Một việc làm, hai lợi ích!

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu chuyện được nhiều người quan tâm trong những ngày đầu tháng Tư là tình trạng khan hiếm vaccine tiêm phòng bệnh dại tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Theo thông tin từ Trung tâm Tiêm chủng dành cho trẻ em và người lớn của TP, từ đầu tháng 4, rất nhiều người dân đổ về Trung tâm tiêm phòng do nhiều cơ sở y tế đã hết vaccine phòng dại từ trước đó.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Rất may là ở Hà Nội chưa xảy ra tình trạng tương tự. Sáng 12/4, thử gọi điện tới một số điểm tiêm phòng như Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, Phòng tiêm chủng SAFPO… đều được hướng dẫn đến các địa điểm để tư vấn và tiêm phòng bình thường. Theo đánh giá chung, Hà Nội là một trong những địa phương đã thực hiện tốt công tác phòng chống bệnh dại. Các cơ sở y tế, tiêm chủng quan tâm đến việc dự trữ và cung cấp vaccine phòng dại, nên Hà Nội chưa xảy ra hiện tượng khan hiếm loại vaccine này.

Nói đến chuyện vaccine phòng dại lại nghĩ đến tình trạng đáng lo ngại hiện nay. Nhận thức được nguy cơ của loại bệnh nguy hiểm này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y. Nghị định có hiệu lực từ 15/9/2017, quy định rõ phạt tiền từ 600 – 800 nghìn đồng đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. Tuy nhiên cho đến nay, Nghị định này vẫn không được thi hành nghiêm chỉnh. Ngay ở trung tâm Hà Nội, giữa phố đi bộ khu vực Hồ Gươm những ngày cuối tuần vẫn không khó gặp cảnh các cô, cậu bế hoặc dắt cún cưng dạo phố mà không có xích hay rọ mõm. Những chú cún ấy nhiều khi còn được thả chạy tung tăng. Hiện tượng tương tự cũng dễ thấy trên nhiều đường phố Thủ đô. Nhiều chú chó, từ nhỏ xinh đến nặng cả mấy chục cân vẫn thoải mái dạo bộ hay cưỡi xe máy cùng chủ, mà không có các biện pháp phòng bị. Tệ nhất là khu vực một số khu chung cư hay làng quê ngoại thành, Nghị định 90/2017/NĐ-CP hình như chưa được biết đến. Vào các buổi sáng, buổi chiều, lũ chó đủ loại ta, tây, vàng, mực… được thả rông và không hề được rọ mõm. Lũ chó tha hồ chạy nhảy, đùa giỡn, thậm chí “bậy” ra cả hè, đường. Các cụ ta xưa đã có câu “mồm chó, vó ngựa”, thử hỏi ai không lo cho được. Bởi ai biết được chúng đã được tiêm phòng dại hay chưa. Ở một số nơi, không ít trường hợp người đi bộ tập thể dục buổi sáng hay trẻ chơi đùa nơi công cộng đã bị chó cắn mà không biết chủ là ai, đành ngậm ngùi tự đến các cơ sở tiêm phòng tiêm vaccine phòng dại. Có lẽ cũng bởi tình trạng buông lỏng nêu trên, mà những năm gần đây, tại một số huyện ngoại thành Hà Nội vẫn ghi nhận bệnh nhân tử vong do bệnh dại. Và như vậy, lại một Nghị định nữa không được thực thi nghiêm túc, kéo dài thêm danh mục những văn bản pháp luật được ban hành mà không được thi hành.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, năm 2017 có 63 người chết vì bệnh dại, là căn bệnh có số người tử vong cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm gây dịch ở nước ta. Bước sang năm 2018, cũng theo Cục Y tế dự phòng, mới đầu năm bệnh dại đã xảy ra ở 31/63 tỉnh. Số người chết do bệnh dại tập trung chủ yếu ở miền Bắc, chiếm 71% số ca bệnh dại của cả nước. Từ thực tế đó có thể thấy một thực tế đang báo động. Đó là bên cạnh nguyên chủ yếu dẫn đến bệnh dại có nguy cơ gia tăng là do tỷ lệ tiêm phòng cho đàn chó tại một số địa phương còn thấp, còn có nguyên nhân người dân chủ quan, nhận thức về bệnh dại còn hạn chế. Điều tra dịch tễ cũng cho thấy, tất cả các trường hợp tử vong do bệnh dại đều bị chó cắn mà không được tiêm vaccine phòng bệnh hoặc tiêm muộn. Trở lại câu chuyện về khan hiếm vaccine phòng dại, liệu có thể đặt thêm câu hỏi, phải chăng Hà Nội chưa xảy ra tình trạng như ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, một phần là do người Hà Nội và các tỉnh lân cận chưa mấy quan tâm đến việc tiêm phòng loại bệnh này?

Hiện tại, khi mùa viêm nhiệt bắt đầu, điều kiện để các loại dịch bệnh, trong đó có bệnh dại phát triển, cùng với việc tuyên truyền người dân quan tâm thực hiện các biện pháp phòng bệnh, các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi không tuân thủ quy định của pháp luật mà ở đây là những quy định của Nghị định 90/2017/NĐ-CP. Trước mắt các lực lượng chức năng cần xử lý nghiêm những hành vi dễ thấy, dễ phát hiện như dắt không đeo rọ mõm cho chó, thả rông chó nơi công cộng. Ai đó sẽ viện ra những lý do quen thuộc về nhân lực, tài chính…, song những khó khăn đó không phải không có cách khắc phục, một khi các cấp chính quyền nhận thức đúng và quyết tâm hành động. Việc này nếu được thực hiện nghiêm vừa có tác dụng phòng chống một bệnh dịch nguy hiểm là bệnh dại, vừa góp phần chữa một căn bệnh mãn tính đã tồn tại thật lâu trong cộng đồng xã hội: Nhờn luật!

Như vậy là một việc làm, hai lợi ích!