Một thế giới mới sau đại dịch

TS Nguyễn Thị Thanh Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc khủng hoảng Covid-19 là sự kiện đảo lộn cuộc sống nhất mà loài người chúng ta phải đối mặt kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Các nhà khoa học đã nhận ra rằng, thế giới đã được thay đổi và sau đại dịch, và nó sẽ tiếp tục thay đổi để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn và bình đẳng hơn.

Thế giới online
Sự thay đổi được cho là tích cực của xã hội đó là sự dịch chuyển đáng kể sang các giao dịch online. Trước đây, ngoài mối quan hệ đời sống bình thường, khi về già người ta bắt đầu hướng tới thế giới tâm linh. Người ta lên án giới trẻ sống ảo, dán mắt vào màn hình máy tính, smartphone và tivi thì giờ đây sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 người lớn cũng phải chuyển sang làm việc online, mua bán online và hơn nữa con người đã phải chấp nhận sang hoạt động ảo khác như đám cưới online, hội họp online và thậm chí đám ma online. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến cách thức giao tiếp trong học tập, làm việc, giao dịch và sinh hoạt đời thường của tất cả chúng ta.
 Chuyến bay đầu tiên chở du khách quốc tế đến Việt Nam trong chương trình thí điểm đón du khách quốc tế, tháng 11/2021. Ảnh: Trần Dũng
Một xu hướng chính đang nổi lên là tốc độ áp dụng kỹ thuật số đang tăng nhanh trên phạm vi toàn cầu. Nền tảng công nghệ và sự phát triển chóng mặt của các phương tiện kỹ thuật số, đặc biệt là smartphone được thiết lập để đóng một vai trò lớn hơn trong việc giao tiếp giữa con người với con người trong tất cả các hoạt động hàng ngày.

Xu thế tiêu dùng mới

Đã xuất hiện xu thế tiêu dùng mới tại Việt Nam cũng như toàn cầu và những cách thức truyền thống mua bán trao tay cũ sẽ dần bị thu hẹp. Ngoài ra còn có sự thay đổi theo hướng người tiêu dùng tập trung vào các nhu cầu cơ bản và thiết yếu hơn là hàng xa xỉ. Sự thiếu hụt hàng hóa và những ràng buộc cách ly xã hội tại các vùng dịch đã khiến cho quan hệ giữa người bán và người tiêu dùng phải thay đổi trong việc cung cấp chất lượng, giá cả nguồn gốc các sản phẩm. Các nhà sản xuất cũng phải điều chỉnh lại phương án sử dụng bao bì một lần thay vì các loại bao bì truyền thống có chi phí đắt tiền trước khi đại dịch xuất hiện.

Các nhà nghiên cứu đều cho rằng, người tiêu dùng sẽ chấp nhận các thay đổi mới thời Covid-19 nếu những thói quen hiện nay được đánh giá “thuận lợi hơn, giá cả phải chăng và dễ tiếp cận hơn”. Các dịch vụ phát trực tuyến như Netflix, Disney và Prime là những ví dụ về sự thay đổi như vậy trong hành vi của người tiêu dùng với một giải pháp thay thế tốt hơn và dễ tiếp cận hơn sắp ra mắt.

Trong một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Numerator Insights Data (2021), phản ánh về thói quen giải trí, ăn uống trong kịch bản sau Covid, 32% số người được hỏi cảm thấy rằng họ sẽ đến các quán bar và nhà hàng thường xuyên hơn so với thời điểm trước Covid, trong khi 23% kỳ vọng bản thân sẽ tiếp tục với thói quen được hình thành trong thời kỳ Covid, tức là số lần đi ăn ngoài ít hơn. Liên quan đến việc sửa đổi thói quen đặt hàng hoặc mang thức ăn về nhà, 18% cảm thấy rằng họ sẽ tiếp tục với tần suất lớn hơn, trong khi 19% tin rằng thói quen của họ sẽ thay đổi và trở lại mô hình của thời kỳ trước Covid.

Phần lớn người tiêu dùng đã tăng cường sử dụng các dịch vụ kỹ thuật số và đa kênh, chẳng hạn như giao hàng tận nhà, nhận hàng ở lề đường hoặc mua sắm qua các nền tảng truyền thông xã hội, đều mong muốn duy trì các hoạt động này trong tương lai. Người bán hàng cũng ít nhiều thấy được ưu việt của cách bán hàng này khi không phải chi phí thuê cửa hàng và có xu hướng tối ưu chi phí giao nhận để tăng hiệu quả khai thác. Những thay đổi này khiến các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia

marketting cũng phải thay đổi các tiếp cận, thu hút và bán hàng nếu như không muốn trôi đi cơ hội phục hồi sau đại dịch.

Xu thế giải trí, du lịch

Xu hướng giải trí cũng có sự thay đổi đáng kể. Người dân châu Âu và người Mỹ dành thời gian cho các hoạt động giải trí, du lịch trong nước nhiều hơn. Việc sử dụng các nền tảng giải trí trực tuyến phổ biến đã tăng vọt. Khi các nền kinh tế mở cửa trở lại, gần 3/4 số người tiêu dùng nói rằng họ do dự khi tiếp tục các hoạt động thường xuyên bên ngoài gia đình. Họ lo lắng về việc đi đến tiệm làm tóc, phòng tập thể dục hoặc nhà hàng. Các cuộc phỏng vấn thăm dò đều ghi nhận những lo lắng về môi trường chung, chẳng hạn như văn phòng, phương tiện giao thông công cộng, đi chung xe, đi lại bằng máy bay và nói chung là ở trong không gian đông đúc.

Để tồn tại ngành du lịch, đặc biệt là khách sạn, hãng hàng không và sân bay đang áp dụng công nghệ không tiếp xúc để giữ khách du lịch được an toàn và hài lòng. Đây là xu hướng chung của thế giới bắt buộc Việt Nam phải thay đổi theo, thiết kế lại toàn bộ quá trình tác nghiệp trong trình điều hành du lịch, từ điểm nhận hành lý và ký gửi không cần tiếp xúc tại sân bay để đặt hàng đồ ăn uống không cần chạm tại các khách sạn và nhà hàng.

Làn sóng đại dịch bị cách ly và thiếu các hoạt động tiếp xúc trực tiếp khiến nhiều người đã chuyển sang chơi trò chơi trực tuyến. Điều này gây áp lực cho thương hiệu và nhà bán lẻ vì trò chơi đã trở thành một phần quan trọng trong công việc tương tác với người mua với tư cách khán giả. Balenciaga là thương hiệu thời trang cao cấp của Tây Ban Nha mới đây đã thiết kế buổi ra mắt sản phẩm theo kiểu game và bước đầu đã thắng lợi.

Sau gián đoạn do giãn cách, cách ly, hành vi của người tiêu dùng có thể không bao giờ trở lại “bình thường” cũ, ngay cả sau khi Covid-19 giảm bớt hoặc bị chinh phục. Khảo sát cho thấy phần đông người Mỹ sẽ tiếp tục dành nhiều thời gian hơn ở nhà, tìm kiếm sự an toàn. Với một số người cao tuổi, môi trường sống phần còn lại của cuộc đời cũng sẽ được định hình lại. Ví dụ, nhiều người có thể cân nhắc lại việc ở lại nơi họ sinh sống và chuyển về nông thôn, dẫn đến việc đảo ngược xu hướng đô thị hóa.

Làm việc từ xa

Một cuộc thăm dò gần đây của Gartner cho thấy 48% số nhân viên có khả năng sẽ làm việc từ xa ít nhất một phần thời gian sau Covid -19 so với 30% trước đại dịch. Khi các công ty, đơn vị nên chuyển sang hoạt động làm việc từ xa hãy chuẩn bị các công cụ thiết bị, thiết lập mục tiêu hiệu suất và đánh giá nhân viên cho bối cảnh mới.

Lâu nay, người lao động đánh giá, lựa chọn môi trường làm việc đều lựa chọn tiêu chí thu nhập và cơ hội thăng tiến lên trên. Đại dịch là thời điểm mà các nhân viên và các ứng viên tiềm năng sẽ đánh giá các công ty, đơn vị dựa trên theo cách mà họ đối xử với nhân viên trong thời kỳ đại dịch. Nhiều công ty đã và đang gặp khó khăn khi không làm tốt công tác an sinh xã hội, quan tâm đến người lao động trong thời điểm cách ly, giãn cách xã hội. Điều này thấy rõ ở các công ty may, sản xuất giày… và ngược lại, người lao động có xu hướng tìm đến các thương hiệu đã sát cánh bên người lao động khi khó khăn.

Đại dịch Covid-19 đã buộc tất cả chúng ta phải có những cách làm mới, thay đổi các hành vi hiện có và biến đổi toàn bộ hệ sinh thái sau một thời gian 2 năm đối phó với dịch và có thể còn kéo dài nữa. Do đó, câu hỏi tiếp: “Liệu những thói quen được hình thành trong thời kỳ khủng hoảng Covid-19 sẽ tiếp tục hay mọi người sẽ quay trở lại thói quen cũ một khi các điều kiện thay đổi?”. Đây là một câu hỏi khó, thậm chí là rất khó đang được các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế tiếp tục nghiên cứu, khảo sát và đưa ra các nhận định trong thời gian tới.

Theo một nghiên cứu khoa học, nếu một thói quen, hành vi lặp đi, lặp lại trong vòng 66 ngày liên tục, con người đã bắt đầu có sự thay đổi, huống hồ chi cả nhân loại đang bị tác động mạnh của Covid-19 suốt 2 năm qua. Một thế giới mới đã và đang xuất hiện, mọi người chúng ta đang suy nghĩ về một viễn cảnh toàn cầu mới.