Mỗi tuần một cuốn sách: "Đừng kể tên tôi"

Lê Thị Kim Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 21 con người - 21 chân dung về chiến tranh và hậu chiến đã được tác giả Phan Thúy Hà kể lại trong cuốn “Đừng kể tên tôi” vừa ra mắt bạn đọc.

Đó là những câu chuyện đơn giản, chân thực về những người lính, người anh hùng, vợ anh hùng, những thanh niên xung phong, đi làm nghĩa vụ cao cả, thiêng liêng, bảo vệ Tổ quốc. Có gì khác trong những số phận đó khi chiến tranh đã lui về quá khứ?
 
Những người không trở về, người thân của họ ở nhà đau khổ và không nguôi ước mong tìm kiếm, nhưng những người trở về mà vẫn khiến người thân phải trăn trở, phải buồn phiền. “Tôi trở về. Tôi không bỏ xác trong rừng. Vậy mà sao cha mẹ tôi lại buồn. Họ thở ra thở vào. Họ nhìn tôi ái ngại. Tôi mới hai mươi ba tuổi. Tôi phải làm ăn. Tôi sẽ làm ăn theo kiểu gì đây khi hai bàn tay không còn nữa.” Câu chuyện người trở về như một dấu hỏi lớn, buồn bã chân thực. Không có sự ngợi ca, không có chào mừng, không hùng dũng như lúc ra đi, họ trở về làm con người lặng thầm với những nỗi đau chiến tranh để lại trong thân thể họ, để lại di chứng trên những đứa con của họ và có người lại không thể có con, biết bao nhiêu số phận như vậy?

Chiến tranh tưởng chừng đã lùi xa, chỉ còn nhắc lại trong các buổi lễ kỷ niệm, đôi người nhớ, đôi người quên, lớp trẻ hờ hững, và tác giả Phan Thúy Hà cũng vậy. Cho đến khi bắt tay vào viết sách, tìm hiểu những con người thì những người nông dân chị thường gặp ấy bỗng sống dậy, một quá khứ hiển hiện, những nỗi đau mà người ở lại mãi khôn nguôi.

Chiến tranh, đề tài ấy cũng khiến bao người trăn trở, bao người đã viết, nhưng để chạm đến độc giả, để đi vào văn chương, nhiều hình tượng được ngợi ca, được anh hùng hóa đến phi thường, bị biến thành những tượng đài cứng nhắc của ngôn từ khiến độc giả nhàm chán. Còn chiến tranh trong quyển sách này, cũng có anh hùng, cũng có đấu tranh tư tưởng của những người lính nhưng nó thật, cái thật đến đau lòng, trần trụi. Họ, những người lính, những người thanh niên xung phong, tự coi mình là những người may mắn được trở về với những mộng tưởng của ngày hòa bình bị thực tế phũ phàng quay lưng lạnh lùng.

Những câu chuyện ấy, không dài dòng, các câu văn, đoạn văn ngắn, gẫy gọn, khô khốc cứ thế bày ra những sự thật mà người lính thời hậu chiến phải đương đầu, gạt bỏ lại sau lưng những danh hiệu, những huân chương, có người gạt bỏ cả giấy tờ. Rồi những nữ thanh niên xung phong, họ cũng lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc, gác lại những niềm riêng và tự an ủi người thân: “Tôi nói với cha, hòa bình nếu còn có người tới hỏi con sẽ lấy làm chồng”. Nhưng “hòa bình rồi không ai tới hỏi tôi”. Chiến tranh đã lấy đi của họ cả tuổi trẻ, tình yêu, hạnh phúc, ước vọng được làm mẹ…

Những con người, những số phận rất thực hiện lên, day dứt, đầy trăn trở và nhức nhối, những con người này có thật, và những câu chuyện này được tác giả đi kết nối lại, không màu mè, sáo rỗng, không ca tụng, xưng danh, những con người ấy ban đầu đã nói với tác giả “xin đừng kể tên tôi”, bởi “so với anh em đồng đội đã hy sinh khi tuổi đời mười tám hai mươi thì mình được sống đến hôm nay, có con cháu vậy là may mắn rồi”.

Nhà văn Phan Thúy Hà đã lắng nghe, ghi chép, sắp xếp lại câu chuyện về những số phận tưởng sắp bị lãng quên nếu không ai chia sẻ. Và chị tự trả lời: “Viết để mà yêu nhau, để thương nhau hơn”.