Mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe: Lợi đủ đường!

Trần Nga thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước thông tin từ năm 2017 mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe (HSSK), phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Lương Sơn – Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam để làm rõ hơn vấn đề này.

Ông Phạm Lương Sơn – Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam
Trong năm nay, 100% người dân có HSSK

Xin ông có thể làm rõ hơn về khái niệm và ý nghĩa của việc triển khai thực hiện HSSK?

- HSSK là hồ sơ để theo dõi, quản lý sức khỏe của người dân trong suốt cuộc đời. Một bộ hồ sơ sẽ được xác lập đầy đủ thông tin về nhân thân của người dân, những tiêu chí căn bản về tình trạng sức khỏe bao gồm cả cân nặng, chiều cao, giới tính, nhóm máu và một số thông tin khác về tiền sử, lịch sử bệnh, thậm chí chúng tôi mong muốn khai thác được cả lịch sử bệnh liên quan đến dòng họ, hộ gia đình của đối tượng. Một kỳ vọng nữa mà HSSK hướng tới là mỗi người dân sẽ đều được quản lý, được chăm sóc sức khỏe (CSSK) một cách trực tiếp, cụ thể, toàn diện với một nhóm bác sĩ hoặc một bác sĩ ở gần nhất thông qua HSSK.
Về ý nghĩa của HSSK, có thể nói rằng, bất kỳ một quốc gia nào đều có mục tiêu CSSK toàn dân, toàn diện và bao phủ. Trong đó, có 2 mục tiêu hướng đến bao phủ toàn diện về CSSK và bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân để đảm bảo cơ chế tài chính. Việc quản lý sức khỏe là một trong những bước để bao phủ toàn diện về CSSK cho Nhân dân.
 Khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng
Thực tế ở Việt Nam, CSSK ban đầu thông qua hệ thống y tế cơ sở là các trạm y tế được thế giới đánh giá cao. Việt Nam không những có đầy đủ các trạm y tế tuyến xã mà còn có cả hệ thống y tế thôn bản. Đây là tuyến y tế gần dân nhất, nhanh nhất. Tuy nhiên để có thể quản lý, CSSK người dân từ tuyến y tế cơ sở cần phải có HSSK để theo dõi. Khi mỗi người dân có một HSSK, toàn bộ dữ liệu trong HSSK sẽ được cập nhật trên hệ thống thông tin giám định của BHXH Việt Nam, được chia sẻ trên toàn quốc. Đồng thời, mỗi người dân sẽ được tự giữ một bộ hồ sơ giấy tương tự như quyển y bạ. Cũng thông qua đây, các nhà quản lý có thể dễ dàng nắm bắt được xu hướng bệnh tật của Việt Nam trong từng thời điểm.

Vậy lộ trình lập HSSK cho người dân được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Mục tiêu mỗi người dân có một HSSK đã được ngành BHXH Việt Nam nung nấu từ rất nhiều năm, dựa trên những kinh nghiệm đúc rút được từ khi thực hiện cơ chế BHYT năm 1992 cho đến nay. Từ năm 2016, chương trình này đã được thí điểm tại một huyện của tỉnh Phú Thọ và một số xã của tỉnh Bắc Ninh và rút ra rất nhiều kinh nghiệm. Trong năm 2017, Chính phủ xác định là năm quyết liệt, dồn toàn lực của ngành bảo hiểm và ngành y tế, quyết thực hiện bằng được việc quản lý và thiết lập HSSK cho 100% người dân. Chỉ trong một vài ngày nữa, Chỉ thị này của Chính phủ sẽ được ban hành.

Về lộ trình lâu dài, chúng ta phải hiểu rằng quản lý CSSK cơ sở có 3 việc. Thứ nhất là lập HSSK. Thứ hai là xác lập phạm vi chuyên môn để các bác sĩ ở trạm y tế xã được phép cung cấp những dịch vụ y tế thiết yếu, cơ bản, phục vụ khám chữa bệnh thông thường nhất cho người dân. Thứ ba là hướng tới tư vấn, định hướng điều trị cho người dân.
Trước mắt, trong năm 2017 sẽ tập trung vào bước một là lập HSSK cho 100% người dân Việt Nam và cung cấp các dịch vụ thông thường. Muốn làm được đến bước thứ ba phải có những thay đổi cả về vấn đề cơ chế, các văn bản quy phạm pháp luật về chuyển tuyến và cần có cơ chế đào tạo chất lượng nguồn lực nhân viên y tế.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn kiểm tra hồ sơ của một bệnh nhân. Ảnh: Phạm Hùng
Kinh phí do BHXH chi trả

Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Y tế đã lên kế hoạch tài chính để thực hiện việc này như thế nào, thưa ông?

- Kinh phí ban đầu chi lập HSSK cho những người đã tham gia BHYT sẽ do BHXH Việt Nam chi trả. Phần kinh phí này đã được nằm trong kinh phí dự toán năm 2017 trình Chính phủ. Còn những người chưa tham gia BHYT, nguồn kinh phí dự tính do Ngân sách địa phương hoặc các nguồn tài trợ huy động chi trả. Cũng chính thông qua việc lập HSSK này sẽ là cách để kích thích 18% dân số còn lại chưa tham gia BHYT tham gia. Theo tính toán, như tại Hà Nội, dự trù kinh phí lập sổ HSSK không quá 10.000 đồng/người, chi phí khám cơ bản với các dịch vụ y tế cơ bản như xét nghiệm, siêu âm, cập nhật hồ sơ khoảng 60.000 đồng/người/năm. Như vậy, dự kiến năm 2017, Việt Nam có khoảng 80 triệu dân có BHYT thì số tiền chi cho lập và quản lý HSSK khoảng 4.800 tỷ đồng, số tiền chi lập HSSK cho khoảng 18% dân số chưa tham gia BHYT cũng chỉ khoảng 720 tỷ đồng.

Vậy theo ông người dân sẽ được hưởng lợi ích gì từ HSSK?

- Cái lợi đầu tiên là khi người dân nhận được HSSK trên tay sẽ cảm thấy cái mình quý nhất là sức khỏe đã được quan tâm, từ đó tinh thần cũng sẽ ổn định. Hơn nữa, khi HSSK được đi vào đúng mục tiêu, định hướng ban đầu, mỗi người dân có thể coi đó như là một bác sĩ riêng để quản lý, theo dõi, chăm sóc sức khỏe của mình.

Cái lợi thứ hai là về mặt dự phòng, khi người dân đã khám và khám định kỳ hàng năm sẽ phát hiện sớm các bệnh.

Thứ ba là khi đi vào chu trình này, hiệu quả điều trị kỳ vọng sẽ tốt nhất lên. Vì khi đi vào chu trình, người dân vừa được hưởng những dịch vụ y tế thông thường tại cơ sở vừa được tư vấn, định hướng cách điều trị hiệu quả nhất. Ngoài ra, ngành y tế cũng được hưởng lợi vì đây là cơ hội để toàn ngành tái cấu trúc lại hệ thống chăm sóc sức khỏe. Ví dụ, hiện nay, người dân đến khám tại trạm y tế phát hiện ra các bệnh không lây nhiễm như huyết áp, tiểu đường thì theo qui định phải quay lại nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu để lấy thuốc. Nhưng nếu áp dụng HSSK này, toàn bộ việc quản lý các bệnh không lây nhiễm sẽ được đưa về cơ sở. Cùng với đó sẽ có phác đồ điều trị tại cơ sở, bổ sung danh mục thuốc điều trị cho cơ sở. Cơ quan BHXH cũng có lợi vì khi tăng cường y tế dự phòng chính là tăng cường hiệu quả sử dụng quỹ BHYT, cơ hội kết nối giữa bảo hiểm thương mại với bảo hiểm Nhà nước.

Bảo hiểm Việt Nam cũng đang có lộ trình thay thế thẻ BHYT giấy bằng thẻ điện tử. Vậy HSSK có được tích hợp vào thẻ điện tử này không?

- Thẻ điện tử này có tên là thẻ an sinh xã hội, được gắn chip và được tích hợp nhiều loại dữ liệu. Mục tiêu là nhằm giảm trùng lắp khi cấp thẻ BHYT, giảm thủ tục hành chính cho người tham gia các dịch vụ BHXH, BHYT. Dự kiến dự án triển khai từ năm 2017, bước đầu thực hiện ở 2 tỉnh và sẽ hoàn tất chuyển đổi sang thẻ nhựa cho toàn bộ người tham gia bảo hiểm vào năm 2019. Đó là giai đoạn một của lộ trình thay thế. Giai đoạn hai sau đó sẽ tích hợp sinh trắc học vào thẻ này để tránh việc ngăn ngừa việc lạm dụng thẻ. Đó có thể là vân tay, nhận diện khuôn mặt, ánh mắt… Đến giai đoạn ba sẽ tích hợp toàn bộ quá trình đóng và hưởng BHYT, BHXH của chủ thẻ. Đây chính là giai đoạn mà HSSK sẽ được tích hợp vào. Hiểu nôm na rằng, trong giai đoạn ba này, hồ sơ sẽ có 2 trang, một trang là quá trình đóng và một trang là quá trình hưởng. Trong trang quá trình hưởng sẽ bao gồm HSSK của người dân. Những lần đi khám bệnh của người dân sẽ được lưu lại vào đó về bệnh lý và kinh phí khám. Đó là lộ trình được BHXH nghiên cứu đặt ra nhưng theo tôi để thực hiện được cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Xin cảm ơn ông!

Dự kiến năm 2017, Việt Nam có khoảng 80 triệu dân có BHYT thì số tiền chi cho lập và quản lý HSSK khoảng 4.800 tỷ đồng, số tiền chi lập HSSK cho khoảng 18% dân số chưa tham gia BHYT khoảng 720 tỷ đồng.