Moscow lên tiếng khi Đức ủng hộ tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lãnh đạo Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) cảnh báo rằng nước này sẽ có quyền thực hiện các hành động tương tự đối với tài sản của Đức và các quốc gia khác nếu tài sản của Nga bị tịch thu.

Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin. Ảnh: Tass
Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin. Ảnh: Tass

Ông Vyacheslav Volodin, Chủ tịch Hạ viện Nga, ngày 5/1 cho biết việc Đức để ngỏ khả năng tịch thu các tài sản bị “đóng băng” của Nga để hỗ trợ Ukraine có thể lôi kéo các quốc gia khác vi phạm luật pháp quốc tế.

Người đứng đầu Duma Nga lưu ý thêm rằng chính phủ Đức nên ghi nhớ bài học trong lịch sử của nước này về hậu quả từ việc “xâm phạm quyền sở hữu của quốc gia khác”.

Ông Volodin cũng cảnh báo rằng Moscow sẽ có quyền thực hiện các hành động tương tự đối với tài sản của Đức và các quốc gia khác nếu tài sản của Nga bị tịch thu.

Chủ tịch Duma Nga nhấn mạnh rằng các nước châu Âu, đặc biệt là Đức và Pháp, phải chịu trách nhiệm một phần đối với những gì đang diễn ra ở Ukraine khi không thuyết phục được Kiev tuân thủ cam kết trong thỏa thuận Minsk.

Tuyên bố trên được lãnh đạo Hạ viện Nga đưa ra sau khi Bloomberg đưa tin Đức sẵn sàng sử dụng tài sản của Ngân hàng trung ương Nga, vốn bị đóng băng từ năm ngoái do các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU), để tài trợ cho việc tái thiết Ukraine.

Chính phủ Đức được cho là ủng hộ việc sử dụng cho các quỹ ở Ukraine nhưng vẫn chưa có quan điểm chính thức nào về vấn đề này do các thành viên nội các có ý kiến trái chiều, Bloomberg dẫn nhiều nguồn tin thân cận. 

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock khẳng định, ít nhất một số tài sản Nga đang bị phong tỏa phải bị tịch thu. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner lo ngại động thái này có thể tạo ra tiền lệ nguy hiểm và đẩy các quốc gia châu Âu và đồng minh vào vũng lầy pháp lý. 

Berlin sẽ ủng hộ tịch thu với điều kiện các vấn đề pháp lý đã được giải quyết và các đồng minh của nước này cũng sẽ tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga. 

EU và nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đã “đóng băng” khoảng 300 tỷ euro (311 tỷ USD) dự trữ của Ngân hàng trung ương Nga, cùng với hàng tỷ USD tài sản thuộc sở hữu của các doanh nhân Nga bị trừng phạt.

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định, EU sẽ “tìm mọi cách hợp pháp” nhằm tịch thu tài sản bị "đóng băng" của Nga để hỗ trợ tái thiết ở Ukraine.

Trong khi đó, tại Mỹ, các nhà lập pháp cũng đã hối thúc chính quyền của Tổng thống Joe Biden xem xét tịch thu một số tài sản Nga, đưa ra luật cho phép điều đó trong một số trường hợp nhất định. Tuy nhiên, Nhà Trắng đã từ chối những yêu cầu đó vì lo ngại động thái như vậy sẽ gây lo lắng và khiến các ngân hàng trung ương nước ngoài khác e ngại gửi tài sản tại Mỹ.