Một công đôi việc

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một sự kiện quan trọng diễn ra đầu tuần qua, đó là sáng 2/7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp trực tuyến với tất cả các địa phương trên cả nước.

Hội nghị nhằm thảo luận, phân tích, làm rõ tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018, những kết quả đạt được, những mặt còn tồn tại, hạn chế, yếu kém và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm.
Trong bài phát biểu tại hội nghị, bên cạnh những ý kiến chỉ đạo mang tầm vĩ mô, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc không bỏ qua những vấn đề dân sinh bức xúc, như an toàn giao thông, lừa đảo, xâm hại trẻ em, bạo lực học đường, an toàn thực phẩm, vệ sinh trường học, bệnh viện… “Chúng ta không để tình trạng xã hội bức xúc kéo dài, ảnh hưởng đến sự ổn định lâu dài của đất nước, niềm tin của Nhân dân, đến thế hệ mai sau. Cần quan tâm đến lợi ích chính đáng của Nhân dân. Đây là yêu cầu cần thiết đối với mọi cấp, mọi ngành” – Thủ tướng nói. Trong hàng loạt vấn đề mà ông coi là nguyên nhân gây ra những bức xúc không đáng có trong đời sống xã hội, Thủ tướng giao trách nhiệm cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo cải thiện vấn đề nhà vệ sinh ở trường học và các bệnh viện, cơ sở y tế. Người đứng đầu Chính phủ đã quan tâm đến những vấn đề tưởng như không mấy quan trọng, rất dễ bị bỏ qua.

Hy vọng là hai vị Bộ trưởng thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng. Cũng cần nói thêm rằng, đây không phải lần đầu, vấn đề nhà vệ sinh trong trường học, bệnh viện và rộng hơn là ở những nơi công cộng như nhà ga, bến xe, nơi vui chơi giải trí… được nhắc tới. Công luận và dư luận đã nói nhiều, nhiều phương án giải quyết được đề ra, nhưng xem ra tình hình vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu. Đơn cử như vấn đề nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) ở Hà Nội và một số đô thị khác. Có thể nói, Hà Nội là địa phương sớm quan tâm đến vấn đề này. Mới đây nhất, cuối năm 2016, dự án xây dựng 1.000 NVSCC do Công ty CP Thương mại và Truyền thông Vinasin làm chủ đầu tư được UBND TP phê duyệt. Theo đó, quý I/2017 sẽ triển khai giai đoạn 1 của dự án: lắp đặt 100 nhà vệ sinh hoạt động tốt; giai đoạn 2 đến hết năm 2017 sẽ hoàn thiện tiếp 150 nhà vệ sinh. Đến năm 2020, chủ đầu tư sẽ tiếp tục khảo sát nhu cầu thực tế để hoàn thành lắp đặt đủ số lượng NVSCC và bàn giao đưa vào sử dụng. Dự án được triển khai với mong muốn giải quyết nhu cầu người dân, góp phần xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp cho Thủ đô, nhưng thực tế lại chưa được như mong muốn.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, toàn TP có khoảng 350 NVSCC được phân bố ở 10 quận nội thành và thị xã Sơn Tây. Trong đó, 263 NVSCC cố định phân bố chủ yếu ở các ngõ, phục vụ người dân trong các khu dân cư, khu tập thể. Số còn lại được lắp ghép bằng thép tại các điểm chờ xe buýt, công viên, vườn hoa, các khu vui chơi, giải trí công cộng khác.Tính trung bình mỗi quận chỉ có khoảng trên 30 NVSCC. Ngay cả những khu vực có nhiều NVSCC như quanh Hồ Gươm, vào những dịp ngày lễ, ngày cuối tuần đông người, số lượng nhà vệ sinh cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Đó là chưa kể đa phần NVSCC ở trong tình trạng xuống cấp, kém vệ sinh, thậm chí là rất bẩn vì thiếu nước.

Bên cạnh việc triển khai dự án xây các NVSCC mới, để phục vụ du khách đến khu phố đi bộ quanh Hồ Gươm, Hà Nội đã có giải pháp khá hợp lý. Đó là vận động một số cơ quan, đơn vị, DN, tổ chức để người dân có thể sử dụng nhà vệ sinh miễn phí. Ngoài sử dụng một số NVSCC, theo cách làm này, du khách còn có thể sử dụng nhà vệ sinh ở Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm (số 2 Lê Thái Tổ), nhà hàng Long Vân - Hồng Vân, tòa nhà Hàm Cá Mập, nhà hàng Lục Thủy, nhà hàng Bốn Mùa… Rất tiếc là ý tưởng này đã không được thực hiện thành công, chưa nói đến việc nhân rộng ra toàn TP. Trong các địa chỉ trên, duy nhất nhà vệ sinh số 8 Lê Thái Tổ là phục vụ miễn phí cả ngày; còn lại chỉ không thu phí trong khoảng thời gian 19 – 24 giờ 3 ngày cuối tuần.

Về quy định các cửa hàng, quán ăn, khách sạn… có trách nhiệm phục vụ khách vãng lai đi vệ sinh miễn phí, thì những ai từng đến Nhật đều đã biết. Tuy nhiên, chẳng phải học đâu xa, về vấn đề này, Hà Nội có thể học tập ngay TP Huế. Từ mấy năm nay, du khách đến Huế thường bắt gặp những biển báo xinh xinh, được thiết kế theo một mẫu thống nhất chỉ dẫn những điểm đi vệ sinh miễn phí tại các công sở, khách sạn, nhà hàng… Theo một đồng nghiệp ở Huế, không phải ngay từ đầu chủ trương này đã có hiệu quả. Bởi không phải đơn vị nào cũng sẵn sàng đón khách vào đi vệ sinh miễn phí. Chưa kể không phải ai được phục vụ miễn phí cũng có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, thậm chí còn làm ảnh hưởng đến hình ảnh của các nhà hàng, khách sạn cao cấp. Tuy nhiên, đã quyết là làm đến nơi đến chốn. Bên cạnh việc vận động, thuyết phục, Huế đã có những biện pháp kiên quyết, thậm chí cứng rắn như công khai danh tính những đơn vị không chấp hành chủ trương này của TP. Kết quả là Huế đã gây dựng một nếp đẹp, tạo thêm một ấn tượng tốt cho du khách đến thăm TP Festival miền Trung này.

Nên chăng Hà Nội với niềm tự hào là Thủ đô thanh lịch, văn minh cũng nghiên cứu và cách thức không mấy tốn kém mà chỉ cần một thái độ kiên quyết, không đánh trống bỏ dùi của địa phương bạn? Làm được như vậy, không chỉ giải quyết được một vấn đề bức xúc lâu nay mà còn góp phần làm Hà Nội trở nên thân thiện hơn trong mắt bạn bè bốn phương, góp phần vào sự tăng trưởng của ngành du lịch. Thật là một công đôi việc!