Mưa chưa dứt tại miền Trung, hàng chục hồ chứa đang phải xả tràn

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến sáng nay (17/10), tại nhiều tỉnh khu vực miền Trung tiếp tục có mưa. Do ảnh hưởng của vùng áp thấp, sau mạnh dần lên thành áp thấp nhiệt đới, dự kiến mưa sẽ còn tiếp diễn tại nhiều địa phương.

Hàng chục hồ chứa đang phải xả tràn

Các tỉnh miền Trung đang trải qua ngày thứ 7 chịu ảnh hưởng của mưa lớn. Ghi nhận từ 19 giờ ngày 10/10 đến 7 giờ sáng nay (17/10), các tỉnh, TP từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam đã có mưa rất to, phổ biến từ 500-700mm, có nơi trên 1.000mm; các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị và Quảng Ngãi có mưa 350-500mm.

Mưa lớn đã khiến mực nước nhiều hồ chứa thuỷ điện tại khu vực miền Trung lên cao. Sáng nay (17/10), hàng chục hồ chứa đang tiếp tục được các đơn vị quản lý, vận hành điều tiết qua tràn. Trong đó, nhiều nhất là tại Tây Nguyên khi có tới 16 hồ chứa đang phải vận hành điều tiết qua tràn.

Mưa tiếp diễn, nhiều tuyến đường tại các tỉnh khu vực miền Trung vẫn đang bị ngập nước.
Mưa tiếp diễn, nhiều tuyến đường tại các tỉnh khu vực miền Trung vẫn đang bị ngập nước.

Khu vực Bắc Bộ đang có hồ chứa thuỷ điện Sông Lô vận hành điều tiết qua tràn, lưu lượng xả/lưu lượng về hồ (m3/s) 47/150. Trong khi tại khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ cùng có 4 hồ chứa đang phải vận hành điều tiết qua tràn.

So với ít ngày trước, tình hình ngập lụt tại nhiều tỉnh miền Trung đã thuyên giảm. Đến 7h sáng nay (17/10), nước cơ bản đã rút hết ở các khu vực ngập lụt tại tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng, hiện người dân cơ bản đã trở về nhà (thời điểm cao nhất sơ tán là 7.648 người); tỉnh Quảng Ngãi còn ngập cục bộ một số khu vực trũng thấp thuộc huyện Bình Sơn.

Mặc dù vậy, hiện vẫn còn 7 tuyến đường tỉnh bị ngập nước, việc đi lại còn nhiều khó khăn. Cụ thể, tại Thừa Thiên Huế có 6 tỉnh lộ: 1, 3, 4, 8A,10C và 17B; trong khi tỉnh lộ 615 tại Quảng Nam cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Mưa tiếp diễn, vùng ảnh hưởng mở rộng

Trước ảnh hưởng của mưa lũ kéo dài, các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã chủ động chỉ đạo lực lượng trên địa bàn triển khai ứng phó với mưa lũ, ngập lụt; dọn dẹp vệ sinh, môi trường, giúp người dân khắc phục hậu quả thiệt hại do mưa lũ.

Riêng tại TP Đà Nẵng, chính quyền đã chỉ đạo tiến hành cấp phát 2.000 thùng mì tôm cho người dân trên địa bàn 5 quận, huyện bị thiệt hại nặng do ngập lụt. Đồng thời, tiếp tục cho học sinh nghỉ học trong ngày 17/10 để bảo đảm an toàn.

Vùng áp thấp trên Biển Đông đang mạnh dần, có khả năng tiếp tục gây mưa tại các tỉnh miền Trung.
Vùng áp thấp trên Biển Đông đang mạnh dần, có khả năng tiếp tục gây mưa tại các tỉnh miền Trung.

Bản tin sáng nay (17/10) của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia nhận định, từ nay đến sáng 19/10, khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Nam có mưa to đến rất to, với lượng mưa phổ biến từ 100-250mm, có nơi trên 350mm. Khu vực từ Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 50-150mm, có nơi trên 200mm.

Cũng do ảnh hưởng của vùng áp thấp sang mạnh dần lên, từ ngày 19/10 khu vực từ Nghệ An đến Quảng Bình có mưa vừa, mưa to lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 150mm. Trong khi đó, mưa lớn trên khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế sẽ có xu hướng giảm dần. Rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét là không thể chủ quan.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai tiếp tục đề nghị các tỉnh, TP khu vực miền Trung triển khai Công điện số 950/CĐ-TTg ngày của Thủ tướng chính phủ về việc chủ động ứng phó mưa lũ; theo dõi chặt chẽ diễn biến vùng áp thấp để sẵn sàng triển khai các biện pháp ứng phó.

Trong những ngày tới, các địa phương cần huy động lực lượng hỗ trợ người dân ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ; kịp thời hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu cho các hộ dân bị ảnh hưởng, nhằm sớm ổn định đời sống cho người dân vùng ảnh hưởng ngập lụt.

Đối các tỉnh, TP ven biển từ Thanh Hoá đến Khánh Hòa, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị tiếp tục thực hiện Công điện số 14/CĐ-QG ban hành tối qua (16/10). Trọng tâm là bảo đảm an toàn cho tàu thuyền trên biển, đang neo đậu ven biển và sẵn sàng ứng phó mưa lũ do ảnh hưởng của vùng áp thấp. 

 

Sáng nay (17/10), vùng áp thấp di chuyển chậm theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5-10km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Đến 4h sáng 18/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới trên vùng biển ngoài khơi Trung Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật từ cấp 8): từ vĩ tuyến 13,5 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 112,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.