhưng lớn lên ở Hà Nội. Làm quen với cây cọ từ năm 7 tuổi, sau 12 năm học tại Trường Nghệ thuật l’Ecole de Beaux Đông Dương và Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, bà tốt nghiệp Cao học Mỹ thuật năm 1980 và gặt hái được thành công từ khi còn rất trẻ, có tác phẩm đoạt giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam các năm 1972, 1974, 1975. Suốt hơn hai mươi năm qua (từ 1988) bà là “Đại sứ văn hóa” giữa Việt Nam - Thụy Điển, nỗ lực giới thiệu văn hóa Việt Nam thông qua việc giảng dạy hội họa, ẩm thực và bằng chính những tác phẩm của mình. Nhưng, cũng giống như bao nhiêu người “dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn hướng về Hà Nội”. 

Với họa sĩ Văn Dương Thành, Hà Nội luôn luôn ấp ủ những ký ức, hoài niệm và một tình yêu vô bờ bến với mảnh đất mình gắn bó suốt những năm tháng đầu đời tươi trong. Tình yêu ấy dồn cả vào những nét vẽ để người xem, khi ngắm những tác phẩm về Hà Nội của Văn Dương Thành đều thấy được một Hà Nội theo dặm dài thời gian, vừa cổ xưa lại hiện đại, vừa tĩnh lặng nhưng cũng không kém phần sôi động, vừa mang hoài niệm của kí ức, lại ăm ắp hiện thực cuộc sống đương thời.

Hà Nội trong ký ức Văn Dương Thành còn đong đầy những kí ức ấu thơ với người cha dù nghèo nhưng vẫn khuyến khích con gái học vẽ. Tiếc rằng, người cha mất quá sớm, có thể nói gây nên một chấn động trong tâm hồn trẻ thơ của nữ họa sĩ. Vì vậy sau này, mỗi khi nhớ đến cha là bà lại nhớ về Hà Nội với những góc phố nhỏ, quán nước, quán phở, với vỉa hè, ngôi nhà đọng lại màu kiến trúc, màu thời gian rất đậm được cha dẫn đi từ khi còn nhở xíu. Hay cái mầu hồng điều đậm sắc xuân xứ sở Á Đông đã ăn sâu, bắt rễ vào tâm hồn bà, bởi: “Đặc biệt tôi nhớ đến màu hồng điều, cái màu rất là mạnh ở Việt Nam vì hồi trước nhà thường bị tối do mái thấp nên người ta dùng màu hồng điều để nó sáng nhà, cho tươi vui khi mùa xuân đến. Màu hồng điều luôn là biểu trưng cho hạnh phúc, mùa xuân. Các ông đồ ngày Tết hay viết chữ nho đen lên giấy hồng rất là nổi bật”... 

Hà Nội cũng là những buổi sáng nhịn ăn để có tiền mua báo Văn nghệ, nơi thường đăng tải những bức tranh, minh họa của bậc thầy hội họa Việt Nam Bùi Xuân Phái - người mà bà ngưỡng mộ và có nhiều kỷ niệm riêng, sau này còn trở thành mẫu vẽ của Bùi Xuân Phái. Được tiếp thu, thấm nhuần bút pháp, quan niệm nghệ thuật những danh họa của Thủ đô bấy giờ như Nguyễn Tư Nghiêm, Văn Cao, Bùi Xuân Phái, nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh để sau này, khi sang châu Âu, bà mới nhận ra rằng: chính nghệ thuật châu Á là điều đã làm cho các họa sỹ châu Á trở nên đặc biệt ở châu Âu, bởi vậy bà không bao giờ quên những kiến thức từ hội họa dân gian châu Á. Cũng bởi vậy, bà vẽ chân dung những họa sĩ này bằng cả niềm kính trọng, biết ơn, tôn vinh, cũng với một niềm gửi gắm: họ, những họa sĩ ấy là một phần của linh hồn Hà Nội, là tinh hoa của Hà Nội mà nếu không có họ, Hà Nội sẽ thiếu vắng đi nhiều lắm
Trong tranh của Văn Dương Thành, Hà Nội còn hiện ra qua những bức tranh vẽ phố phường Hà Nội. Bộ tranh sơn mài ghi lại kỷ niệm phố xưa, "Phố Hàng Bạc", "Hàng Bè", "Hàng Thiếc"... Tất cả chìm trong gam màu ghi xám với bầu trời rực rỡ dát vàng hoặc bạc lá. Những bức tường cũ loang lổ được thể hiện bằng những mảng trứng trắng dát với những cung bậc nóng lạnh khác nhau, đem lại cảm giác thô ráp rất thật của toà kiến trúc. Người xem như được trở về với thời xa xưa, với hương vị, ánh sáng và nhạc điệu như trong giấc mơ.

Người xem còn nhận ra một góc Ô Quan Chưởng dưới nắng xuân, dưới trăng thu, dưới mưa phùn. Một Khuê Văn Các thanh tao của Văn Miếu ngàn năm, một chùa Trấn Quốc nổi lên giữa mặt nước bạc của Tây Hồ. Những tác phẩm có kích thước vài mét đến thật nhỏ đều mang đậm hồn Việt và sự tiếp nối của dòng chảy mỹ thuật folklore trên các trống đồng. Cầu Thê Húc bằng gỗ nằm vắt lối đền Ngọc Sơn với Bờ Hồ, nổi bật giữa lùm cây xanh um tùm, mặt nước hồ cũng có màu xanh lá cây và may mắn vẫn có cụ rùa thỉnh thoảng nổi lên để mọi người được chiêm ngưỡng.          

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần