Một phát hiện giá trị

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong cuộc trò chuyện về vai trò của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong giai đoạn...

Kinhtedothi - Trong cuộc trò chuyện về vai trò của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong giai đoạn cuối những năm 20, đầu những năm 30 của thế kỷ XX tại Đông Nam Á, khi Người được Quốc tế cộng sản giao nhiệm vụ đặc trách phát triển phong trào cộng sản ở khu vực này, ông Nguyễn Mạnh Hà -Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, ông vừa phát hiện ra tài liệu khẳng định Nguyễn Ái Quốc là một trong những nhân vật chủ chốt sáng lập ra Đảng Cộng sản Malaysia.

Đầu tháng 4/2014, ông Hà được mời tham dự một cuộc hội thảo ở Singapore. Sau khi kết thúc hội thảo, những người tham dự đã được mời tham quan khu trưng bày lịch sử hình thành và phát triển của phong trào cộng sản quốc tế của Cục Lưu trữ An ninh quốc gia Singapore.
 
 Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại chiến khu Việt Bắc.  Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại chiến khu Việt Bắc. Ảnh tư liệu
“Khi tới khu trưng bày Đảng Cộng sản Đông Dương, tôi nhìn thấy tấm hình chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh khá lớn. Lại gần thì thấy bên dưới bức chân dung ghi: “Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh (1890 - 1969): (1) Lãnh tụ Đảng Cộng sản Việt Nam; (2) Một trong những nhà sáng lập chủ chốt của Đảng Cộng sản Malaysia: (3) Nguyễn Ái Quốc được Quốc tế cộng sản phân công phát triển phong trào cách mạng và cộng sản ở Malaysia”. Sau đó, tôi có hỏi một Giáo sư người Malaysia là những chuyện này có thật không, ông ấy gật đầu và nói đó là sự thật” - ông Hà kể.

Ông Hà cũng cho biết, tuy đây là một phát hiện lý thú mà lâu nay các nhà nghiên cứu chưa có điều kiện tiếp cận, nhưng nếu xem xét lại kỹ giai đoạn hoạt động của Bác trong đầu những năm 1930 ở khu vực Đông Nam Á thì việc Bác là một trong những người sáng lập ra Đảng Cộng sản Malaysia là hoàn toàn có cơ sở.

Nhìn lại lịch sử của giai đoạn này, chúng ta biết rằng, ngày 27/10/1929, Quốc tế Cộng sản đã gửi cho những người cộng sản Đông Dương một tài liệu tuyệt mật, trong đó yêu cầu về việc thành lập một đảng cộng sản duy nhất ở Đông Dương. Chỉ thị nêu rõ: “Nhiệm vụ quan trọng nhất và cấp bách nhất của tất cả những người cộng sản ở Đông Dương là thành lập một đảng cách mạng có tính chất giai cấp của giai cấp vô sản, nghĩa là một đảng cộng sản có tính chất quần chúng ở Đông Dương. Đảng đó phải chỉ có một và là tổ chức cộng sản duy nhất ở Đông Dương”. Tuy nhiên, vào thời gian cuối năm 1929, chưa có một người cộng sản nào ở Đông Dương tiếp cận được tài liệu này.

Tháng 11/1929, Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở Xiêm (Thái Lan). Khi biết tin sự chia rẽ giữa các tổ chức cộng sản ở trong nước, Người lập tức rời Xiêm đi Trung Quốc và tới Hongkong (Trung Quốc) ngày 23/12/1929.

Ông Hà kể: “Lấy tư cách là phái viên Quốc tế Cộng sản, có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến phong trào cách mạng ở Đông Dương, Người triệu tập đại biểu của 2 nhóm: Đông Dương cộng sản Đảng và An Nam cộng sản Đảng họp Hội nghị hợp nhất tại Cửu Long (Hongkong). Hội nghị bắt đầu họp ngày 6/1 - 8/2/1930. Sau 10 ngày (18/2), các đại biểu về nước thì Bác viết một lá thư báo cáo Quốc tế Cộng sản: “Tôi đã đến Hương Cảng. Tôi đã triệu tập họp. Tôi đã nói với họ là cần phải thống nhất vào một đảng và họ đã đồng ý. Hội nghị đã họp từ 6/1 - 8/2 thì các đại biểu lên đường về nước”.

Tại Hội nghị hợp nhất đã ra một Thông báo giống như kiểu nghị quyết về việc sẽ thành lập T.Ư chấp ủy lâm thời. Hội nghị chỉ làm một việc là thống nhất và thông qua 4 văn kiện của Nguyễn Ái Quốc: Chính cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng, Điều lệ tóm tắt của Đảng và Chương trình vắn tắt của Đảng.

Sau khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, cuối tháng 3/1930, Nguyễn Ái Quốc rời Hongkong quay trở về Đông Dương để xây dựng và phát triển phong trào cộng sản tại khu vực này. Theo cuốn hồi ký: “Hồ Chí Minh - Chân dung một cuộc đời”, William Duiker mô tả: Sau khi đến Bangkok (Thái Lan) Nguyễn Ái Quốc liền đi Udon Thani, ở cao nguyên Khorat, thông báo với Việt kiều về việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc đã kêu gọi tất cả những người cộng sản tại nước sở tại gia nhập Đảng Cộng sản Xiêm sắp thành lập.

Giữa tháng 4/1930, từ Khorat, Nguyễn Ái Quốc trở lại Bangkok, chủ trì cuộc họp thành lập Đảng Cộng sản Xiêm, bầu Ban Chấp hành lâm thời, trong đó có một đảng viên Việt Nam từ nhóm Udon Thani. Để giảm bớt mối lo cho những người cộng sản Việt kiều rằng nếu tham gia Đảng Cộng sản Xiêm thì họ sẽ không còn được quyền tham gia đấu tranh giải phóng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đề nghị Văn phòng Hội ở Udon Thani chuyển thành Ban Chấp hành cấp tỉnh thuộc Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau đó, Nguyễn Ái Quốc đến Malaysia và Singapore, dự hội nghị Đảng Cộng sản Nam Dương vừa được lệnh chuyển thành tân Đảng Cộng sản Malaysia. Cả hai Đảng Cộng sản Malaysia và Xiêm dưới quyền chỉ đạo của Văn phòng Viễn Đông ở Thượng Hải, thông qua Văn phòng Phương Nam của Nguyễn Ái Quốc ở Hongkong. Người trở lại Hongkong vào giữa tháng 5/1930...

Như vậy, có thể nói, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với phong trào cộng sản ở khu vực Đông Nam Á. Người không chỉ sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn là một trong những người chủ chốt sáng lập ra Đảng Cộng sản Xiêm, Đảng Cộng sản Malaysia.